Giữ an toàn hệ thống đê trong mùa mưa, lũ

PTĐT - Với 3 con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh là: Sông Hồng, sông Đà và sông Lô cùng hàng chục sông, suối nhỏ khác đã tạo cho Phú Thọ nguồn cung cấp nước, dồi dào phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, việc có nhiều sông, suối trên địa bàn ...

Đại diện các ngành chức năng kiểm tra, khơi thông cống 3 cửa ở xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa, lũ.

Đại diện các ngành chức năng kiểm tra, khơi thông cống 3 cửa ở xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa, lũ.

PTĐT - Với 3 con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh là: Sông Hồng, sông Đà và sông Lô cùng hàng chục sông, suối nhỏ khác đã tạo cho Phú Thọ nguồn cung cấp nước, dồi dào phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, việc có nhiều sông, suối trên địa bàn cũng tiềm ẩn rủi ro cao cho các công trình ngăn lũ, nhất là khi các công trình hồ thủy điện lớn như: Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà… thường xuyên điều tiết nước vào mùa lũ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của các tuyến đê và các công trình ngăn lũ khác… Vì vậy, giữ an toàn hệ thống đê trong mùa mưa, lũ là nhiệm vụ luôn được đặt ra.
Tỉnh ta hiện có gần 600km đê các loại, trong đó có 21 tuyến đê sông, đê ngòi từ cấp I đến cấp V; 23 tuyến đê bao ngăn lũ nội đồng; 11 tuyến đê bối và 456 cống các loại như cống dưới đê, cống tưới, cống tiêu, cống dưới đê bao, đê bối; phai ghi (ga Việt Trì), 5 cửa khẩu đê tả Thao; 92 tuyến kè và 11 kè mỏ hàn Lê Tính... cùng nhiều tuyến đê kết hợp giao thông. Mặc dù trong những năm qua, hệ thống đê trên địa bàn tỉnh đã được tu bổ, hoàn thiện về cao trình, mặt cắt, gia cố hoàn chỉnh và kéo dài các kè xung yếu, làm mới bổ sung, xây lại các cống dưới đê, song do diễn biến bất thường của thời tiết, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 đợt thiên tai, gây thiệt không nhỏ tài sản của nhân dân. Trong đó, mưa, lũ làm vỡ 50m đê, sạt lở gần 7.400m đê cấp IV, đê bao, đê bối, 200m kè; hư hỏng trên 33 nghìn kênh mương, 28 đập thủy lợi, 4 trạm bơm và 559 công trình thủy lợi. Để kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai, ổn định đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng kịp thời duy tu, sửa chữa 1.802m đê và hành lang đê; cải tạo 9 cống dưới đê; sửa chữa 405m kè; 7 hồ, đập bị hư hỏng thuộc các huyện: Tam Nông, Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Cẩm Khê. Đặc biệt, sau đợt lũ do hoàn lưu cơn bão số 3 vừa qua gây ra đã khắc phục được 294 vị trí sạt lở với khối lượng 343.459m3, 18 vị trí tràn và 1 điểm sạt lở đường dẫn đầu cầu Minh Đài (huyện Tân Sơn).Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ vở sông diễn ra khá phức tạp, trong đó có nhiều đoạn gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, kinh tế. Theo báo cáo hiện trạng công trình đê điều trước mùa mưa, lũ, tỉnh ta có 17 vị trí trọng điểm, vị trí xung yếu, trong đó Việt Trì; Lâm Thao; Cẩm Khê mỗi huyện 2 điểm; Hạ Hòa, Tam Nông mỗi huyện 5 điểm và Đoan Hùng 1 điểm. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh giao cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện xây dựng phương án bảo vệ cụ thể, thường xuyên kiểm tra các vị trí đang xảy ra sạt lở, các đoạn đê có dòng chảy áp sát bờ để kịp thời điều chỉnh, xử lý các sự cố công trình; sửa chữa các cống dưới đê bị hư hỏng. Trong đó, xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm, lên phương án xử lý chống tràn, xử lý sự cố thẩm lậu, sạt trượt mái đê, hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ lớn vượt tần suất thiết kế; huy động vật tư... Đến thời điểm này, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi Cục thủy lợi đã và đang thi công xong 400m kè Tề Lễ, 360m kè Sơn Nga, 139m kè Thanh Uyên, 100m kè Bằng Giã. Còn 780m kè Xuân Quang và Hương Nha, 360m kè Đỗ Xuyên đang khẩn trương gấp rút hoàn thành vào cuối tháng 8 này. Nhìn chung, các tuyến kè đã phát huy tác dụng tạo bãi bồi, bảo vệ ổn định bờ vở sông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đoạn sạt lở do dòng chảy các sông thường xuyên thay đổi, nguy cơ sạt lở bờ vở sông tiếp tục diễn biến phức tạp; do vậy, các địa phương cần kiểm tra thường xuyên để phát hiện kịp thời sự cố, báo cáo cấp trên để xử lý.

Hiện trạng một phần nhà chính và công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông Lê Văn Thành bị sạt lở hoàn toàn.

Hiện trạng một phần nhà chính và công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông Lê Văn Thành bị sạt lở hoàn toàn.

Tại khu 2, khu 3 xã Hương Nha, khu 8 Xuân Quang, huyện Tam Nông có nhiều vị trí sạt lở nguy hiểm do ảnh hưởng của dòng chảy, tình hình sạt lở diễn ra ngày càng nhanh. Đồng chí Cao Thành Đức- Chủ tịch UBND xã Hương Nha cho biết: Xã có 2,25km đê sông Hồng chạy qua, từ năm 2013 đến nay, do thay đổi dòng chảy, nước sông đã “ăn dần từ dưới ăn lên” ảnh hưởng đến toàn tuyến. Trước tình hình đó, tỉnh đã đầu tư gia cố 1km kè sông và đang gấp rút hoàn thành 1km khu 2, khu 3 xã Hương Nha và khu 8 xã Xuân Quang.Nằm trong hệ thống trọng điểm các công trình ngăn lũ, hồ đập cũng có vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa nguồn nước, đảm bảo an toàn đời sống và sản xuất của nhân dân. Hiện toàn tỉnh có gần 1.400 hồ đập thủy lợi, 283 trạm bơm tưới và tưới tiêu kết hợp. Mặc dù trong thời gian qua tỉnh ta đã quan tâm đầu tư xây dựng, tu bổ hệ thống các công trình thủy lợi, song các công trình chủ yếu được xây dựng từ rất lâu, nhiều công trình không đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ. Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau mùa mưa, lũ. Đối với các công trình bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành không được tích nước và có phương án ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Hàng năm Sở báo cáo với UBND tỉnh sử dụng nguồn vốn duy tu các công trình bị sự cố, xuống cấp. Tuy nhiên, để xử lý hết các công trình bị xuống cấp cần nguồn kinh phí lớn, vì vậy, Sở sẽ rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sửa chữa, nâng cấp những công trình hư hỏng, mức độ ảnh hưởng lớn.Căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều năm 2019 trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ huy PCLB tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác tu bổ, bảo dưỡng, sửa chữa công trình đê điều, thủy lợi; kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình, phát hiện các sự cố để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, sát với từng vùng để đạt hiệu quả cao nhất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về PCTT&TKCN… Căn cứ vào phương án hộ đê, các địa phương cần chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến, huy động vật tư trong nhân dân khi có sự cố xảy ra; tổ chức diễn tập phương án hộ đê, kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống xấu.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201908/giu-an-toan-he-thong-de-trong-mua-mua-lu-166436