Giới trẻ và cơ hội phát triển từ du lịch địa phương (Bài 2): 'Lên sóng' cùng quê hương

Không cần những hành trình xa xôi, cũng chẳng phải đầu tư tốn kém, nhiều thanh niên Thanh Hóa đang từng ngày đưa hình ảnh quê hương 'lên sóng' bằng chính chiếc điện thoại thông minh và tình yêu bản địa. Từ mạng xã hội đến nền tảng số, những thước phim, bài viết và bức ảnh của người trẻ đang góp phần định hình một diện mạo du lịch sống động, gần gũi và đầy cảm hứng.

Ngô Văn Hùng mong muốn mang đến cho người xem những bức ảnh đẹp, sống động về vùng đất Thường Xuân (tên gọi cũ).

Ngô Văn Hùng mong muốn mang đến cho người xem những bức ảnh đẹp, sống động về vùng đất Thường Xuân (tên gọi cũ).

Đi để dựng

“Mỗi người trẻ đều có một cách để yêu quê hương. Với cá nhân tôi, tôi thích kể câu chuyện về vẻ đẹp quê hương bằng hình ảnh, video và cả những góc nhìn chân thực nhất”, đó là cách Ngô Văn Hùng nói về hành trình với “Thường Xuân online”, trang fanpage được anh và những người bạn lập từ năm 2021, kết nối cộng đồng người Thường Xuân xa quê. Ban đầu chỉ là kênh thông tin đời sống, xã hội, nhưng càng làm, Hùng càng nhận ra “quê hương mình có quá nhiều điều đẹp đẽ cần lan tỏa cho nhiều người biết đến”.

Từ đó, anh chuyển hướng phát triển mạnh mảng nội dung quảng bá hình ảnh quê hương, như cảnh sắc thiên nhiên, danh thắng, phong tục tập quán người dân... Như video “Khám phá huyện Thường Xuân - Viên ngọc ẩn đầy tiềm năng của xứ Thanh” mà Hùng tham gia cuộc thi “Sáng tác video, clip tuyên truyền, giới thiệu về địa chỉ đỏ, danh lam thắng cảnh tỉnh Thanh Hóa trong thanh, thiếu nhi năm 2024” đã thu hút hơn 1.400 lượt yêu thích và gần 600 lượt chia sẻ. Trong video vẻ đẹp của Thường Xuân được thể hiện qua những góc quay mộc mạc mà đầy cảm xúc, mang lại sức lan tỏa và cộng hưởng mạnh mẽ từ cộng đồng. Video đã đạt giải Nhì toàn tỉnh trong cuộc thi.

Theo Ngô Văn Hùng: “Mạng xã hội là công cụ, còn cảm xúc và sự gắn bó mới là điều khiến người xem dừng lại. Với tư duy đó, “Thường Xuân Online” ngày càng mở rộng nội dung, đặc biệt chú trọng đến yếu tố hình ảnh, âm thanh và tính chân thực. Dù phải tranh thủ thời gian cuối tuần, cùng bạn bè đi quay, dựng clip, tìm hiểu thông tin, nhưng anh Hùng vẫn kiên trì với mục tiêu giản dị “để người khác thấy quê hương mình đẹp ra sao”. Tất nhiên, không phải không có khó khăn khi Hùng còn công việc chính phải làm, hạn chế về kiến thức lịch sử, văn hóa, phải di chuyển đến nhiều địa điểm mới lạ, độc đáo trên địa bàn, cập nhập liên tục thông tin mới... Điều khiến Hùng hạnh phúc nhất là khi hình ảnh quê hương được chia sẻ rộng rãi, được người xem bình luận, lan truyền và hơn hết, là truyền được cảm hứng cho những người trẻ khác trở thành những “đại sứ du lịch”.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội, Hùng tin rằng: “Quảng bá quê hương trên nền tảng số chính là cách làm du lịch thông minh và tiện lợi nhất hiện nay. Bạn không cần quá chuyên nghiệp, chỉ cần có tình cảm thật, thì hình ảnh bạn chia sẻ đã có giá trị”. Anh mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục sản xuất nhiều video khám phá chân thực về con người, thiên nhiên và nhất là văn hóa Thường Xuân, đồng thời kết nối với những bạn trẻ cùng đam mê để xây dựng hình ảnh địa phương năng động, hấp dẫn và đầy tiềm năng.

Không chỉ Hùng mà rất nhiều bạn trẻ xứ Thanh đã không ngại khó khăn, vất vả, tìm đến những vùng đất mới, nét văn hóa độc đáo, cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, ít người khám phá... tạo dựng nên những thước phim chân thực, mộc mạc nhưng đầy lôi cuốn, quảng bá vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh. Một số kênh khám phá Thanh Hóa nổi tiếng như “Check-in Thanh Hóa”, “Du lịch cộng đồng Pù Luông”...

“Kể để lan tỏa”

Giới thiệu du lịch địa phương trong thời đại công nghệ, người trẻ không chỉ “dẫn tour” bằng đôi chân, mà còn “kể tour” bằng con chữ, khung hình. Nguyễn Thanh Huyền (sinh năm 1997), là một trong những người như thế. Với nền tảng báo chí, tư duy truyền thông hiện đại, nhiệt huyết tuổi trẻ và tình yêu với xứ Thanh, Huyền góp phần làm nên một bản đồ ẩm thực, du lịch phong phú của xứ Thanh trên nền tảng số.

Với chị Huyền, ẩm thực là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch.

Với chị Huyền, ẩm thực là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch.

Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Huyền quay về quê hương để lập nghiệp. Cùng với những người bạn đồng chí hướng sáng lập ALA Agency, công ty truyền thông chuyên về sáng tạo nội dung số và tư vấn chiến lược truyền thông. Các trang fanpage như “Ăn uống Thanh Hóa”, “Riviu Thanh Hóa”, “Thổ địa Thanh Hóa”... do đội nhóm ALA vận hành hiện đã có hàng chục nghìn lượt theo dõi, trở thành những kênh tham khảo quen thuộc không chỉ với người dân địa phương mà còn với du khách khi muốn khám phá Thanh Hóa. Đầu tháng 3/2025, Huyền cho ra mắt kênh cá nhân mang tên “Huyền Tròn”, chuyên

review các món ăn đặc sản và không gian ẩm thực tại Thanh Hóa, thu hút hàng nghìn lượt xem, chia sẻ và lan tỏa trong cộng đồng. Với Huyền, ẩm thực không chỉ là hương vị, mà là “cánh cửa mềm” để đưa hình ảnh quê hương đến gần hơn với cộng đồng, nhất là những người nước ngoài. “Ẩm thực luôn là điều đầu tiên khiến người ta nhớ đến một vùng đất. Với Thanh Hóa, từ đặc sản rừng, biển đến món ăn đường phố, tất cả đều rất phong phú và đáng tự hào. Vấn đề là làm sao kể lại những điều đó hấp dẫn, đáng tin và khác biệt”, Huyền chia sẻ.

Nhờ giọng điệu gần gũi, hình ảnh chân thực và góc nhìn tinh tế, những kênh quảng bá của Huyền và các bạn đã mang vẻ đẹp xứ Thanh lan tỏa, kích thích trí tò mò, mong muốn được khám phá của nhiều người. Đồng thời, Huyền còn là người đứng sau các chiến dịch truyền thông, như quảng bá du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến, hay những tuyến bài giới thiệu điểm đến mới ở miền núi. Huyền chia sẻ kinh nghiệm “Với du lịch Sầm Sơn, chúng em bắt đầu từ tháng 3 đã lên kế hoạch chạy đồng loạt nội dung như giới thiệu điểm đến, ẩm thực, địa chỉ lưu trú... Mỗi bài đăng không chỉ mang thông tin mà còn truyền cảm xúc, kêu gọi chia sẻ, đó là cách để du lịch địa phương được lan tỏa mạnh nhất với chi phí thấp nhất”.

Bên cạnh việc làm nội dung, Huyền còn tư vấn cho các hộ kinh doanh, quán ăn, cửa hàng... từ chọn món chủ lực, bố trí không gian, đến cách “lên bài” để khách nhớ và tìm tới. Cô coi đó là cách kết nối giữa truyền thông, du lịch, kinh doanh một cách bền vững, văn minh.

Câu chuyện của Huyền không đơn thuần là chuyện của một nhà sáng tạo nội dung, mà là minh chứng cho một thế hệ thanh niên biết kết hợp tư duy chuyên môn với tình yêu quê hương, để xây dựng hình ảnh quê hương bằng phương tiện hiện đại. Qua đó, không chỉ lan tỏa vẻ đẹp, sự đổi thay của Thanh Hóa đến người xa quê, mà còn khiến chính người dân địa phương thấy thêm yêu mến nơi mình đang sống.

Những câu chuyện về quê hương của Hùng, Huyền và nhiều bạn trẻ xứ Thanh khác được “lên sóng” trên các nền tảng số bằng tình yêu và lòng tự hào quê hương. Họ đang góp nhặt từng câu chuyện nhỏ, từng khoảnh khắc đẹp vẽ nên một Thanh Hóa vừa sống động vừa gần gũi. Và chính những điều bình dị ấy, cơ hội sẽ mở ra, du lịch sẽ rộng mở và phát triển.

Bài và ảnh: Phong Vân

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/gioi-tre-va-co-hoi-phat-trien-tu-du-lich-dia-phuong-bai-2-nbsp-len-song-cung-que-huong-38004.htm