Giống lúa chịu nhiệt kỳ vọng cứu cánh ngành nông nghệp Nhật Bản

Nhật Bản đặt hy vọng vào các giống lúa chịu nhiệt để vượt qua khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra.

Mẫu lúa chịu nhiệt mới đang được phát triển tại Kumagaya,. Ảnh: REUTERS

Mẫu lúa chịu nhiệt mới đang được phát triển tại Kumagaya,. Ảnh: REUTERS

Thời tiết cực đoan năm ngoái đã gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp, đẩy Nhật Bản vào tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng. Để đối phó với tình hình này, các nhà khoa học đang gấp rút nghiên cứu và phát triển các giống lúa chịu được nhiệt độ cao, nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Theo số liệu chính thức, hạn hán đã khiến sản lượng lúa Nhật Bản giảm mạnh vào năm ngoái, gây ra tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng chưa từng có trong vòng 25 năm qua.

Sự kết hợp giữa sản lượng giảm sút và nhu cầu tiêu thụ tăng cao, đặc biệt từ khách du lịch, đã đẩy các siêu thị vào tình trạng khan hiếm gạo. Nhiều cửa hàng buộc phải giới hạn số lượng gạo bán ra cho mỗi khách hàng.

Saitama, một trong những tỉnh nóng nhất Nhật Bản, đang phải đối mặt với tình trạng tương tự do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chính quyền địa phương đang tập trung nghiên cứu và phát triển các giống lúa chịu được nhiệt độ cao, để đảm bảo sản lượng gạo cho người dân,

Ông Funakawa, một trong những người nông dân đầu tiên thử nghiệm giống lúa “Emihokoro” chịu hạn, chia sẻ: “Thời tiết ngày càng nóng bức, nếu không có các giống lúa thế này thì việc trồng trọt sẽ trở nên rất khó khăn”.

Do nhiệt độ cao, quá trình hình thành tinh bột trong hạt gạo bị gián đoạn, khiến gạo có màu sắc không đều và giảm chất lượng. Điều này ảnh hưởng đến giá trị của vụ mùa và gây thiệt hại lớn cho người nông dân.

Ông Naoto Ooka, chuyên gia lai tạo lúa, cho biết: “Hạt gạo càng có nhiều đốm trắng thì chất lượng càng giảm, khiến nông dân khó bán được với giá cao”.

Để tạo ra giống lúa mới, các nhà khoa học đã thu thập hạt giống từ nhiều nơi trên khắp Nhật Bản. Sau đó, họ mang những hạt giống này về Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Nông nghiệp để trồng và lai tạo.

Emihokoro là một trong những thành quả của quá trình nghiên cứu này, hiện đang được trồng thử nghiệm trên 31 cánh đồng ở nhiều địa phương.

Gạo không chỉ là lương thực chủ yếu mà còn là niềm tự hào của người Nhật. Trong khi nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc 60% vào nhập khẩu, gạo là một trong số ít các loại lương thực mà nước này có thể tự sản xuất.

Tuy nhiên, hạn hán năm ngoái đã gây ra cuộc khủng hoảng gạo tại Nhật Bản. Sản lượng giảm sút nghiêm trọng đã đẩy giá gạo lên cao kỷ lục, đồng thời làm cạn kiệt nguồn dự trữ, xuống còn mức thấp kỷ lục 1,56 triệu tấn vào tháng 6. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1999.

Theo dữ liệu lạm phát mới nhất, giá của tất cả các loại gạo ở Nhật Bản đã tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ, trừ Koshihikari - một loại gạo có thương hiệu cao cấp.

Tại một cửa hàng của chuỗi siêu thị Akidai ở phía Tây Tokyo, những kệ hàng đầy ắp gạo giờ đây trống trơn do “cháy hàng”. Ông Hiromichi Akiba, giám đốc của chuỗi siêu thị, cho biết các nhà cung cấp không thể giao đủ gạo cho họ, thậm chí nhiều lần còn không có gạo để giao.

Công ty nghiên cứu BMI cảnh báo, thời tiết nắng nóng có thể gây ra nhiều khó khăn cho vụ mùa sắp tới, khiến tình trạng thiếu gạo kéo dài đến năm sau, ngay cả khi có gạo mới vào tháng 9.

Chính phủ Nhật Bản lo ngại biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất gạo trong tương lai, nếu không có những biện pháp đối phó quyết liệt.

Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, năng suất lúa nước này dự kiến sẽ giảm khoảng 20% vào năm 2100 so với thế kỷ trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, việc chuyển đổi sang các giống lúa chịu nhiệt cao là giải pháp cấp thiết để đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai.

Khánh Huyền

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giong-lua-chiu-nhiet-ky-vong-cuu-canh-nganh-nong-nghep-nhat-ban.html