Giới trẻ TP.HCM gặp bạn bè trước khi trở lại guồng quay công việc

Nhiều bạn trẻ tại TP.HCM tranh thủ khoảng thời gian cuối của kỳ nghỉ lễ, khi khu vực trung tâm không còn quá đông đúc để dạo chơi, gặp gỡ nhau.

Tận dụng ngày cuối của kỳ nghỉ lễ, Tuyết Mai (sinh năm 2002) tranh thủ gặp gỡ một số bạn học chung cấp 3. Đi dạo ở khu vực trung tâm, nhóm thuê một chiếc xe đạp công cộng để trải nghiệm và chụp hình.

“Tụi mình đi từ lúc trưa, ngồi cà phê, lượn lờ phố xá đến tầm tối thì chạy về lại”, Mai nói.

Mai cho biết vì ngại dịch bệnh nên nhóm bạn không gặp nhau trong những ngày đầu đợt nghỉ lễ vì sợ mọi người đổ ra đường quá đông.

 Tuyết Mai và bạn cùng nhóm từ Long An lên TP.HCM gặp Thái Tâm trong ngày nghỉ lễ cuối.

Tuyết Mai và bạn cùng nhóm từ Long An lên TP.HCM gặp Thái Tâm trong ngày nghỉ lễ cuối.

“Mình đoán ngày 1/1 và 2/1 đường phố sẽ rất đông đúc, đặc biệt các khu vực trung tâm. Nên những ngày đó, tụi mình chỉ ở nhà và dành thời gian cho gia đình. Đến ngày cuối, khi mọi người ít ra đường, phải ở nhà chuẩn bị đi làm lại thì tụi mình mới hẹn nhau đi chơi”, Thái Tâm, thành viên trong nhóm, chia sẻ với Zing.

Chiều cuối cùng của dịp lễ Tết Dương lịch, dòng người đổ xuống đường phố các khu vực trung tâm để vui chơi không đông đúc như những ngày trước đó. Nhiều bạn trẻ tranh thủ gặp gỡ nhau trước khi chuẩn bị chính thức bước vào guồng quay học tập, công việc của năm mới.

Hội ngộ bạn bè trong ngày nghỉ lễ cuối

Nhóm bạn của Mai đều là sinh viên năm nhất của các trường đại học tại TP.HCM. Do dịch bệnh, tất cả ở quê học online cả học kỳ một.

Tuần trước một số người bạn của Mai chuyển lên Sài Gòn, thuê trọ xong xuôi và chuẩn bị đi học trực tiếp vào ngày 4/1. Trong khi đó, trường của Mai dự định đến tháng 2 mới mở lớp offline nên cô vẫn ở quê trong thời gian này.

Ngày nghỉ lễ cuối, khu vực trung tâm không quá đông đúc, nhiều người thoải mái hơn khi vui chơi ở đây.

Ngày nghỉ lễ cuối, khu vực trung tâm không quá đông đúc, nhiều người thoải mái hơn khi vui chơi ở đây.

Một năm qua học online nên cả 3 người đều chỉ biết mặt một vài bạn đại học. Giờ nhìn mọi người chuẩn bị được đến trường, Thái Tâm và Tuyết Mai cũng nóng lòng.

“Mình cảm thấy rất vui, hào hứng khi ngày mai sẽ lần đầu tiên được đến lớp, nhưng dự đoán là thời gian tới sẽ bận rộn hơn. Vì vậy, tụi mình tranh thủ ngày lễ gặp mặt, cổ vũ tinh thần nhau trước”, Thái Tâm nói.

Khoảng 15h, Lê Thị Ngọc Điệp (sinh năm 2003) chạy xe khoảng 45 phút từ nhà riêng ở Bình Chánh đến khu vực trung tâm quận 1 để tụ hội với nhóm bạn thân cấp hai của mình.

Những ngày đầu nghỉ Tết Dương lịch, nhóm bạn này đều bận rộn với việc riêng. Người đi làm thêm, người học online, số còn lại dành thời gian cho gia đình. Tất cả chỉ còn rảnh đúng ngày lễ cuối cùng để gặp mặt đông đủ.

 Nhóm bạn của Ngọc Điệp cùng di dạo, uống cà phê và trò chuyện.

Nhóm bạn của Ngọc Điệp cùng di dạo, uống cà phê và trò chuyện.

“Cũng phải hơn 2-3 tháng rồi tụi mình không gặp nhau. Mỗi người ở một quận nên hẹn nhau ở khu vực trung tâm để tiện di chuyển”, Điệp cho biết.

Sau khi đi dạo ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhóm bạn thuê xe đạp công cộng chạy quanh các con phố lớn. Cuối giờ chiều, khi trời đổ mưa, hội bạn chọn một quán cà phê gần đó để vào uống nước, trò chuyện.

“Không khí phố xá ngày nghỉ lễ cuối cùng vẫn rất nhộn nhịp, dù cho thời tiết không quá lý tưởng. Vì còn ngại dịch bệnh, tụi mình vẫn tránh đến chỗ quá đông người và luôn mang theo dung dịch sát khuẩn bên người”, Điệp cho hay.

Ngày nghỉ lễ đặc biệt

Chiều ngày nghỉ lễ cuối cùng, Võ Ngọc Xuân Ca (sinh năm 2001, sinh viên ĐH Văn Lang) cùng nhóm bạn thân (là thành viên cùng nhóm nhạc) rủ nhau tới phố đi bộ Nguyễn Huệ để ghi hình cho sản phẩm âm nhạc mới.

Vì dịch bệnh nên nhóm bạn cùng quê Phan Thiết không thể về thăm nhà dịp Tết Dương lịch. Thay vào đó, 5 người dành những ngày nghỉ lễ bên nhau, cùng đi dạo ở các khu vực trung tâm, uống trà dâu và ăn vặt.

 Nhóm 5 người bạn quê Phan Thiết đi dạo và tranh thủ ghi hình sản phẩm mới ở phố đi bộ.

Nhóm 5 người bạn quê Phan Thiết đi dạo và tranh thủ ghi hình sản phẩm mới ở phố đi bộ.

“Không khí ở phố đi bộ khá thoáng mát, view đẹp và còn tập trung nhiều hàng quán, điểm vui chơi. Những ngày đầu năm mới, mình cảm thấy không khí thành phố sôi động hơn khi mọi người ra đường mua sắm, vui chơi.

Mới trở lại TP.HCM vào đầu tháng 11 sau thời gian về quê tránh dịch, nữ sinh viên cảm nhận Sài Gòn đang dần phục hồi trở lại, mọi người cũng thoải mái hơn khi đã làm quen với cuộc sống bình thường mới.

"Tết 2022 thật sự rất khác những năm trước, mọi người không còn các hoạt động chào xuân, cũng không có lễ hội mừng năm mới rầm rộ hay bắn pháo hoa. Dù cảm nhận được sự trầm lắng nhất định, chúng mình vẫn ấp ủ nhiều dự định, kỳ vọng sắp tới sẽ là một năm bùng nổ và dịch bệnh sẽ chấm dứt”, Xuân Ca nói.

Hơn 16h, Thúy Vy (sinh viên năm 2 của ĐH Nguyễn Tất Thành) cùng nhóm điều dưỡng viên hỗ trợ điều trị Covid-19 trở về khách sạn trên đường Nguyễn Huệ sau một ngày làm việc.

Nhóm sinh viên tham gia hỗ trợ tuyến đầu tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 Ung bướu cơ sở 2 khoảng một tháng nay. Những ngày Tết Dương lịch, cả nhóm dành hết kỳ nghỉ để “trực chiến”.

 Nhóm sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành không nghỉ lễ để tham gia chống dịch.

Nhóm sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành không nghỉ lễ để tham gia chống dịch.

Nhìn mọi người vui chơi ở phố đi bộ trong những ngày lễ, Thúy Vy cảm thấy sự nhộn nhịp đã trở lại thành phố sau thời gian dài phong tỏa.

“Dù hiện tại thành phố đã trở lại bình thường mới, mọi người chấp nhận sống chung với dịch nhưng cũng cần cẩn thận vì số ca nhiễm vẫn đang tăng. Là những người tham gia tuyến đầu, trực tiếp tiếp xúc với người nhiễm bệnh, mình thấy chúng ta không nên lơ là”, Vy nói.

Mỗi ngày, nhóm của Vy làm ở bệnh viện từ 7h sáng đến 14h. Mỗi ngày, cô mang điện thoại theo để học online ngay tại bệnh viện.

“Ở cùng thành phố nhưng không về nhà nên gia đình cũng lo, thường xuyên gọi điện. Hồi đầu mới đi tình nguyện, ba mẹ mình không đồng ý. Nhưng đi rồi thì giải thích xong ba mẹ đã hiểu và thông cảm cho nhiệm vụ mà mình lựa chọn”.

Ngân (quê Vũng Tàu), sinh viên điều dưỡng cùng nhóm với Vy, cho biết cô quyết định không về nhà đón Tết Âm lịch sắp tới mà sẽ ở lại để hỗ trợ chống dịch.

“Mình không về vì thấy hiện tại trong bệnh viện số ca nhiễm ngày một đông, trong khi nhân lực đang rất thiếu. Mình hy vọng sẽ góp một phần công sức nhỏ để chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh”, Ngân nói.

Đào Phương - Huệ Lâm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-tre-tphcm-gap-ban-be-truoc-khi-tro-lai-guong-quay-cong-viec-post1287356.html