Giới trẻ loay hoay trong việc quản lý tài chính cá nhân
Sống tiết kiệm hay cứ chi tiêu thoải mái là câu hỏi được các bạn trẻ đặt ra khi nhắc đến việc quản lý tài chính cá nhân. Và, vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, không ít gen Z hiện vẫn đang loay hoay với vấn đề này.
Quản lý tài chính cá nhân là một khái niệm không mới, song vẫn luôn là vấn đề "nóng", thậm chí nan giải ở mọi thế hệ. Siu Hoài Liên (làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) đang trải qua năm thứ 2 của bậc đại học tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Những chi phí như tiền thuê nhà trọ, ăn uống... hầu như Liên phụ thuộc vào gia đình. Khoản tiền kiếm được từ việc đi làm thêm sau giờ học, Liên gửi tiết kiệm phòng thân khi cần.
Trung bình mỗi tháng, Liên dành ra khoảng 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng cho việc mua sắm, chủ yếu là các đồ thiết yếu như: quần áo, mỹ phẩm, phụ kiện và các sản phẩm dưỡng da. Dẫu vậy, không phải món đồ nào mua về cũng được cô nàng sử dụng.
"Không ít lần, mình rơi vào tình trạng “cháy túi” bởi những ngày phát sinh tiệc sinh nhật bạn bè, các buổi cà phê ngẫu hứng hay những lúc shopping online vô tội vạ. Hậu quả, mình đang sở hữu đống đồ trị giá gần 10 triệu nhưng ít hoặc chưa bao giờ sử dụng đến như: đai latex, máy uốn tóc, bộ dụng cụ thể dục, máy xay sinh tố... và ti tỉ những món khác"-Liên cười thú nhận.
Gần đây, khá nhiều bạn trẻ đã phát ngôn và đồng tình hưởng ứng câu nói “hết tiền có thể kiếm lại nhưng tuổi trẻ qua rồi thì không bao giờ tìm lại được”. Với tinh thần đó, gen Z không ngần ngại chi mạnh tay cho việc mua sắm, ăn chơi, du lịch, hưởng thụ...
Siu Hải (27 tuổi; làng Mook Trê, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) bày tỏ: “Mình đam mê những chuyến du lịch và ưu tiên mua sắm cho bản thân. Đó cũng là lý do vì sao có công việc ổn định nhưng mình luôn cứ bị luẩn quẩn trong vòng xoay: đầu tháng nhận lương-đi chơi-hết tiền-vay/mượn-tháng lương sau trả nợ. Sau 3 năm đi làm, tài khoản tiết kiệm của mình gần như bằng không. Mình cũng biết đó là một điều không tốt và mình phải học cách quản lý chi tiêu, thế nhưng hiện tại mình chưa biết bắt đầu từ đâu”.
Tương tự, cô bạn Nguyễn Thị Thanh Thuận (20 tuổi; tổ 3, phường Đống Đa, TP. Pleiku) cũng cho biết, bản thân từng rơi vào những ngày khó khăn đến mức phải vay mượn bạn bè, người thân để chi tiêu cũng bởi vì chưa biết cách quản lý nguồn tiền.
“Rút kinh nghiệm từ khủng hoảng tài chính cá nhân, hiện nay, ngoài chi phí tiêu dùng trong nhà, mỗi tháng, mình trích khoảng 20-30% tiền lương để lập quỹ tiết kiệm. Nhờ đó, lúc gia đình hoặc bản thân có việc gấp cần đến tiền thì có để sử dụng ngay mà không phải vay mượn người ngoài. Khoản tiết kiệm nếu chưa cần dùng ngay, mình mua vàng tích trữ dần, xem như một cách đầu tư”-Thuận cho biết.
Bạn Ngô Trường Duy (24 tuổi; tổ 11, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cũng chia sẻ về việc quản lý tài chính cá nhân. Theo đó, Duy luôn cố gắng chia nguồn tiền ra làm 4 phần: tiền nhà, ăn uống, đi lại và tiết kiệm. "Tuy có kế hoạch chi tiêu rõ ràng và bản thân cũng hạn chế mua sắm nhiều nhưng đôi khi không thể tránh khỏi những tháng có phát sinh chi phí cao hơn. Mình luôn lo lắng về những sự cố bất ngờ nên việc chi tiêu vừa đủ và tiết kiệm là mối quan tâm hàng đầu của mình, làm sao để vừa đáp ứng đủ nhu cầu cá nhân, vừa có thể gửi tiền về nhà cho bố mẹ khi có việc cần”-Duy nói.
Chia sẻ của một vài bạn trẻ về quản lý chi tiêu của bản thân. Thực hiện: Trân Trân