Giọt nước mùa xuân kể chuyện đời mình bằng ảnh

Ngang qua những vườn cà phê Gia Lai-Tây Nguyên mùa hoa ngào ngạt hương thơm, xen lẫn trong thì thầm chồi non lộc biếc cựa mình, sinh sôi, trong tiếng chim líu lo vui hót là tiếng máy nổ bơm tưới cà phê âm vang. Vùng trũng thấp ven các con sông, suối, nơi người dân thường đào ao hồ, đắp đập lấy nước tưới cà phê luôn có sự xuất hiện của những giọt nước, bến nước. Trong mai sớm mùa xuân, chúng lặng lẽ kể câu chuyện đời mình với những thăng trầm biến đổi.

Hồ Diên Hồng. Ảnh: Thất Sơn

Nước là nguồn nuôi sống con người và tạo vật. Giọt nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng với người bản địa Tây Nguyên. Giọt nước, bến nước là nơi người Tây Nguyên đến lấy nước về sử dụng nấu nướng, ăn uống. Vì lẽ đó, cùng với lửa, người Tây Nguyên đã huyền thoại hóa 2 yếu tố lửa và nước thành các vị thần, vị vua, những nhân vật có vị trí vô cùng quan trong đời sống văn hóa tinh thần của họ, gọi là Pơ tao Puih ( tù trưởng, vua lửa), Pơ tao Ia ( tù trưởng, vua nước). Thú vị là cả 2 vị vua này đều có nguồn gốc từ Gia Lai: 1 ở vùng thung lũng Ayu Pa- vua Lửa và 1 ở huyện Chư Sê-vua Nước. Hình tượng vua Lửa, vua Nước đều được các nghệ nhân tái hiện sinh động tại Công viên Đồng Xanh- xã An Phú- TP.Pleiku.

Rước nước lễ cúng bến nước Ia Tul. Ảnh: Đức Phương

Trong ảnh là tái hiện hình ảnh lễ cúng giọt nước (hay bến nước) xã Ia Tul, huyện Ia Pa. Kể từ tháng cuối năm trước đến đầu tháng hai năm sau là "mùa ăn năm uống tháng" của người Tây Nguyên xưa. Nhiều sinh hoạt, lễ hội truyền thống diễn ra trong thời gian này, trong đó có Lễ cúng tạ ơn thần Nước. Lễ cúng bến nước của bà con Jrai Ia Tul diễn ra ở nhà rông của làng, sau đó rước về bến nước ven sông, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công ơn thần nước, cầu mong tiếp tục phù độ dân làng mạnh khỏe, tai qua nạn khỏi, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu không bị con heo, con chuột phá hại...

Đầu hồ Đức An. Ảnh: Thất Sơn

Ít ai biết, khu vực hồ Đức An (hay còn gọi hồ Diên Hồng) nằm trong lòng TP.Pleiku, ngày xưa là nơi định cư của một cộng đồng người JRai. Nơi đầu nguồn con suối, bây giờ đắp lại thành hồ nước rộng lớn xanh thẳm, có một giọt nước quanh năm tuôn chảy. Mỗi sáng, mỗi chiều, nơi đây tấp nập người đến lấy nước, tắm rửa, giặt giũ, chuyện trò hết sức vui vẻ, sinh động. Nghe nói làng JTai này sau dời về phía Hàm Rồng, cách 9 km, và đôi khi bà con vẫn về nơi cũ làm lễ cúng giọt nước lặng lẽ và đơn giản.

Giọt nước làng A, xã Gào- TP. Pleiku. Ảnh: Thất Sơn

Giọt nước thường ở nơi đầu nguồn nước, đầu các con sông, suối nhỏ, xa nơi đông dân cư; là nơi có cảnh quan tươi đẹp, không gian thoáng mát, sạch sẽ để không bị ảnh hưởng, ô nhiễm, xâm hại. Giọt nước làng A, xã Gào (TP. Pleiku) mùa này nước rất nhiều, rất tốt. Tất cả các ống dẫn nước đều tuôn chảy trong leo lẻo, mạch nước từ vách đất phun chảy thành dòng, người dân thỏa thích tắm táp, giặt giũ, gùi cõng về nấu ăn.

Quang cảnh giọt nước thôn 9, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa. Ảnh: Thất Sơn

Đường đi xuống giọt nước làng Ròng ( thôn 9) xã Ia Băng- Đăk Đoa khá khó khăn. Từ trên cao nhìn xuống, giọt nước làm bằng bê tông chỉ có vài đoạn ống âm vào lòng đất là có nước chảy róc rách. Mới đầu mùa khô mà nước đã khan hiếm. Địa hình nơi này dốc cao, muốn xuống đến chỗ lấy nước phải hạ thấp người, chậm rãi lần từng bậc tam cấp đường đất badan lầm bụi, rất dễ bị trượt ngả.

Giọt nước làng Piêng, xã A Dơk, huyện Đak Đoa. Ảnh: Thất Sơn

Trên khắp Tây Nguyên bây giờ vẫn còn nhiều bến nước, giọt nước rất đẹp.

Nhưng cũng có nhiều giọt nước dần trở nên sơ sài, không còn mấy tác dụng. Đó là quy luật phát triển của cuộc sống. Như giọt nước làng Piêng, xã A Dơk, huyện Đak Đoa khá nhộn nhịp một thời nay gần như không còn hoạt động. Nơi này vốn truyền tụng câu thành ngữ nổi tiếng :"Gái làng Piêng, chiêng làng Pyă" ý chỉ gái làng Piêng đẹp, còn trai làng Pyă chơi chiêng hay. Chắc chắn vẻ đẹp con gái làng Piêng không thể tách rời dòng nước mát của làng nuôi dưỡng, tắm táp. Ấy vậy mà giọt nước của làng bây giờ xuống cấp, khô cạn, dòng nước chắt ra từ hồ chứa bên trên tưởng chỉ đủ cho đám trẻ rửa chân tay, giặt giũ sơ sài. Hỏi, người dân nơi đây cho biết, vùng trũng nơi con suối len lỏi gần giọt nước, bây giờ bà con phát triển mạnh diện tích rau màu, cà phê. Quan sát thấy bên phải giọt nước là 2 cái ao lớn tích nước tưới cà phê. Nước ao, nước suối dành phát triển nông nghiệp nên bây giờ bà con chủ yếu dùng nước giếng khoan, giếng đào, thoải mái mà chất lượng cũng tốt hơn. Nên mừng hơn lo vì điều này.

Giọt nước làng 50 ( Pleiku Roh) - TP.Pleiku. Ảnh: Thất Sơn

Đối lập với hình ảnh giọt nước làng Piêng là giọt nước làng Pleiku Roh sau nhiều lần sửa sang, cải tạo bằng xi măng bền chắc, mùa này luôn vệ sinh, ắp đầy nước. Nước từ các vòi ngày đêm tuôn chảy nhưng chưa bao giờ cạn. Cùng với hệ thống giếng khoan, giếng đào, đây là giọt nước còn hoạt động, quen thuộc với bà con mỗi sớm mỗi chiều.

Thất Sơn

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202002/giot-nuoc-mua-xuan-ke-chuyen-doi-minh-bang-anh-5668495/