Giới trẻ và nỗi sợ 'lạc hậu' trên mạng xã hội: Bắt kịp xu hướng, bỏ lỡ giá trị?
Mạng xã hội đang tạo ra một 'thế giới song song' đầy cám dỗ, nơi giới trẻ đang phải đối mặt với một nghịch lý: 'bắt kịp' những xu hướng phù phiếm trên mạng xã hội, nhưng lại 'bỏ lỡ' những giá trị đích thực của cuộc sống.
'Nỗi sợ bị bỏ lỡ'
Trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, nơi mọi người luôn được kết nối, hiệu ứng FOMO (Fear of Missing Out - Nỗi sợ bị bỏ lỡ) đã trở thành một hiện tượng tâm lý đặc biệt mạnh mẽ, đặc biệt là trong giới trẻ. Không chỉ đơn giản là một cảm giác lo âu, FOMO đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến cách thức giới trẻ tương tác với xã hội, tiêu dùng và trải nghiệm cuộc sống.
Các xu hướng 'hot' trên TikTok hay Instagram, những địa điểm 'check-in' được săn đón hay những buổi livestream bán hàng với thông điệp 'chốt đơn ngay kẻo hết' là những minh chứng rõ ràng của FOMO. Giới trẻ hiện nay liên tục cập nhật thông tin, so sánh bản thân với người khác và cảm thấy áp lực phải tham gia vào tất cả các hoạt động để không bị 'lạc hậu'.

FOMO - nỗi sợ bị bỏ lỡ đang trở thành một 'cơn nghiện' nguy hiểm, khiến người dùng mạng xã hội đánh đổi thời gian, tiền bạc và sức khỏe tinh thần.
Một ví dụ điển hình là vụ việc gần đây, khi các nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội phơi bày chuyện tình cảm vốn dĩ được cho là 'riêng tư' trong các buổi livestream, thay vì bị chỉ trích hay lên án, họ lại thu hút hàng triệu lượt theo dõi từ giới trẻ. Điều này dẫn đến việc tiêu tốn thời gian, tiền bạc và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Nhận định về vấn đề này, nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang cho biết: "Đối với giới trẻ, những trào lưu này có thể tạo ra không khí sôi động, làm cho không gian mạng trở nên đa dạng và thú vị hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang chứng kiến một giai đoạn mà những hiện tượng này có thể gây hại, làm xói mòn đời sống văn hóa tinh thần, dẫn đến những tổn thương tâm lý không thể tránh khỏi nếu chúng ta mù quáng chạy theo những xu hướng này".
Thực tế, ông Quang chia sẻ rằng, dù bản chất con người luôn hướng đến điều thiện, việc nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị tốt đẹp lại rất khó khăn. Đôi khi, những điều tốt đẹp lại bị xem là nhàm chán và không hấp dẫn, trong khi những thú vui bản năng lại dễ thu hút giới trẻ. Đặc biệt, giới trẻ rất dễ bị cuốn vào những hiện tượng tiêu cực và lệch lạc.
Những hành động xấu xí và phản cảm trên mạng xã hội thường thu hút sự chú ý của đám đông nhiều hơn là những hành động đẹp đẽ, tử tế. Những lời nói trí tuệ, sâu sắc không được nhiều lượt thích bằng những hình ảnh hở hang hay phản cảm.
Theo nhà báo Hồng Thanh Quang, mặc dù những hiện tượng này không phải là mới mẻ, nhưng chúng đang dần trở thành một vấn đề đáng lo ngại - đặc biệt trong bối cảnh, mạng xã hội ngày nay có thể xâm nhập vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống, thậm chí tận giường ngủ của bất kỳ ai. Điều này khiến những người thiếu kiến thức hoặc không biết cách sử dụng thời gian dễ dàng bị cuốn vào những nội dung vô bổ và hủy hoại sức khỏe tinh thần.
"Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng xã hội với vẻ ngoài hấp dẫn, nhưng lại ẩn chứa những giá trị lệch lạc, thu hút sự chú ý của một bộ phận không nhỏ giới trẻ", ông Quang nhấn mạnh.
Công nghệ 'làm thô sơ' con người
Ông Hồng Thanh Quang đã chỉ ra một thực trạng đáng báo động trong xã hội hiện đại: "Trong giai đoạn hiện nay, con người đang dần xa rời không gian thực tế để hòa mình vào không gian mạng. Việc tìm kiếm và tích lũy kiến thức giờ đây chủ yếu dựa vào các công cụ trực tuyến, dẫn đến việc giới trẻ cho rằng không cần thiết phải ghi nhớ mọi thứ. Tuy nhiên, họ không hiểu rằng quá trình ghi nhớ tri thức và rèn luyện kỹ năng không chỉ đơn thuần là thu thập kiến thức, mà còn giúp phát triển tối ưu bộ não con người".
Vấn đề này không chỉ phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận tri thức mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng tư duy và sáng tạo của thế hệ trẻ. Việc phụ thuộc quá nhiều vào các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội khiến khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin độc lập của giới trẻ ngày càng suy giảm, đồng thời làm mất đi những kỹ năng tư duy phản biện cần thiết cho việc giải quyết các vấn đề phức tạp trong cuộc sống.

Nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang.
Nhà báo Hồng Thanh Quang nhấn mạnh, thay vì sử dụng công nghệ như một công cụ để làm phong phú đời sống tinh thần và xây dựng những giá trị nhân văn, nhiều người trẻ hiện nay lại bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống ảo. Trong không gian này, họ thường xuyên so sánh bản thân với những hình mẫu lý tưởng được tô vẽ bởi mạng xã hội, từ đó tạo ra một xã hội sống theo những chuẩn mực ảo, thiếu chiều sâu.
Họ không chỉ chạy theo những xu hướng, những trào lưu phù phiếm mà còn đánh mất đi bản sắc cá nhân và những giá trị thực tế. "Điều này dẫn đến sự tha hóa về nhận thức và hành vi, khiến giới trẻ ngày càng xa rời những giá trị cốt lõi như tình yêu, sự tôn trọng, và những mối quan hệ chân thành trong đời sống thực", ông Quang cho hay. "Họ dễ dàng rơi vào trạng thái thiếu tự tin, lo âu và khủng hoảng tinh thần khi không thể đạt được những chuẩn mực phi thực tế mà mạng xã hội đề ra".
Lẽ ra, chúng ta nên sử dụng những tiến bộ công nghệ để làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, tâm hồn phong phú hơn, tình yêu sâu sắc và nhân bản hơn. Nhưng thực tế, công nghệ và các nền tảng mạng xã hội, thay vì nâng cao sự nhân văn của con người, lại có xu hướng khiến chúng ta trở nên thô sơ hơn về mặt cảm xúc và nhận thức.
"Không chỉ dừng lại ở đó, không gian mạng còn trở thành nơi các trung tâm quyền lực thao túng dư luận, gieo rắc những thông tin sai lệch và kích động cảm xúc tiêu cực", ông Quang cảnh báo. Những tin tức giả mạo, các thông tin thiếu kiểm chứng được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, khiến người dùng dễ dàng bị lừa dối và tác động bởi các thế lực xấu.
Càng ngày, chúng ta càng chứng kiến những hành vi lệch chuẩn và biến thái trong đời thực, những sự việc mà trước đây khó có thể tưởng tượng được lại ngày càng trở nên phổ biến và khó kiểm soát.
"Tôi lo ngại rằng, nếu không có những biện pháp quản lý xã hội hiệu quả, tình trạng này sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống chung của chúng ta," ông Quang nhấn mạnh.
Tạo 'lực đẩy' từ những giá trị tích cực
Để giải quyết vấn đề sự lệch lạc trong nhận thức và hành vi của giới trẻ trong không gian mạng hiện nay, cần triển khai những biện pháp đồng bộ và quyết liệt. Trong đó, giáo dục đóng vai trò chủ chốt trong việc hình thành và định hướng giá trị sống cho thế hệ trẻ.
Nhà báo Hồng Thanh Quang cho rằng, cần xây dựng một hệ thống giáo dục không chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức mà còn bồi dưỡng nhân cách, giúp giới trẻ rèn luyện khả năng phân biệt đúng sai, tự chủ và bản lĩnh trong thế giới số, nơi đầy rẫy những thông tin sai lệch và hình mẫu tiêu cực.
"Giáo dục cần dựa trên những giá trị kinh điển, nhưng phương pháp truyền đạt cần sáng tạo và hiện đại", ông Quang nói.

"Chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn những ảnh hưởng tiêu cực trên mạng, nhưng có thể tạo ra những lực đẩy mạnh mẽ, xây dựng những giá trị tốt đẹp để lấn át chúng", nhà báo Hồng Thanh Quang nhấn mạnh.
Ông phân tích, một thế hệ trẻ lành mạnh luôn cần những nền tảng vững chắc từ những giá trị kinh điển của xã hội, giáo lý và tư tưởng. Dù không phải mọi truyền thống đều cần được giữ gìn một cách máy móc, nhưng việc phủ nhận hoàn toàn giá trị truyền thống sẽ dẫn đến sự đổ vỡ trong phát triển xã hội, thay vì sự tiến bộ mang tính kế thừa.
Nhà báo Hồng Thanh Quang cũng nhấn mạnh đến sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật là vô cùng quan trọng trong việc tạo ra những nội dung thu hút, thúc đẩy xu hướng sống tích cực và nhân văn trên không gian mạng.
Theo ông Quang, các tổ chức xã hội, với vai trò là cầu nối giữa cộng đồng và các vấn đề xã hội, có thể tạo ra những chiến dịch truyền thông, những dự án cộng đồng trực tuyến, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về tình yêu thương, sự sẻ chia, lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm. Họ có thể tổ chức các cuộc thi, các buổi giao lưu trực tuyến, tạo ra những không gian để giới trẻ thể hiện tài năng và đóng góp cho xã hội.
Các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật, với khả năng sáng tạo và truyền cảm hứng có thể sử dụng sức mạnh của nghệ thuật để truyền tải những câu chuyện về những người trẻ vượt khó, những tấm gương sống đẹp, những hành động tử tế, góp phần xây dựng một cộng đồng mạng văn minh và nhân ái.
"Chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn những ảnh hưởng tiêu cực trên mạng, nhưng có thể tạo ra những lực đẩy mạnh mẽ, xây dựng những giá trị tốt đẹp để lấn át chúng", nhà báo Hồng Thanh Quang nhấn mạnh. Điều này đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để tạo ra một môi trường mạng lành mạnh, nơi giới trẻ có thể phát triển toàn diện và đóng góp tích cực cho xã hội.