Giới trẻ học tiếng Indonesia, Thái Lan để có thêm cơ hội việc làm

Thay vì học những ngoại ngữ phổ biến như tiếng Anh, Trung, Hàn, nhiều người lựa chọn ngôn ngữ ít thông dụng hơn như Indonesia, Thái Lan, Ả Rập.

Hơn 2 năm qua, Nguyễn Thị Hương (25 tuổi) vừa bận rộn với công việc truyền thông báo chí vừa dành nhiều thời gian cho việc tự học tiếng Thái Lan.

"Mình thích đất nước, văn hóa và con người Thái Lan. Chưa kể, ngành truyền thông và quảng cáo ở nước này rất mạnh. Việc biết tiếng sẽ bổ trợ cho công việc của mình trong tương lai", Hương chia sẻ với Zing về lý do chọn học ngoại ngữ ít phổ biến.

 Nguyễn Hương làm quen với một số bạn người bản địa trong quá trình làm việc để nâng cao vốn từ vựng.

Nguyễn Hương làm quen với một số bạn người bản địa trong quá trình làm việc để nâng cao vốn từ vựng.

Học ngoại ngữ để có thêm cơ hội

Nói rõ hơn về lựa chọn của mình, Nguyễn Thị Hương cho biết bản thân đã có vốn tiếng Anh ổn. Cô muốn học thêm ngoại ngữ thứ hai để tăng lợi thế.

Hương nghĩ các ngoại ngữ như tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc... vốn được nhiều người học. Bản thân xuất phát muộn nên muốn một lựa chọn lạ, ít người theo hơn.

Cũng theo đuổi ngôn ngữ ít phổ biến, Khánh Linh (20 tuổi), sinh viên năm hai, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) chọn theo học tiếng Ả Rập. Nữ sinh cho biết theo bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập không phải vì định hướng từ trước. Linh để ý tới ngành này vì thấy tiếng Ả Rập còn mới lạ, chưa nhiều người biết đến.

Tương lai, Linh mong muốn có thể làm trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu hoặc du lịch. Cô sinh viên trẻ cho rằng Việt Nam là thị trường còn mới với các nước nói tiếng Ả Rập. Vì vậy, tiềm năng khai thác khá lớn, sẽ có nhiều cơ hội cho việc giao du thương mại và du lịch.

Khánh Linh quyết định học tiếng Ả Rập để có cơ hội việc làm trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu hoặc du lịch.

Khánh Linh quyết định học tiếng Ả Rập để có cơ hội việc làm trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu hoặc du lịch.

Có lựa chọn tương tự, Hồng Phúc, sinh viên Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập, cho biết thời điểm học lớp 12, khi điền nguyện vọng vào đại học, xuất phát từ tình yêu đối với các ngoại ngữ khác nhau, nam sinh đã đăng ký vào các ngành ngôn ngữ, nguyện vọng một là Ngôn ngữ Ả Rập.

Phúc cho rằng Ả Rập là một trong những thứ tiếng lâu đời trên thế giới nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam. Thấy tài liệu về lịch sử, văn hóa khu vực Trung Đông còn hạn chế, Phúc muốn tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử Ả Rập, Trung Đông.

Phúc cũng theo dõi các thông tin tuyển sinh của ĐH Ngoại ngữ, thấy các anh chị cũng như thầy cô nhiệt tình, cậu càng kiên định với quyết định của mình.

Theo chàng sinh viên trẻ, cậu có nhiều cơ hội trải nghiệm với ngành nghề liên quan đến tiếng Ả Rập. Tuy nhiên, nam sinh muốn khởi nghiệp bằng dự án kinh doanh những sản phẩm đến từ Arabia Saudi. Cậu đang cố gắng, học hỏi rất nhiều để có thể thực hiện ước mơ.

Trong khi đó, Minh Phượng (29 tuổi), đến với tiếng Indonesia một cách ngẫu nhiên. Khi còn học khoa Đông Phương học của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), ban đầu, cô không có ý định chọn học ngoại ngữ này.

Thời điểm đó, cô gái thích học tiếng Anh của ngành Úc học hoặc tiếng Hàn thuộc ngành Hàn Quốc học. Tuy nhiên, sinh viên học 2 ngành này quá đông. Sau khi được thầy giáo giới thiệu về ngôn ngữ Indonesia, hơn nữa, cô cũng có học bổng toàn phần, Phượng quyết định theo học và gắn bó.

“Tất cả công việc mình làm từ sau khi ra trường đều sử dụng tiếng Indonesia. Nó giúp mình rất nhiều trong công việc. Mình nghĩ ngôn ngữ này đã chọn mình”, Phượng tâm sự.

 Theo Hồng Phúc, Ả Rập là một trong những thứ tiếng lâu đời trên thế giới nhưng ở Việt Nam chưa phổ biến.

Theo Hồng Phúc, Ả Rập là một trong những thứ tiếng lâu đời trên thế giới nhưng ở Việt Nam chưa phổ biến.

Khó tìm người thực hành

Chọn học thứ tiếng không mấy phổ biến, Hương, Linh, Phúc, Phượng đều gặp khó khăn trong quá trình học.

Không như tiếng Anh, Trung, Nhật... rất sẵn giáo trình, tài liệu tham khảo tiếng Thái Lan vẫn còn rất ít ỏi. Nguyễn Hương phải tự tìm tài liệu trên mạng, nhờ người mua hộ bên nước ngoài, chủ yếu tự học.

“Ban đầu, mình nản bởi bảng chữ cái Thái Lan rất khó để thuộc cách viết, phát âm cũng như nhớ được mặt chữ. Ngoài 44 nguyên âm, tiếng Thái còn có nhiều phụ âm phải ghép vần. Mình gần như bất lực trước việc đọc và ghép chữ”, Hương than.

Với Nguyễn Hương, việc tự học tiếng Thái 2 năm đầu đem lại ít hiệu quả bởi không có người hướng dẫn bài bản. Cô chỉ nói và nghe được những câu đơn giản như tên tuổi, hỏi giá hay hỏi đường đi.

 Hương tự học tiếng Thái là chủ yếu và tìm hiểu các tài liệu trên mạng.

Hương tự học tiếng Thái là chủ yếu và tìm hiểu các tài liệu trên mạng.

May mắn, làm việc trong môi trường có nhiều người Thái Lan, cô luôn tận dụng cơ hội để trau dồi ngôn ngữ của mình. Sau đó, cô theo học lớp tiếng Thái với học phí 6 triệu đồng cho 45 buổi.

Trong hơn một tháng học tiếng Thái theo lộ trình, phần lớn thời gian, Nguyễn Hương phải học online vì dịch bệnh, không thể đến lớp trực tiếp.

“Do quỹ thời gian ít, mình không cố định thời gian để phân bổ việc học. Chủ yếu lúc rảnh rỗi, trên ôtô, mình học thêm một số từ mới, tự ghép câu. Quan trọng nhất là nghe và nói. Vì thế, để phục vụ phần nghe, mình xem phim, tắt phụ đề”, Hương chia sẻ.

Đi làm bận rộn, thường xuyên phải đi công tác, Hương còn thường bỏ lỡ các buổi học, đành xem lại vào hôm sau. Cô gần như không thể tham gia học phần thực hành.

Những lúc đó, Hương tự đeo tai nghe, tập nói trước gương. May mắn, trong công việc, cô có quen một số bạn người bản địa, được họ giúp rèn phần này.

Trong khi đó, dù được theo học với 2 giảng viên người Ai Cập lại có sự hỗ trợ từ bộ môn, nhà trường, Khánh Linh lại gặp khó khăn khi thiếu điều kiện thực hành thường xuyên do Ả Rập là ngoại ngữ khó, ít người biết.

Linh cùng Phúc còn gặp khó khăn trong nhận diện mặt chữ cũng như cách phát âm khi phải học bộ chữ cái mới. Sau đó, khi họ học lên mức độ cao hơn, ngữ pháp, từ vựng khó dần.

“Thực sự, từ vựng Tiếng Ả Rập rất phong phú, lượng kiến thức nhiều. Đôi lúc, em gặp áp lực, phải chăm chỉ hơn. Việc tìm tài liệu tham khảo cũng không dễ”, Phúc cho hay.

Ngược lại, dù cũng học ngôn ngữ ít phổ biến, Minh Phượng không gặp nhiều khó khăn. Cô cho hay nếu biết nhiều từ vựng, người học có thể giao tiếp nhanh. Ngữ pháp của tiếng Indonesia không khó như tiếng Anh, gần giống tiếng Việt.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, Phượng làm văn phòng, liên quan tới du lịch và hỗ trợ những sự kiện của Bộ Du lịch Indonesia với Việt Nam vào năm 2016. Sau đó, cô làm tự do chủ yếu dịch thuật, phiên dịch, làm hướng dẫn viên du lịch tiếng Indonesia.

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhờ biết ngoại ngữ này, Phượng có thể làm nhân viên kinh doanh bán sản phẩm học tiếng Anh qua thị trường Indonesia.

Minh Phượng có duyên học và cơ hội làm việc bằng tiếng Indonesia.

Minh Phượng có duyên học và cơ hội làm việc bằng tiếng Indonesia.

Tự tin để vượt qua

Xác định cần ngoại ngữ để có thêm cơ hội phát triển trong công việc, dù gặp nhiều khó khăn, Nguyễn Hương cũng như các bạn trẻ ở trên đều cố gắng khắc phục.

Hương cho rằng tiếng Thái vừa đọc vừa viết rất khó. Để hiểu được quy tắc viết tiếng Thái, cô phải mất nhiều thời gian, nếu chỉ sai một thanh điệu, nghĩa của từ sẽ thay đổi ngay lập tức.

Để khắc phục, cô thường xuyên phải nghe và tập nói thật nhiều, bên cạnh đó, việc thường xuyên giao tiếp với người bản địa cũng giúp khả năng giao tiếp của cô được cải thiện rõ rệt.

Hơn nữa, khi ở trình độ cao hơn, cô bạn luyện nghe tiếng Thái qua phim ảnh, ca nhạc. Việc xem phim giúp cô hiểu được cách sử dụng từ ngữ trong từng hoàn cảnh cụ thể và giúp bản thân quen với tốc độ phát âm của người Thái.

Học qua ứng dụng giao tiếp cũng là lựa chọn của Hương. Cô chia sẻ các ứng dụng thường có nhiều các chủ đề, câu hội thoại phong phú như chào hỏi, thời gian, chữ số, hỏi đường. Khi đó, người học có thể học từ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.

Khánh Linh lại nhờ đến sự hỗ trợ của thầy cô và anh chị khóa trên để vượt qua khó khăn khi học tiếng Ả Rập. Bên cạnh đó, cô chăm chỉ luyện tập.

Hành trình học tiếng Ả Rập của Hồng Phúc cũng nhận nhiều sự giúp đỡ. Cậu giải quyết vấn đề thiếu tài liệu nhờ sự quan tâm của các anh chị, thầy cô, cùng thư viện Zayed. Đặc biệt, Phúc cùng bạn học được sự quan tâm của đại sứ quán và các đơn vị khác nên không bị áp lực khi theo học.

Phúc cho rằng muốn học tiếng Ả Rập tốt, mỗi người cần rèn luyện thường xuyên, thực hành, đọc, viết, nghe, nói nhiều.

Lan Anh - Minh Thúy

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-tre-hoc-tieng-indonesia-thai-lan-de-co-them-co-hoi-viec-lam-post1320190.html