Giọng chèo trong ngõ nhỏ

Cái nắng bỏng rát mùa hè không thể ngăn cản được gần 10 thành viên tuổi từ 20 đến 60 rời nơi làm việc, đến tập hợp tại một căn nhà trong con ngõ nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội) cùng học hát xẩm. Lớp học hôm nay chộn rộn hẳn so với ngày thường bởi có nghệ nhân Bá Linh từ TP Hải Phòng lên hướng dẫn từng làn điệu của tác phẩm 'Giăng sáng vườn chè'.

Cái nắng bỏng rát mùa hè không thể ngăn cản được gần 10 thành viên tuổi từ 20 đến 60 rời nơi làm việc, đến tập hợp tại một căn nhà trong con ngõ nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội) cùng học hát xẩm. Lớp học hôm nay chộn rộn hẳn so với ngày thường bởi có nghệ nhân Bá Linh từ TP Hải Phòng lên hướng dẫn từng làn điệu của tác phẩm “Giăng sáng vườn chè”.

Từ chèo đến xẩm…

Nghệ nhân Bá Linh không những có giọng hát khỏe mà còn rất vui tính khiến lớp học luôn đầy ắp tiếng cười. Bá Linh cho biết, anh nhận được lời mời dạy hát của Dự án Chèo 48h từ lâu nhưng giờ mới bố trí thời gian lên Hà Nội được. Lớp học khá ổn về tổ chức, ý thức và con người; cũng là lớp đầu tiên mở ra dành cho những người ở các lứa tuổi yêu thích nhưng chưa có cơ hội tiếp cận bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Bước chân vào nơi đây, tất cả dường như quên hết áp lực công việc thường ngày cùng tiết trời khắc nghiệt, say sưa thả hồn vào từng lời ca, điệu nhạc…

Sao Dự án Chèo 48h mà lại học hát xẩm? Từ năm 2014, một nhóm bạn trẻ thuộc thế hệ 9X đã gây ấn tượng khi ra mắt Dự án Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương mang đậm bản sắc dân tộc. Việc ra đời dự án này xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu nghệ thuật truyền thống của các bạn trẻ, khi những thành viên đầu tiên của dự án đều đang đi tìm cho mình một sân chơi văn hóa nghệ thuật cổ truyền mà không thấy, cho nên nảy sinh ý định sẽ tự đứng ra tổ chức. Lúc đó, Đinh Thảo, sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia, sinh năm 1992, thấy rằng ở trường mình chỉ học lý thuyết, còn muốn thực hành thì phải tự đi tìm môi trường thích hợp để trải nghiệm. Thảo cùng hai người bạn ở Hà Nội và hai người bạn ở miền nam trở thành những hạt nhân đầu tiên; tuy trước đấy không quen nhau nhưng đều có chung mong muốn biết được mầu sắc của Việt Nam thế nào trong bức tranh nghệ thuật đa sắc mầu của thế giới. Năm bạn trẻ gặp nhau trong cuộc thi ý tưởng Tôi 20 (Tôi 20 - Twenties, một tổ chức phi lợi nhuận) rồi cùng thành lập nhóm, đưa ra kế hoạch triển khai thành dự án đào tạo nghệ thuật truyền thống cho cộng đồng. Họ coi con số 48 như một kỷ niệm, bởi lúc đầu chỉ định mở những lớp học trong 48 giờ nhưng các chuyên gia đều khuyên, hai ngày là thời gian chưa đủ để hiểu về một môn nghệ thuật. Ban đầu, dự án chọn chèo là điểm nhìn đầu tiên vì bộ môn này đậm bản sắc dân tộc, lại kết hợp cả múa, hát và có nhiều tích truyện hay. Năm đầu tiên, Dự án Chèo 48h chỉ mở lớp học hát chèo cho các học sinh, sinh viên. Đến năm thứ hai thì có thêm lớp xẩm, chầu văn. Tên dự án là Chèo 48h, song câu khẩu hiệu Tôi chèo về quê hương là có ý muốn nhắc nhở mọi người nhớ đến những nét đẹp trong quá khứ, tinh hoa của ông cha, để giữ gìn và phát huy.

Tại cuộc thi ý tưởng Tôi 20 năm đó, Dự án Chèo 48h giành giải nhất và được các đơn vị hỗ trợ trong năm 2014. Từ năm 2015 đến nay, dự án hoạt động độc lập, tuy nhiên vẫn nhận được sự hỗ trợ, bảo trợ về chuyên môn và pháp lý từ một số đơn vị, như: Trung tâm Bảo tồn phát huy âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Quỹ Văn hóa Hà Nội, Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững. Để có tài chính hoạt động, dự án xin hỗ trợ từ các quỹ, tham gia các cuộc thi để tìm kiếm giải thưởng. Nhóm từng đoạt một số giải thưởng giá trị, như: giải ba cuộc thi Thử thách sáng tạo FBAIC và lọt tốp 10 mô hình khởi nghiệp xuất sắc cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai (do Đại học Ngoại thương tổ chức, năm 2015); giải ba (tập thể) và giải nhất (cá nhân) cuộc thi Chiếu Chèo làng tôi (do Đài Truyền hình Hưng Yên tổ chức, năm 2016); giải nhì cuộc thi Thanh niên kiến tạo (do Trung tâm nghiên cứu và phát triển bền vững CSDS tổ chức, năm 2018)...

Lan tỏa tình yêu cho người trẻ

Nhiệm vụ chính của Chèo 48h là tổ chức những khóa học trải nghiệm cho học sinh, sinh viên trong 15 buổi để giúp những người trẻ tiếp cận và hiểu những kiến thức cơ bản về các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, xẩm, chầu văn. “Nếu mọi người đến sân khấu thưởng thức những tác phẩm kinh điển thì chưa chắc đã hiểu ngay, nhưng qua những khóa học thế này, các bạn được học, được hát, được biểu diễn trên sân khấu như một nghệ sĩ thì sẽ phát hiện ra nhiều cái hay mà nếu chỉ làm khán giả thôi sẽ không biết được” - Đinh Thảo tâm sự.

Với quan điểm muốn yêu phải học, dự án đã xây dựng được một cộng đồng những người trẻ yêu nghệ thuật truyền thống. Họ không chỉ biết thưởng thức mà còn có thể diễn tốt những trích đoạn kinh điển của các bộ môn. Dự án chỉ dạy trong 15 buổi chính thức nhưng vì yêu thích cho nên khi học xong, các bạn tự tìm nhau để cùng tập luyện. Ai có khả năng và nguyện vọng thì tham gia vào CLB biểu diễn; vì ngoài dạy học, dự án còn có nhiều hoạt động biểu diễn, tổ chức sự kiện, truyền thông. Từ năm 2014 đến nay, Chèo 48h đã tổ chức 10 khóa học ngắn hạn với các bộ môn chèo, xẩm, chầu văn cho học sinh, sinh viên; hai khóa học chèo cho trẻ em mầm non tại trường mầm non Việt Nhật và GreenWorld International Kindergarten; giới thiệu và hướng dẫn trải nghiệm nghệ thuật truyền thống cho thanh thiếu nhi tại trại hè Eco Camp của CLB Đọc sách cùng con, cùng hàng loạt sự kiện biểu diễn, điền dã, tọa đàm nghệ thuật, như: Không gian nguồn cội, Về nguồn, Ngày hội di sản văn hóa phi vật thể và những đại sứ trẻ, Gala show Tôi chèo về quê hương... Mỗi khóa học, chương trình được tổ chức thường niên đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng trăm người. Cùng với đó, Chèo 48h xây dựng, duy trì mạng lưới hơn 3.000 người theo dõi, tương tác và số lượng này vẫn tiếp tục gia tăng. Năm 2016, dự án hợp tác với Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức các lớp học và hoạt động trải nghiệm nghệ thuật truyền thống tạo được những hiệu ứng tích cực, nhận được sự hưởng ứng của các thầy, cô giáo, nhất là các bạn sinh viên. Tham gia giảng dạy cho các học viên Chèo 48h, NSƯT Thúy Ngần - giảng viên khoa Kịch hát dân tộc, Trường đại học Sân khấu Điện ảnh bày tỏ niềm vui khi thấy các bạn trẻ say mê nghệ thuật truyền thống: “Tôi hy vọng, ngày càng có nhiều lớp học như thế này, để nhiều người cùng được tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống; giúp phát hiện những người có năng khiếu, khả năng và đam mê nhằm duy trì, phát triển các giá trị văn hóa dân tộc”.

Trong số năm thành viên sáng lập dự án, hiện chỉ còn Đinh Thảo “trụ” lại, vì bốn bạn khác bận việc chỉ còn cộng tác từ xa, tham gia khi có việc cần. Dự án vẫn tuyển thêm người hằng năm và hiện có khoảng 10 người trong Ban tổ chức, nhỏ tuổi nhất là học sinh lớp 10, lớn nhất là Đinh Thảo. Là giáo viên dạy pi-a-nô, Thảo cũng như các thành viên khác đều coi đây là công việc tay trái; thậm chí nhiều người trong số họ làm những việc không liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Cũng vì mỗi người một chuyên môn cho nên họ phải nỗ lực để nâng cao hiểu biết về nghệ thuật truyền thống; trong khi cuộc sống luôn có nhiều áp lực, khó ai khẳng định mình sẽ theo dự án đến cùng. Một khó khăn không nhỏ nữa đối với những người chịu trách nhiệm của dự án là những lần xin tài trợ từ các quỹ chỉ mang tính mùa vụ cho nên chưa bảo đảm và chủ động được nguồn tài chính để hoạt động, hễ dự án muốn làm gì là lại phải đi… xin.

Không dễ để tổ chức một lớp học chèo, xẩm hay chầu văn; nhưng khi đã tổ chức được thì vấn đề quan trọng là duy trì sự hứng khởi của các học viên. Vì thế, Dự án Chèo 48h phải xây dựng những đội, nhóm, thiết kế những buổi ngoại khóa như đi điền dã tại các làng chèo ở Thái Bình, Hưng Yên, các làng nghề, di tích văn hóa. Nhờ nghệ thuật, các học viên có thêm cơ hội giao lưu, thậm chí có những đôi đã nên duyên vợ chồng. Theo Đinh Thảo, thành công nhất của dự án là cộng đồng người yêu thích văn hóa dân gian ngày càng được mở rộng hơn. Điều này thật đúng với mong ước của NSƯT Tuấn Kha, Nhà hát Chèo Việt Nam, giảng viên lớp học: “Thế hệ trẻ ngày càng thông minh, năng động và sáng tạo. Dù nhiều bạn chưa được tiếp xúc với những loại hình nghệ thuật cổ truyền hay không có hướng đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp thì tôi vẫn luôn có niềm tin các bạn sẽ tạo nên những bất ngờ. Qua các khóa học này, hy vọng nhiều bạn trẻ sẽ được tiếp thêm tình yêu với các giá trị nghệ thuật đặc sắc của cha ông; từ đó có những hành động thiết thực và cụ thể để gìn giữ và phát triển những vốn quý này”.

Bài và ảnh: THU HUYỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/41237902-giong-cheo-trong-ngo-nho.html