'Giống ngữ liệu nhưng khác lệnh đề '
Trước thông tin cho rằng đề thi Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 có câu Nghị luận văn học (5 điểm) giống với đề thi kiểm học kỳ lớp 9 huyện Yên Thành, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định đề giống ngữ liệu nhưng khác lệnh đề, và điều này không ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.
Giống ngữ liệu câu nghị luận văn học
Sau khi kết thúc Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019 –2020 Nghệ An, có thông tin trong dư luận rằng câu làm văn trong đề thi môn Ngữ văn của Sở GD&ĐT giống với đề khảo sát chất lượng học kỳ 2 lớp 9 vừa qua tại huyện Yên Thành.
Cụ thể, trong đề Ngữ văn tuyển sinh lớp 10 (thời gian làm bài 120 phút), câu nghị luận văn học (5 điểm) là: Cảm nhận về ước nguyện của nhà thơ Thanh Hải trong hai khổ thơ trích trong bài “Mùa xuân nho nhỏ”, sách Ngữ văn lớp 9: “Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến/ Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc/”.
Trong đề thi khảo sát chất lượng học kỳ 2 của huyện Yên Thành, phần 2 làm văn (7 điểm) ra đề “Ước nguyện chân thành của nhà thơ Thanh Hải” trong hai khổ thơ như trên. Tuy nhiên, thời gian làm bài của đề thi này chỉ 90 phút.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Trưởng ban chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020, ông cho biết:
Trong cấu trúc đề thi môn Ngữ văn, gồm phần đọc hiểu, nghị luận xã hội có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Nhưng phần nghị luận văn học (câu thứ 3) bắt buộc phải chọn 1 tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9. Cả 21 huyện, thành, thị ra các đề thi học kỳ, đề thi thử môn Ngữ văn thường cho học sinh cũng chọn các tác phẩm, bài thơ hay, đặc sắc để ra câu thứ 3 trong đề thi. Vì vậy, đề thi tuyển sinh 10 của Sở GD&ĐT ra trùng một tác phẩm của các huyện, thành, thị là bình thường.
Giáo viên có quyền ra đề thi về tác phẩm đặc sắc
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh cũng khẳng định: “Việc trùng 2 khổ thơ trong tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ giữa đề thi vào 10 của Sở GD&ĐT và đề thi học kỳ lớp 9 của huyện Yên Thành là trùng ngữ liệu nhưng khác lệnh đề”.
Đề của Yên Thành là đề mở, không yêu cầu kiểu bài. Học sinh thoải mái lựa chọn kiểu bài, có thể là kiểu bài phân tích, kiểu bài chứng minh, kiểu bài biểu cảm…
Còn đề của Sở GD&ĐT Nghệ An có yêu cầu cụ thể là Cảm nhận về ước nguyện cùa nhà thơ Thanh Hải trong 2 khổ thơ. Đề là Cảm nhận cho nên khi học sinh lạc sang kiểu bài khác đều không được chấp nhận.
Nguyên liệu như nhau nhưng phương pháp cách thức chế biến khác nhau thì sẽ cho ra sản phẩm khác nhau. Đề của Sở GD&ĐT Nghệ An không chỉ nhằm mục đích kiểm tra kiến thức của người học, mà quan trọng hơn là kiểm tra kỹ năng làm bài của học sinh. Trong khi đề của Yên Thành lại chú trọng vào nội dung kiến thức. Đó là điểm khác biết lớn nhất của 2 đề thi khi xét vào bản chất.
Nói về đề thi Ngữ văn tuyển sinh lớp 10, cô Nguyễn Thị Thanh - GV Trường THCS Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An cho rằng: "Đề Văn của Sở GD&ĐT ra vừa sức, không đánh đố, ra đúng trọng tâm chương trình học. Về tác phẩm mùa xuân nho nhỏ là một những tác phẩm chính trong sách giáo khoa lớp 9.
Bản thân tôi và các giáo viên khác khi ôn tập cho học sinh đều có tập trung dạy kỹ về bài thơ này. Nhất là khổ thơ trong đề rất đặc sắc, thể hiện linh hồn bài thơ và tư tưởng của tác giả. Đây cũng bày tỏ ước nguyện của tác giả. Đề ra cũng có thời sự, thổi vào thế hệ trẻ lý tưởng sống".
So sánh với đề thi của huyện Yên Thành thì thang điểm khác nhau, cách hỏi khác nhau, yêu cầu và phạm vi kiến thức khác nhau. "Tôi cho rằng việc ra trùng một tác phẩm trong SGK là bình thường, không có vấn đề gì cả. Và giáo viên họ có quyền ra đề kiểm tra, ra đề thi vào bất kỳ tác phẩm hay trong chương trình học trong đó có bài thơ Mùa xuân nho nhỏ", cô Thanh nói.
Chiều ngày 8/6, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT về vấn đề trên. Trong báo cáo khẳng định: Hai đề thi chỉ là sự trùng hợp về mặt ngữ liệu một cách ngẫu nhiên, không ảnh hưởng đến chất lượng phân loại thí sinh, và không làm ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi trên địa bàn tỉnh.
Câu trùng tác phẩm nhưng lệnh đề khác nhau, mục đích khai thác tác phẩm khác nhau, mục đích đánh giá khác nhau cho nên dư luận cho rằng đề thi tuyển sinh 10 của Sở GD&ĐT và thi khảo sát học kỳ của huyện Yên Thành giống hệt nhau ở câu 3 là không có cơ sở.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An cũng cho biết, quy trình ra đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được thực hiện chặt chẽ theo các bước sau:
Bước 1: Dựa vào hướng dẫn về cấu trúc đề thi tuyển sinh quy định tại Công văn số 665/SGD&ĐT để cả nhóm ra đề thống nhất xây dựng ma trận đề.
Bước 2: Chia ma trận đề làm 3 phần tương đương nhau về điểm, tổ chức bốc thăm phần đề để ra. Mỗi người ra 2 phần đề trong phần đề mình bốc thăm được.
Bước 3: Sau khi làm xong phần đề được giao, bốc thăm rồi ghép lại được đề 1 và đề 2, tổ chức phản biện theo nguyên tắc vòng tròn, chỉnh sữa lại hoàn chỉnh.
Bước 4: Bốc thăm 1 trong 2 phần của mỗi người rồi ghép lại được đề chính thức, phần còn lại ghép làm đề dự bị.
Bước 5: Hoàn thiện các đề thi chính thức, đề dự bị theo mẫu, tiến hành giải các đề lại để kiểm tra sự phù hợp về thời gian thi, nếu không thấy phù hợp thì điều chỉnh.
Quy trình này đảm bảo 1 người không ra toàn bộ đề thi mà chỉ ra một bộ phận của đề. Đề thi được làm mới, không phải lựa chọn từ đề nguồn.
Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giong-ngu-lieu-nhung-khac-lenh-de-4009569-v.html