Giới trẻ với niềm đam mê máy ảnh cổ
Hiện nay, với nhiều dòng máy ảnh số, công nghệ, kỹ thuật chỉnh sửa ảnh hiện đại nên không khó để chụp được một tấm ảnh đẹp long lanh, nhanh chóng. Tuy nhiên, có những nhóm bạn trẻ ở TP. Nha Trang vẫn đam mê với dòng máy ảnh cổ, chụp bằng phim. Với các bạn, mỗi lần bấm máy đều mang lại cảm xúc thật đặc biệt.
Hẹn gặp một nhóm những người đam mê dòng máy ảnh cổ trong những ngày đầu xuân, chúng tôi ngạc nhiên khi các thành viên trong nhóm có độ tuổi còn trẻ, sinh năm 1990 đến 2005. Các bạn lần lượt cho chúng tôi xem gần 20 chiếc máy ảnh được sản xuất ở Nhật Bản, Đức cách đây hơn nửa thế kỷ được bảo quản, lau chùi sáng bóng. Mới 19 tuổi nhưng bạn Lê Viết Khang (sinh ra ở Nha Trang, đang là sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh) đã có 5 năm tìm hiểu, đam mê với dòng máy ảnh cổ và tự mày mò, học hỏi, rửa phim tại gia đình mình. Khang chia sẻ, từ năm lớp 7 em đã theo ba đi chụp ảnh bằng các dòng máy ảnh chụp bằng phim nên niềm đam mê với máy ảnh lớn lên theo năm tháng. Hiện nay, Khang có nhiều loại máy ảnh hiện đại trị giá cả trăm triệu đồng. Theo Khang, cảm xúc khi cầm, bấm máy ảnh chụp bằng cuộn phim vẫn thú vị nhất.
Khác với dòng máy ảnh kỹ thuật số hiện đại có thể thoải mái chụp liên tiếp nhiều tấm, các dòng máy ảnh cổ chụp bằng phim chỉ chụp được mỗi tấm một lần và không thể chỉnh sửa. Vì mỗi cuộn phim chỉ chụp được từ 26 đến 36 tấm, giá từ 150.000 đồng đến 450.000 đồng/cuộn nên mỗi lần bấm máy đòi hỏi sự căn chỉnh thủ công bằng tay và mắt về ánh sáng, bố cục… rất tỉ mỉ và kỳ công. “Điều đặc biệt hơn là nhiều dòng máy ảnh cổ khi chụp xong không thể xem ngay được, người chụp sau khi chụp hết cuộn phim phải mang đi tráng phim (mỗi lần rửa khoảng 60.000 đồng) mới có thể xem được bức ảnh mình chụp. Cảm giác hồi hộp chờ đợi để xem được ảnh của mình như thế nào, có bị hỏng hay không cũng mang lại cho mình cảm xúc khó tả”, Khang chia sẻ.
Bạn Nguyễn Phương Triết (27 tuổi, ở Nha Trang) đã có 5 năm đam mê và chụp ảnh bằng các dòng máy ảnh cổ. Triết chia sẻ, để chụp được một bức ảnh đẹp thì yếu tố cảm xúc của người bấm máy rất quan trọng. Chính vì thế, khi cầm máy ảnh chụp bằng phim, nghe tiếng tách tách phát ra mỗi lần bấm máy luôn mang lại cho các bạn cảm xúc khác biệt so với dòng máy ảnh kỹ thuật số hiện đại. Hiện nay, những dòng máy ảnh cổ hầu hết không còn sản xuất nữa, tìm linh kiện thay thế rất khó. Do đó, những người đam mê với dòng máy ảnh này đều rèn cho mình tính cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác trong mỗi lần bấm máy. Mỗi máy ảnh cổ có cách căn chỉnh khác nhau, màu ảnh trong mỗi cuộn phim cũng khác nhau. Do đó, những bức ảnh khi được tráng từ phim sẽ mang đến những gam màu khác biệt và đậm yếu tố hoài niệm.
Bên cạnh các cuộn phim màu, cũng có những người dùng máy ảnh cổ chỉ để chụp ảnh đen trắng. Các bạn trẻ chia sẻ rằng, khi xem một bức ảnh, điều đầu tiên người xem chú ý đến là màu sắc, sau đó mới đến nội dung, khung cảnh ở bức hình. Do đó, khi xem ảnh đen trắng, yếu tố màu sắc bị loại bỏ, người xem sẽ chú ý, tập trung nhiều hơn đến nội dung, độ tương phản trong bức hình, dễ mang đến nhiều cảm xúc hơn.
Do mang lại nhiều yếu tố cảm xúc mỗi lần bấm máy nên các dòng máy ảnh cổ, chụp phim đang thu hút ngày càng nhiều người đam mê, góp phần đa dạng cộng đồng nghệ thuật nhiếp ảnh. Các bạn trẻ cũng học hỏi thêm các nghệ sĩ nhiếp ảnh có nhiều năm kinh nghiệm đi trước để duy trì niềm đam mê, cho ra những bức ảnh đẹp, cảm xúc, lưu giữ giá trị qua thời gian.
THÁI THỊNH