Giữ an toàn cho trẻ em khi tiếp xúc với vật nuôi

Hầu hết trẻ em đều rất thích chơi với thú cưng và thường xuyên ôm ấp, vuốt ve chúng. Vật nuôi trong nhà bình thường rất hiền lành nhưng không ai biết trước chúng có thể 'nổi điên' bất cứ lúc nào. Điều đáng nói, trẻ em lại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi vật nuôi tấn công.

Ở lứa tuổi nhỏ, cùng với việc chiều cao cơ thể chưa phát triển toàn diện, trẻ chưa có khả năng tự vệ và dễ có nguy cơ bị vật nuôi tấn công vào các vị trí nguy hiểm như mặt, mắt, mũi, miệng, tai, đầu, từ đó dễ nhiễm tạp khuẩn, virus bệnh dại có trong nước bọt hoặc móng vuốt của vật nuôi. Không ít vụ việc đáng tiếc đã xảy ra khi vật nuôi tấn công trẻ phải nhập viện cấp cứu vì vết thương quá nặng. Việc điều trị các vết thương do vật nuôi cắn rất phức tạp, để lại sẹo xấu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng, gây ra những di chứng tâm lý nặng nề khi trẻ lớn lên. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo với các bậc phụ huynh về việc giữ an toàn cho trẻ khi tiếp xúc với vật nuôi, đặc biệt trong dịp nghỉ hè khi các con được vui chơi thỏa thích trong nhà, ngoài trời, ít có sự giám sát chặt chẽ từ gia đình.

 Chó không rọ mõm tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, nhất là cho trẻ em.

Chó không rọ mõm tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, nhất là cho trẻ em.

“Nhà tôi nuôi hai con chó, trong dịp nghỉ hè này hoặc các ngày cuối tuần, cháu nhỏ thường xuyên về chơi với ông bà. Do vậy, cả nhà đều phải quan tâm sát sao, cho vật nuôi vào lồng để phòng tránh việc trẻ con đùa nghịch, bị chó cắn sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, các công tác như tiêm phòng bệnh, cho đi khám ở viện thú y khi vật nuôi có biểu hiện lạ và vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa cũng được gia đình thực hiện đầy đủ để tránh các bệnh truyền nhiễm từ vật sang người”, bác Nguyễn Thị Hợi ở phố Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội chia sẻ.

Tại khoản 2, Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y quy định phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều chủ sở hữu chó không thực hiện nghiêm túc. “Tình trạng chó thả rông, không rọ mõm, không dây quấn cổ vẫn xuất hiện nhiều trên các đường phố và ở những khu vực đông người có trẻ con qua lại. Tôi luôn dặn các con khi thấy chó thả rông phải tránh thật xa. Bên cạnh đó, việc chó thả rông còn gây ra rất nhiều rắc rối khác như dễ va chạm giao thông chỉ vì tránh chó”, anh Trần Quốc Bảo, sinh sống tại phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại nhằm đạt mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đề nghị tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn hoặc liếm vùng da tổn thương, niêm mạc hay giết mổ chó không có trang bị bảo hộ; tuyên truyền, vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vaccine kịp thời.

Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật. Đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Tăng cường phối hợp với lực lượng thú y địa phương để tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật nhằm chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người.

Bài và ảnh: HỒNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giu-an-toan-cho-tre-em-khi-tiep-xuc-voi-vat-nuoi-731714