Giới trẻ háo hức đón 30-4: Tự hào trên từng chiếc áo, ly nước, kẹp tóc
Sử dụng trang phục hay những vật dụng thường ngày in hình lá cờ Việt Nam không chỉ đơn thuần là trào lưu của giới trẻ mà đây còn là cách thể hiện niềm tự hào sâu sắc với lịch sử dân tộc, giới trẻ háo hức đón 30-4.
Những ngày này, trên các con phố trung tâm TP.HCM, không khó để bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ diện áo in cờ đỏ sao vàng, hay sử dụng những vật phẩm có hình cổ động, rủ nhau check-in tại các địa điểm gắn liền với ngày 30-4.
Trào lưu này không chỉ tạo nên sắc màu sôi động cho dịp lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn thể hiện niềm tự hào của giới trẻ với lịch sử dân tộc.
Áo cờ đỏ, nón lá cùng thông điệp “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”
Không còn gói gọn trong những hoạt động tưởng niệm truyền thống, năm nay, cách thể hiện tinh thần 30-4 của giới trẻ trở nên sinh động hơn với những bộ trang phục lấy cảm hứng từ ngày thống nhất.
Tại các địa điểm lịch sử của thành phố, hàng loạt hình ảnh về những chiếc áo in dòng chữ “Độc lập – Tự do”, “Ấm no – Hạnh phúc”, hay hình ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập được đa số bạn trẻ hưởng ứng.



Giới trẻ háo hức đón 30-4: Tự hào trên từng chiếc áo, ly nước, kẹp tóc.
Bạn Bùi Thị Ngọc Hoa (20 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cùng nhóm bạn cũng chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày 30-4. Ngọc Hoa cho biết, năm nay kỷ niệm 50 năm, nên nhóm Hoa muốn làm gì đó đặc biệt, mặc chiếc áo này trên người Hoa muốn lan tỏa hơn nữa tình yêu đất nước, không chỉ trong nước mà còn bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn.
“Bên cạnh áo, tụi mình còn xếp hàng để mua được ly nước ống tre, cắm cờ đỏ sao vàng, rồi lên kế hoạch ghé các địa điểm lịch sử của thành phố”, Hoa chia sẻ.

Bạn Bùi Thị Ngọc Hoa (bìa trái) check in cùng nhóm bạn của mình, háo hức đón 30-4.
Từ Bình Dương lên TP.HCM để check-in tại Dinh Thống Nhất, bạn Trần Thị Cẩm Ly (23 tuổi, ngụ TP Thủ Dầu Một) cùng nhóm bạn đã đặt áo từ sớm để kịp diện vào dịp này.
“Không chỉ là dịp check-in, bọn mình xem đây là cơ hội để hiểu thêm về lịch sử, khoác trên mình in hình nón lá và cờ Tổ quốc, mình rất tự hào. Có mặt tại đây mới biết không chỉ riêng mình mà còn rất nhiều bạn trẻ khác cũng hướng ứng trào lưu này từ áo, túi, nón…háo hức đón 30-4”, Cẩm Ly nói.

Bạn Trần Thị Cẩm Ly đặt áo cho bản thân và bạn bè của mình từ 1 tháng trước.
Ly nước ống tre, phụ kiện mang màu sắc lịch sử hút khách trẻ
Bên cạnh trang phục, những sản phẩm lấy cảm hứng từ ngày 30-4 cũng nhanh chóng tạo nên xu hướng. Một số quán cà phê tung ra phiên bản ly nước đặc biệt làm từ ống tre, được trang trí với hình ảnh cổ động, kèm theo lá cờ nhỏ.
Anh Nguyễn Huỳnh, chủ một quán cà phê trên đường Sương Nguyệt Ánh (quận 1, TP.HCM), cho biết ly nước này được thiết kế riêng cho dịp 30-4, vừa có tính truyền thống, vừa thân thiện với môi trường.
“Không ngờ lại được các bạn trẻ đón nhận mạnh mẽ đến vậy. Chỉ sau 3 ngày mở bán, sản phẩm này nhanh chóng được đón nhận, ngày nào cũng hết hàng, có những bạn kiên trì đợi cả 1 tiếng chỉ để đợi 1 ly nước mang ra Dinh Thống Nhất chụp hình”, anh Huỳnh nói.


Chờ một tiếng để nhận ly nước của mình, anh Nguyễn Trung Tài (32 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) vẫn không giấu được niềm vui.
"Tôi làm việc ở nước ngoài, khi về nước tôi thấy đông đảo người dân đang làm các hoạt động hưởng ứng ngày 30-4, tôi lấy làm vinh dự và cũng nhanh chân làm mua 1 ly nước đi tới các địa điểm lịch sử check-in", anh Tài bày tỏ.
Sự kiện lịch sử qua góc nhìn trẻ
Nhìn từ góc độ giới trẻ, những cách thể hiện tình cảm với ngày 30-4 năm nay không còn khô cứng, mà mang màu sắc trẻ trung, gần gũi hơn. Theo nhiều bạn trẻ, những chiếc áo hay ly nước không chỉ đơn thuần là trào lưu, mà còn là cách để họ kết nối với lịch sử theo cách riêng của mình.
Chị Lê Thị Loan (28 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) cho biết, bản thân chị cũng rất tự hào khi tình yêu đất nước được lan tỏa qua những hành động tưởng chừng như nhỏ bé, nhưng đó là tất cả sự biết ơn mà giới trẻ muốn bày tỏ với thế hệ cha anh đã nằm xuống để cho chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay.
“Với mình, 30-4 là Tết Độc lập của dân tộc. Mình cài kẹp tóc hình cờ Tổ quốc, áo dài – biểu tượng đậm nét của Việt Nam. Không thể chỉ hiện tình yêu, mình vẫn muốn lan tỏa vẻ đẹp văn hóa của đất nước”, chị Loan bày tỏ.

Chị Lê Thị Loan cùng cháu gái đi chụp hình tại Dinh Thống Nhất.
Không chỉ giới trẻ, nhiều gia đình cũng hào hứng hưởng ứng bằng cách diện áo đồng phục in cờ đỏ sao vàng, cùng con cái đến các địa điểm lịch sử để tìm hiểu về ý nghĩa ngày 30-4, biến dịp này thành cơ hội giáo dục truyền thống và lòng tự hào dân tộc cho con trẻ.


Nhiều gia đình cũng hào hứng đón 30-4.
Với sự hưởng ứng mạnh mẽ, không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay đang dần trở thành một sự kiện không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, mà còn là dịp để giới trẻ bày tỏ niềm tự hào dân tộc theo cách riêng của mình.

TS Văn hóa Lưu Tuấn Anh
Ở góc độ văn hóa, TS Văn hóa Lưu Tuấn Anh đánh giá tích cực xu hướng này. Theo TS Tuấn Anh, văn hóa dân tộc được duy trì bền vững từ sự truyền thừa qua các thế hệ người Việt Nam, trong đó có lòng yêu nước.
Những sáng tạo trong phương thức biểu hiện hay trong trào lưu thể hiện tình yêu đất nước của người trẻ Việt Nam không chỉ khẳng định cá tính riêng của họ mà còn đưa đến hiệu ứng chung là làm lan tỏa mạnh mẽ lòng yêu nước, bày tỏ sự biết ơn các bậc tiền nhân đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
"Từ đây củng cố niềm tin vào sự đồng lòng của cả dân tộc để đưa Việt Nam ngày càng vươn cao và tiến xa trên con đường hội nhập", TS Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, TS Tuấn Anh cho biết, trong sự tự do sáng tạo đó, mỗi người chúng ta vẫn cần phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức, kích thước, màu sắc trong việc in hình cờ Tổ quốc, tuyên truyền khẩu hiệu, biểu ngữ có liên quan để tránh xảy ra những nhầm lẫn đáng tiếc.