Giới trẻ Mỹ phá toilet, ăn cắp đồ để làm thử thách TikTok

Nhiều thanh thiếu niên Mỹ tham gia trào lưu #deviouslicks nhằm nổi loạn, gây rối khi trở lại trường học sau một năm học online vì dịch bệnh.

Vài tuần qua, giới trẻ Mỹ rộ lên trào lưu trộm vật dụng trong nhà trường và đăng tải lên TikTok với hashtag #deviouslicks, theo New York Times.

Món đồ bị đánh cắp có thể là chai xà phòng, gương phòng vệ sinh, thiết bị báo cháy hoặc bàn giáo viên. Trào lưu này thậm chí biến tướng thành những hành vi phá hoại nghiêm trọng ví dụ như gỡ gạch trên trần nhà, lan can, đập bỏ vách ngăn nhà vệ sinh.

Tính riêng tháng này, khoảng 94.200 đoạn clip với nội dung trên được đăng lên TikTok, thu về hàng triệu lượt xem, khiến nhiều người băn khoăn: "Vì sao giới trẻ lại ăn cắp, đập phá đồ đạc như vậy?".

Học sinh ăn cắp, đập đồ của trường

Theo New York Times, trào lưu #deviouslicks bắt đầu vào ngày 1/9, khi một người dùng đăng đoạn clip khoe hộp khẩu trang y tế lấy cắp từ trường học lên mạng xã hội. Video này thu hút 239.000 lượt xem.

Vài ngày sau, một đoạn clip khác lại được đăng tải với cùng hashtag, tiết lộ "chiến lợi phẩm" là một chai nước rửa tay, nhận được 7,2 triệu lượt xem.

Trước đó, ban lãnh đạo trường trung học Takoma Park (Washington D.C., Mỹ) phát hiện một số nhà vệ sinh bị phá hoại sau khi đón học sinh trở lại lớp học vào ngày 30/8.

"Chúng tôi hiểu rằng loạt hành vi vi phạm này có thể xuất phát từ một thử thách trên mạng xã hội, cụ thể là TikTok", Hiệu trưởng Erin L. Martin thông báo qua email cho phụ huynh vào hôm 15/9.

Học sinh ăn trộm chai xà phòng, dỡ gương phòng vệ sinh, thậm chí đánh cắp máy chiếu trong trường học để tham gia thử thách #deviouslicks. Ảnh: North East Independent School District.

Học sinh ăn trộm chai xà phòng, dỡ gương phòng vệ sinh, thậm chí đánh cắp máy chiếu trong trường học để tham gia thử thách #deviouslicks. Ảnh: North East Independent School District.

Theo báo cáo, ít nhất 10 trường trung học thuộc khu học chánh Pasco County, Land O' Lakes (bang Florida) ghi nhận tình trạng các chai xà phòng bị đánh cắp, biển báo và chân ghế gãy bị nhét vào nhà vệ sinh trong trường.

Những cuộc nổi loạn này đang gây tốn kém cho các trường học.

Phát ngôn viên Aubrey Chancellor cho biết 5/6 trường học thuộc học khu đã báo cáo về tình trạng mất đồ, từ bình đựng xà phòng cho tới bình chữa cháy. Thậm chí, họ còn phát hiện ra gương nhà vệ sinh vỡ vụn, buộc bảo vệ và các nhân viên phải dọn dẹp.

Học khu đã kỷ luật một số học sinh dưới hình thức đình chỉ học tập, quy về tội danh trộm cắp, phá hoại tài sản công.

"Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục các em rằng đây không phải trò đùa. Chúng tôi đang lo ngại nhiều vấn đề và thắc mắc vì sao học sinh lại muốn phá hoại trường học, gây bất tiện cho người khác", Stephen Hegarty, phát ngôn viên của khu học chánh, trả lời.

Về phía TikTok, nền tảng này cũng đang nỗ lực ngăn chặn trào lưu này bằng các xóa các nội dung liên quan và kiểm duyệt các hashtag trên. Thế nhưng, tính đến ngày 16/9, có hàng chục nghìn video như trên vẫn xuất hiện tràn lan.

Cuộc nổi loạn hậu đại dịch

Amanda Brennan, Giám đốc cấp cao tại công ty digital marketing XX Artists, cho biết đại dịch có thể là nguyên nhân dẫn đến trào lưu này. Sau hơn một năm học trực tuyến, giới trẻ có xu hướng nổi loạn khi quay trở lại trường học.

"Các học sinh tìm cách ăn cắp vật dụng, phá hoại của công vì coi đó như một trò chơi quyền lực", bà Brennan nói.

 Hành vi phá hoại của giới trẻ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trường học và các nhân viên. Ảnh: TikTok.

Hành vi phá hoại của giới trẻ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trường học và các nhân viên. Ảnh: TikTok.

Brendan Gahan, đối tác kiêm Giám đốc Xã hội từ công ty kỹ thuật số Mekanism, cho biết trào lưu #deviouslicks tương tự như những trò chơi khăm từng phổ biến ngày trước.

"Dù khác nhau về cách thức, tất cả đều là cách thanh thiếu niên thế hiện sự nổi loạn. TikTok chỉ là nền tảng phù hợp để chia sẻ và lan tỏa những hành vi này nhanh chóng và rộng rãi hơn", ông nói.

Học khu North East Independent ở San Antonio đang yêu cầu gia đình các học sinh phải trả hàng trăm USD tiền bồi thường thiệt hại cho trường học.

"Khi chúng tôi tìm ra thủ phạm, phụ huynh sẽ phải trả tiền bồi thường. Đó là nguyên tắc", bà Chancellor nói.

Bà Brennan và ông Gahan nghi ngờ rằng nỗ lực ngăn cấm từ phía trường học và TikTok có thể gây phản tác dụng. Họ cho rằng càng lên án, xử phạt quyết liệt, học sinh càng cảm thấy được thử thách và tiếp tục thực hiện hành vi này.

Thực tế, sau khi nhà trường ra thông báo xử phạt, một người dùng trẻ đã khẳng định trên mạng xã hội: "Đừng để bị bắt, nhưng hãy tiếp tục tham gia thử thách. Hình phạt chỉ khiến mọi thứ thêm thú vị".

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-tre-my-pha-toilet-an-cap-do-de-lam-thu-thach-tiktok-post1264520.html