Giới trẻ lan tỏa và phát huy những giá trị tinh hoa của âm nhạc dân tộc Việt Nam
Thông qua việc kết hợp giữa âm nhạc hiện đại với các nhạc cụ truyền thống rất nhiều các bạn trẻ đang cố gắng lan tỏa và phát huy những giá trị tinh hoa của âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Âm nhạc truyền thống mang hơi thở thời đại
Xã hội phát triển cùng với hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều loại hình âm nhạc hiện đại du nhập vào nước ta khiến giới trẻ bị cuốn theo, âm nhạc truyền thống bị lép vế. Tuy nhiên, vẫn còn có rất nhiều bạn trẻ đang say mê tiếp nối gìn giữ và phát triển âm nhạc truyền thống của dân tộc. Dưới cách tiếp cận của một thế hệ trẻ đầy tâm huyết, âm nhạc truyền thống không chỉ sống lại với đầy đủ tinh hoa vốn có, mà còn mang hơi thở đương đại, hấp dẫn những khán giả trẻ.
Mang trong mình tình yêu cháy bỏng với cây đàn bầu từ khi lên 7 tuổi, tới khi lớn lên, Lê Hà Thu càng ý thức phải giữ gìn, trân trọng nhạc cụ truyền thống. Theo bạn Lê Hà Thu – chủ nhiệm câu lạc bộ Cầm ca chia sẻ: "Từ bé tôi đã được học về các loại nhạc cụ truyền thống nên có niềm đam mê, tình yêu mãnh liệt với nó. Khi mới vào trường, tôi rất mong muốn mang cây đàn bầu của mình lên sân khấu, đến cuối năm lớp 11, khi đang còn là học sinh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, tôi đã quyết định thành lập câu lạc bộ "Cầm ca", nơi mà các bạn chỉ cần yêu nhạc cụ truyền thống, đam mê âm nhạc thôi các bạn đều có thể tham gia. Đây sẽ là môi trường để các bạn có thể lên sân khấu, thỏa sức kết bạn, có những trải nghiệm mới. Đồng thời, tôi mong muốn nhạc cụ truyền thống sẽ truyền tải những điều đơn giản và gần gũi, mang cái hồn dân tộc gần hơn với khán giả".
Trong gần 4 năm hoạt động, Cầm ca luôn mong muốn tháo gỡ định kiến khiến khán giả về khái niệm nhạc cụ truyền thống là cũ kỹ, lỗi thời. Cầm ca đã không ngừng sản xuất hàng trăm bản hòa tấu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa nhạc cụ dân tộc và phương Tây. Có thể kể đến các sản phẩm âm nhạc trẻ như "Có không giữ mất đừng tìm", "Chạy về khóc với anh"… được nhóm làm mới bằng thanh âm đàn bầu, sáo trúc. Hay ca khúc quen thuộc "Trống cơm", nhóm đã thể hiện bằng cách kết hợp giữa đàn bầu với tiết tấu beatbox.
"Ngay từ ban đầu câu lạc bộ đã có sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống với hiện đại, bởi những người trẻ đang sống ở một thời kỳ ngày càng sôi động, hiện đại, và chính bản thân những người trẻ như chúng tôi khi được chơi những giai điệu đó trên nhạc cụ truyền thống cũng cảm thấy rất thú vị. Khi biểu diễn các bản nhạc trẻ tại các trường học, tôi thấy các em học sinh rất hào hứng, ngay cả những em nhỏ tuổi có thể chưa hiểu âm nhạc truyền thống là gì nhưng khi nghe tiếng đàn bầu kết hợp với beatbox các em cảm thấy được sự mới mẻ, bắt tai nghe hơn. Qua đó, tôi mong muốn để lại được những kỷ niệm trong tuổi thơ của các em về cây đàn bầu và nhớ đến âm nhạc truyền thống của quê hương" – bạn Hà Thu chia sẻ thêm.
Cùng chung hướng đi với câu lạc bộ Cầm ca, dự án Nhã âm cũng đã thành công trong việc kết duyên giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Trưởng ban tổ chức của dự án Nhã âm - Trần Trâm Anh chia sẻ: "Hiện nay có nhiều thể loại âm nhạc hiện đại đang du nhập vào nước ta khiến cho các thể loại âm nhạc truyền thống ít được ưa chuộng, không còn nhiều chỗ đứng trong lòng các bạn trẻ. Trước thực trạng đó, với tình yêu dành cho âm nhạc truyền thống, tôi nhận thấy bản thân cần phải thực hiện một điều gì đó để bảo tồn và giữ gìn của âm nhạc của dân tộc, từ đó tôi cùng với các bạn của mình thành lập nên dự án.
Trước khi ra mắt, chúng tôi có một vài nỗi lo và sợ rằng các bạn trẻ sẽ khó tiếp cận với loại hình âm nhạc dân tộc, nên tôi cùng với các thành viên trong nhóm trong dự án đã nảy ra một ý tưởng đó là kết hợp tính hiện đại với tính truyền thống. Chẳng hạn như kết hợp nhạc cụ truyền thống với nhạc cụ phương Tây, hòa âm phối khí các bài dân ca mang âm hưởng hiện đại,… Tôi nghĩ rằng bằng cách kết hợp này, giới trẻ sẽ dễ dàng tiếp cận với loại hình nhạc cụ truyền thống hơn và dần thêm yêu âm nhạc dân tộc".
Theo đuổi mục tiêu riêng của mình, trong năm vừa qua, Nhã âm đã tổ chức thành công liveshow "Ấn cổ", bên cạnh các tiết mục của các khách mời là các nghệ sĩ tên tuổi trong làng âm nhạc cổ truyền như: NSND Trần Thế Dân, NSND Thanh Ngoan, NSƯT Thanh Thanh Hiền… là những màn biểu diễn của các bạn trẻ với các tác phẩm có sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc truyền thống và âm nhạc hiện đại. Các tiết mục đã mang đến bầu không khí sôi động, trẻ trung, cuốn hút và được các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt. Với sự thành công của liveshow Ấn cổ chính là động lực để dự án tiếp tục trên con đường đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với giới trẻ.
Những lớp học âm nhạc miễn phí
Không chỉ làm mới âm nhạc truyền thống để gần gũi hơn với khán giả, câu lạc bộ Cầm ca còn mở lớp học "Bình dân học nhạc" nhằm truyền tải những kiến thức cơ bản về âm nhạc như nốt nhạc, nhạc lý hay đơn thuần là việc làm quen với các nhạc cụ dân tộc. Lớp học được các bạn trẻ thuộc câu lạc bộ "Cầm ca" trực tiếp "cầm tay chỉ việc" giúp các học viên tiếp thu dễ dàng và nhanh hơn.
Theo bạn Hà Thu chia sẻ: "Hiện nay, câu lạc bộ đã phát thêm những nấc thang mới, được mọi người đón nhận và nghe nhiều hơn, nhưng nếu chỉ nghe không thôi thì có thể sẽ quên đi nhanh chóng, chính vì thế tôi đã thành lập một lớp học để dạy trực tiếp về các nhạc cụ truyền thống. Qua đó, các bạn có thể thực hành, chơi một số loại nhạc cụ để hiểu hơn với âm nhạc truyền thống và các bạn có thể nhận diện tốt các loại nhạc cụ truyền thống, chơi nó như bao loại nhạc cụ khác. Và tôi nghĩ nếu được, mỗi bạn hãy chơi thêm một loại nhạc cụ để có thể làm phong phú hơn đời sống tinh thần của mình cũng như giữ gìn hồn cốt của dân tộc".
Lớp "Bình dân học nhạc" được thành lập để "xóa mù âm nhạc" miễn phí, đến thời điểm hiện tại, sau 6 khóa học Bình dân học nhạc đã có hơn 400 học viên "tốt nghiệp".
Tự hào nhất tổ chức ra lớp học là mang lại cho người học và người dạy những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ. "Các bạn tham gia lớp học có những người chưa bao giờ biết đến các loại nhạc cụ, chưa được đánh đàn hay biểu diễn, nhưng sau khóa học các bạn có thể trình diễn những nốt nhạc đầu khiến cho câu lạc bộ của chúng tôi rất tự hào. Và chính những bạn nhạc công cũng sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời, bởi các bạn có thể biểu diễn ở nhiều nơi nhưng để làm một người thầy, cô giáo dạy một người trong một tháng sẽ là một trải nghiệm rất mới mẻ" – Bạn Hà Thu bày tỏ.
Ngoài lớp học của câu lạc bộ Cầm ca có thể kể đến lớp học anh Ngô Văn Hảo sinh năm 1996 là người hoạt động tự do về hát xẩm. Anh cũng là học trò của nghệ nhân Bá Linh (Đào Bạch Linh) - người sáng lập câu lạc bộ Xẩm Hà Thành tại Hải Phòng. Anh bắt đầu yêu và theo đuổi nghệ thuật Xẩm từ năm 2010, trong một lần vô tình nghe được bài xẩm Công cha nghĩa mẹ sinh thành của nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Không phải là một người theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng với tình yêu với âm nhạc truyền thống anh luôn dành nhiều thời gian hơn để tham gia các chương trình, lễ hội liên quan đến xẩm, tìm hiểu và thu thập tư liệu những bài hát xẩm. Cùng với đó, anh cũng tích cực hỗ trợ các bạn sinh viên và những người yêu thích muốn tìm hiểu, học hỏi về hát Xẩm tại câu lạc bộ Xẩm 48h – một lớp học do dự án "Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương" của những bạn trẻ đam mê với nghệ thuật truyền thống.
Nói về việc bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống của dân tộc, Ngô Văn Hảo cho biết: "Với Xẩm là sự yêu thích của tôi và thỏa niềm đam mê của bản thân. Đồng thời, tôi cũng mong muốn lưu giữ những gì mà các cụ đã đúc kết từ xa xưa để lan tỏa cho thế hệ trẻ hôm nay. Bởi vì, nếu ít người biết bộ môn nghệ thuật mà bị mai một, mất đi thì sẽ phụ công của những thế hệ đi trước.
Tuy nhiên, để các bạn trẻ biết đến và yêu Xẩm, thì cần phải cho các bạn nghe, tiếp cận với nhiều hình thức, trong đó có việc đưa vào học đường, sau đó tìm hiểu. Chính vì thế, mỗi buổi học về Xẩm trong lớp của tôi thường có ba công đoạn: hát, đàn và những câu chuyện xung quanh về Xẩm…".
Lớp Xẩm do Ngô Văn Hảo "đứng lớp" đã truyền dạy nhiều khóa học, cho những yêu mến nghệ thuật hát Xẩm, đồng thời giới thiệu môn nghệ thuật này trong các chương trình ở các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng nhiều chương trình văn nghệ học đường khác. Học viên tham gia lớp học Xẩm của anh đa dạng các độ tuổi từ các em nhỏ, thanh thiếu niên, sinh viên đến những người lớn tuổi không chỉ được "đắm chìm" trong không gian nghệ thuật của các làn điệu âm nhạc dân tộc mà còn được học hỏi miễn phí.
Một tín hiệu vui là giới trẻ đã thực sự ý thức được sứ mệnh trong việc tiếp tục bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị tinh hoa của âm nhạc truyền thống. Mong rằng thời gian tới, sẽ còn nhiều hơn nữa các câu lạc bộ, hội nhóm và các bạn trẻ cùng nhau hòa chung niềm đam mê. Để tình yêu âm nhạc truyền thống được lan tỏa, để những thanh âm còn vang mãi ngàn năm./.