Giới trẻ rời bỏ thần tượng
Thời của những người hâm mộ thụ động, cổ vũ hết mình cho thần tượng đã qua. Khi ngành giải trí bão hòa, fan trở nên chủ động, khắt khe và có những kỳ vọng lớn hơn.
Thời của những người hâm mộ thụ động, cổ vũ hết mình cho thần tượng đã qua. Khi ngành giải trí bão hòa, fan trở nên chủ động, khắt khe và có những kỳ vọng lớn hơn.
Ngày 14/5, Đông Nhi và Ông Cao Thắng cùng lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm về mình trong vụ lùm xùm với cộng đồng người hâm mộ.
Bài đăng này trái ngược hoàn toàn với bức tâm thư được nữ ca sĩ đăng tải lên trang cá nhân hai ngày trước. Trong đó, cô thể hiện sự không hài lòng khi người hâm mộ công kích và tấn công các thành viên trong ê-kíp của mình.
"Đừng nghĩ chị thay đổi, chính các bạn đã làm chị sợ hãi khi phải đối diện. Những gương mặt vừa cười nói với mình sau đó lại đăng lời lẽ xúc phạm trên mạng xã hội", giọng ca Bad boy nêu quan điểm.
Làn sóng tẩy chay mạnh mẽ vài ngày qua đang buộc Đông Nhi phải ẩn bài đăng này và chính thức xin lỗi fan. Tuy nhiên, những lời chỉ trích chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong những năm gần đây, việc người nổi tiếng bị fandom của chính mình quay lưng không hề hiếm. Người hâm mộ ngày càng chủ động, thẳng thắn bày tỏ quan điểm và đòi hỏi nhiều hơn ở các ngôi sao cũng như công ty quản lý.
Nếu thần tượng có hành động, lời nói sai trái hoặc đi ngược lại với kỳ vọng của fandom, khán giả không chần chừ quay lưng rời đi.
Văn hóa tẩy chay
Cancel culture (tạm dịch: văn hóa tẩy chay) đã trở nên phổ biến đến mức được đưa vào Macquarie Dictionary vào năm 2019. Văn hóa tẩy chay được định nghĩa là việc rút lại sự ủng hộ đối với nhân vật công chúng khi họ làm hoặc nói điều gì đó gây xúc phạm.
Hiện tượng này gia tăng mạnh mẽ kể từ khi Covid-19 bùng phát. Khi việc ở nhà và lướt mạng xã hội gia tăng, khán giả có thêm thời gian để xem xét người nổi tiếng cũng như "hủy bỏ" thần tượng.
JK Rowling, tác giả của bộ truyện Harry Potter, đã bị fandom quay lưng vì phát ngôn kỳ thị người chuyển giới. Ca sĩ Lana Del Rey đối mặt làn sóng tẩy chay vì lời bài hát chống nữ quyền và phát ngôn thách thức fan trên Instagram.
YouTuber nổi tiếng Jenna Marbles đã thông báo rằng rời khỏi nền tảng này sau những lời chỉ trích về các video xúc phạm, định kiến giới trước đây.
Năm 2018, sau hàng loạt vụ tẩy chay người nổi tiếng liên quan đến vấn đề chính trị tại Mỹ, The New York Times có bài viết Everyone Is Canceled, nhận định người hâm mộ giờ đây chỉ cần một lý do, thậm chí đôi khi là không điều gì cả, để từ bỏ một thần tượng.
Hai năm sau, The Conversation lặp lại quan điểm này bằng bài viết Celebrities can be cancelled. Fandoms are forever. "Văn hóa tẩy chay bị chỉ trích vì tâm lý đám đông, lặp lại các nguyên tắc tương tự bắt nạt. Nó đã trở thành phản ứng đả kích hơn là sự kêu gọi người nổi tiếng giải trình và có trách nhiệm hơn".
Sức mạnh của fandom
Tại Hàn Quốc, sự ảnh hưởng của fandom đến thần tượng còn khủng khiếp hơn.
Theo SCMP, thời của những người hâm mộ Kpop thụ động, cổ vũ hết mình cho idol đã qua. Khi ngành giải trí của xứ kim chi bão hòa, fan trở nên chủ động, khắt khe và đòi hỏi cao hơn ở thần tượng cũng như các công ty quản lý.
Thuật ngữ "fansumer", kết hợp từ "fan" (người hâm mộ) và "consumer" (người tiêu dùng) cho thấy sức mạnh của các fandom.
Nếu yêu thích, fan có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ cho idol và các công ty giải trí. Họ thậm chí bỏ tiền để đưa bài hát cũ trở lại bảng xếp hạng trong ngày sinh nhật của thần tượng.
Nhưng ngược lại, sự phản đối, tẩy chay của fan cũng có thể khiến idol tiêu tan sự nghiệp. Việc lấy lại hoàn toàn sự nổi tiếng hay quay trở lại làng giải trí có thể là điều rất khó khăn.
Cũng giống như cách người tiêu dùng tẩy chay các sản phẩm hoặc công ty mà họ không thích, các "fansumers" Kpop có thể buộc công ty sa thải idol, xóa tên các ngôi sao họ ghét trong những dự án âm nhạc, phim ảnh sắp ra mắt.
Làn sóng tẩy chay không chỉ dừng lại ở mạng xã hội bằng những hashtag thể hiện quan điểm, fan Kpop có thể đe dọa các ngôi sao, công ty khi ngừng mua album, tiêu thụ các sản phẩm giải trí, nhắn tin, gọi điện, đăng quảng cáo...
Lee Seung Gi từng bị nhiều fan dọa quay lưng khi xác nhận hẹn hò với Lee Da In. Người hâm mộ từng dán biểu ngữ phản đối lên xe tải vì lo sợ lùm xùm thao túng cổ phiếu của gia đình Lee Da In sẽ ảnh hưởng xấu đến tên tuổi của thần tượng.
Lee Gyu-tag, giáo sư nghiên cứu về nhạc pop và truyền thông tại Đại học George Mason Hàn Quốc và là tác giả của Kpop Age, cho biết: "Người Hàn Quốc vẫn có xu hướng yêu cầu những hành vi đạo đức mẫu mực từ người nổi tiếng và khá nghiêm khắc với những hành vi phi đạo đức.
Một số nhóm nhạc ngoại lệ vẫn có thể thành công về mặt thương mại ngay cả sau vụ bê bối ma túy hoặc bắt nạt. Nhưng họ sẽ không được xuất hiện trên những thứ như quảng cáo, nơi đòi hỏi cái nhìn thiện cảm từ đại đa số khán giả".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-tre-roi-bo-than-tuong-post1317139.html