Giòn thơm kẹo ống

Khi những cơn mưa đầu đông mang theo hơi lạnh se sắt ùa về khắp xóm làng thì cũng là lúc những người phụ nữ, trẻ em nơi các làng quê phía Đông huyện Gio Linh rủ nhau đi thổi kẹo ống… Kẹo ống vừa giòn vừa khô nên rất phù hợp khi thưởng thức kèm với nước chè xanh hay ấm trà nóng dưới hiên nhà, ngồi trong ra màn mưa mỏng giăng khắp xóm làng.

 Kẹo ống, món ăn ưa thích của người dân ở các làng quê Gio Linh

Kẹo ống, món ăn ưa thích của người dân ở các làng quê Gio Linh

Anh Nguyễn Hữu Cường (46 tuổi) ở thôn Lan Đình, xã Gio Phong, huyện Gio Linh cùng vợ đang nhẫn nại thổi kẹo ống cho khách. Anh Cường nhẹ nhàng đổ gạo vào cái phễu phía trên máy và điều chỉnh cho gạo xuống đều. Vợ anh khéo léo dùng kéo sắc cắt kẹo ống ra thành từng thanh dài bằng nhau. Từ một khe hở nhỏ xung quanh nụ bét của máy, ống kẹo màu trắng sữa nóng hổi, dẻo thơm tuôn thành ống dài. Cạnh đó, những người phụ nữ, trẻ nhỏ và cả thanh niên xếp hàng đợi đến lượt được thổi kẹo ống…Nghề chính của gia đình anh Cường là làm nông với 1,5 mẫu lúa. Hơn 10 năm trước, vợ chồng anh sắm được hệ thống máy xay xát lúa gạo phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Lúc bấy giờ, kẹo ống rất được ưa thích nên anh mua thêm một máy thổi kẹo ống trị giá 2 triệu đồng.

Anh Cường giới thiệu, máy thổi kẹo ống được thiết kế khá đơn giản, gồm 3 bộ phận: Phần trên để đựng nguyên liệu, dưới là bộ phận nghiền và tạo nhiệt. Vì máy thổi kẹo ống không có động cơ nên muốn thổi được kẹo cần phải nhờ đến động cơ máy nổ của máy xay xát lúa hoặc máy cày (có nơi người ta dùng mô tơ điện) thông qua hệ thông dây cu-roa truyền lực. Khi máy hoạt động, gạo và các nguyên liệu phụ gia từ phễu đổ xuống bộ phận nghiền và tạo nhiệt rồi ép bột nóng thành ống tại nụ bét. Từ nụ bét này sẽ cho ra thành phẩm là những ống kẹo nóng hổi, dẻo thơm. Người thổi phải nhanh tay dùng kéo cắt kẹo ống thành từng đoạn trước khi bột nguội lại vì kẹo ống giòn tan khi nguội.

Nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng để có những ống kẹo ngon và đều đẹp thì cũng lắm công phu. Trước nhất, muốn kẹo ống ngon thì phải chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu cần thiết. Gạo lứt (loại gạo được xay xát chỉ bỏ lớp vỏ trấu và giữ nguyên lớp vỏ cám) thì càng ngon, là nguyên liệu chính. Tiếp đến là các nguyên liệu phụ nhưng cũng không kém phần quan trọng, vì mỗi loại sẽ mang lại những hương vị khác nhau cho kẹo ống, đó là đường, bắp hạt, đậu lạc rang, mì tôm, khoai khô… Muốn kẹo ống giòn, ngon, ngọt, thơm thì không thể thiếu những thứ này. Trước khi bỏ vào máy để thổi, phải trộn đều tất cả các nguyên liệu lại với nhau theo tỉ lệ phù hợp, các nguyên liệu khác chỉ bằng ¼ gạo.

Nguyên liệu quyết định đến chất lượng của sản phẩm thì tay nghề của người thổi sẽ quyết định đến hình thức của kẹo ống. Người khéo tay sẽ điều chỉnh sao cho gạo từ phễu rơi xuống bộ nghiền thật đều. Khi bột gạo nóng hổi đi ra nụ bét để tạo thành hình ống thì phải dùng búa gõ điều chỉnh đầu nụ để kẹo có hình ống đều đẹp. Người cắt ống kẹo cũng phải khéo léo kéo ống kẹo ra mà không bị bỏng tay và dùng kéo sắc cắt chính xác, đứt gọn từng ống kẹo đều nhau, không bị đứt gãy. Mỗi khi tắt máy, anh Cường tháo máy ra để nguội rồi ngâm vào nước vo gạo để làm sạch các bộ phận. Đặc biệt, khi đã khởi động máy để thổi kẹo thì phải làm liên tục. Nếu tắt máy thì phải vệ sinh máy ngay, vì bột gạo nguội sẽ đóng cục trong các chi tiết máy.

Anh Cường nói, nghề xay kẹo ống thường bắt đầu khi trời lập đông (bắt đầu mùa đông) và chỉ kéo dài 1-2 tháng. Vì không phải là nghề chính nên anh Cường thường tranh thủ những lúc cuối chiều để thổi kẹo ống cho người dân. Người dân trong và ngoài xã dần biết đến anh mỗi khi có nhu cầu thổi kẹo ống. Những người con xa quê lâu ngày trở về quê hương cũng tìm tới anh để thổi kẹo ống rồi gửi đi làm quà cho bạn bè, người thân phương xa. Trung bình một ngày, anh thổi kẹo ống cho khoảng 10-20 người, ngày cao điểm 50 người. Mỗi người anh chỉ lấy 10-15 ngàn tiền dầu (máy nổ của nhà anh dùng dầu Diezen). “Có thể gọi là nghề vì nó gắn chặt với gia đình tôi ngót nghét cả thập niên rồi. Nhưng cũng không phải là nghề vì mình làm cho vui, để phục vụ bà con làng xóm thôi chứ thu nhập không đáng là bao”, anh Cường bộc bạch.

Hiện nay, đâu đó nơi các làng quê yên ả của huyện Gio Linh vẫn còn nhiều gia đình làm nghề thổi kẹo ống. Với họ, đây không phải nghề để kiếm thu nhập nuôi gia đình mà là để lưu giữ những giá trị văn hóa làng xã chân chất, thuần hậu, nơi gợi về kí ức tuổi thơ đẹp đẽ trong ngần.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144439