Giữ bản sắc người Sán Dìu Ninh Lai

Ở Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, nhưng có lẽ dân tộc Sán Dìu có văn hóa khác hơn cả. Nếu dân tộc Tày, Dao, Mông… thì hầu như ở huyện nào cũng có, tuy nhiên dân tộc Sán Dìu chỉ phân bố chủ yếu ở các xã Ninh Lai, Sơn Nam, Thiện Kế của hạ huyện Sơn Dương.

Vai trò của nghệ nhân

Trong ngày nghỉ cuối tuần chúng tôi tranh thủ cùng ông Nguyễn Phi Khanh, Chi hội Trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang đi thực tế ở cơ sở. Đợt này đường bê tông về Ninh Lai (Sơn Dương) đẹp hơn hẳn nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới quyết liệt ở địa phương.

Phóng tầm mắt ra xa dãy núi Tam Đảo ngàn đời vẫn sững sững mây phủ. Tốc độ đô thị hóa ở Ninh Lai khá cao cho thấy cuộc sống khấm khá của người dân nơi đây. Kinh tế phát triển, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu đang đặt ra một trọng trách mới. Nếu vấn đề này không được làm một cách căn cơ nguy cơ văn hóa truyền thống bị phai nhạt là có thật.

Đứng trước thực trạng này, các nghệ nhân dân tộc Sán Dìu tâm huyết của xã Ninh Lai không thể ngồi yên. Đứng đầu ngọn cờ "phục hưng" văn hóa chính là nghệ nhân ưu tú Lục Văn Bảy, nghệ nhân ưu tú Đỗ Thị Man, nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư. Ở một xã mà có 3 nghệ nhận được Chủ tịch nước, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu, ghi nhận những thành tích cho cộng đồng mới thấy sự nhiệt huyết, trách nhiệm của con người nơi đây.

Phong trào hát Soọng cô ở Ninh Lai đang được khôi phục, bảo tồn và phát huy.

Phong trào hát Soọng cô ở Ninh Lai đang được khôi phục, bảo tồn và phát huy.

Tại nhà nghệ nhân ưu tú Lục Văn Bảy, thôn Ninh Phú không gian văn hóa người Sán Dìu vẫn được bảo tồn. Ông Bảy cho biết, giờ có nhiều nhà xây, nhưng ông vẫn quyết giữ ngôi nhà cột gỗ, lợp ngói với hàng chân cột trước hiên theo truyền thống của người Sán Dìu. Trong nhà hoành phi, câu đối, sập, tủ, bàn ghế theo đúng lối xưa. Tại chiếc sập trang trọng giữa gian chính của nhà, năm 2004 ông Bảy ra tay thành lập Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Ninh Lai với 35 thành viên. Vào những ngày cuối tuần mọi người từ các thôn đổ về nhà ông để học hát. Tới nay số hội viên đã lên tới con số 120 người, chủ yếu truyền dạy cho giới trẻ.

Không đơn độc trong công tác bảo tồn văn hóa, ông Bảy còn được sự ủng hộ của nghệ nhân ưu tú Đỗ Thị Man, thôn Cây Đa 1. Bà Man cũng là thành viên tích cực của Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Ninh Lai. Với giọng hát hay, truyền cảm, bà Man đã dạy nhiều làn điệu Soọng cô cho giới trẻ. Ngoài ra bà Man còn giỏi trong lĩnh vực thêu dệt, làm trang phục và chế biến nhiều loại bánh, món cháo ỉm truyền thống của dân tộc Sán Dìu.

Bà Man khẳng định, văn hóa của cha ông là hồn cốt của dân tộc, phải giữ gìn và phát huy. Tuần này bà đang hướng dẫn các cháu học sinh thực hành làm món xôi đen của người Sán Dìu. Trong các lễ cúng trang trọng, xôi đen là món không thể thiếu. Để làm được xôi đen người Sán Dìu phải lên núi tìm cây lao xao về giã lấy nước ngâm với gạo nếp. Khi đồ xôi, màu của gạo trắng sẽ chuyển sang màu đen nhánh. Xôi vừa dẻo, thơm của mùi nếp hương, mùi của lá lao xao.

Hình thành các lớp học tiếng Sán Dìu

Một thực tế là ngày nay nhiều thanh niên dân tộc Sán Dìu không biết hát Soọng cô. Nguyên nhân chủ yếu trên lớp học, ở nhà, đi làm đều nói tiếng phổ thông. Nếu lớp trẻ không thực hành tiếng Sán Dìu thường xuyên, nguy cơ mất dần tiếng mẹ đẻ càng lớn dần. Theo Nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư thôn Ninh Lai, ai muốn hát Soọng cô thì bắt buộc phải biết tiếng dân tộc Sán Dìu. Trước những thách thức như vậy, chị bàn rất kỹ với ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Soọng cô xã Ninh Lai quyết tâm rà soát, tuyển chọn các cháu trong độ tuổi mở lớp dạy tiếng Sán Dìu.

Với vai trò là một cô giáo, chị Lục Thị Tư có nhiều kỹ năng sư phạm. Chị đã biên soạn lại giáo trình học sao cho ngắn gọn, cụ thể, dễ học, dễ nhớ. Gần đây, kết quả 2 lớp học được mở ra với 47 học viên qua một thời gian kiên trì đào tạo đều nói thông thạo tiếng Sán Dìu. Xong giai đoạn học tiếng, các nghệ nhân của Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Ninh Lai mới tiếp tục truyền dạy những làn điệu cơ bản, rồi đi vào luyện nâng cao với nhiều bài khó.

Nghệ nhân ưu tú Đỗ Thị Man và nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư mở lớp dạy tiếng Sán Dìu cho các cháu trên địa bàn xã.

Nghệ nhân ưu tú Đỗ Thị Man và nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư mở lớp dạy tiếng Sán Dìu cho các cháu trên địa bàn xã.

Nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư cho biết, hát Soọng cô là hát đối đáp trữ tình, giàu tình cảm và đậm đà bản sắc dân tộc. Soọng cô về hình thức diễn xướng cũng tương tự như sli, lượn của người Tày, Nùng, quan họ, hát ghẹo, hát xoan của người Kinh. Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt được ghi chép bằng chữ Hán cổ hoặc truyền khẩu, tiếng hát thể hiện tâm tư tình cảm của những đôi trai gái đang trong giai đoạn tìm hiểu nhau, nhờ tiếng hát để trải tấm lòng mình, phương tiện để bộc lộ những tâm ý mà không dám ngỏ lời trực tiếp một cách tinh tế.

Không chỉ có vậy, Soọng cô còn là những lời hát ru đưa con trẻ chìm trong giấc ngủ, lời hát để hỏi thăm về gia đình, bạn bè của những người lâu ngày mới có dịp gặp mặt. Những câu hát Soọng cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh cũng như môi trường diễn xướng, người ta có thể hát một đêm, nhiều đêm, hát trong nhà, bên bờ suối, khi đi làm nương, hay trong lúc đi chơi làng, trong khi ru con và trong các lễ hội của người Sán Dìu.

Hát Soọng cô đem lại tình yêu, niềm hạnh phúc và mọi nếp sống sinh hoạt đời thường khi đồng bào lên nương, xuống ruộng. Những câu từ, giai điệu tiếng hát được ký thác vào đó với nhiều hình tượng giàu hình ảnh, chất biểu cảm sâu sắc, với lời ví von giản dị, dễ hiểu nhưng giàu sự biểu cảm và dễ rung động lòng người.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Khánh Linh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ninh Lai nhấn mạnh, xã có đông đồng bào Sán Dìu sinh sống. Cấp ủy, chính quyền xã rất coi trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu. Chúng tôi khẳng định, trung tâm của bảo tồn vẫn là bảo tồn các nghệ nhân.

Hiện nay trên địa bàn xã có 3 nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian hoạt động tâm huyết, tích cực, hiệu quả. Có nhiều lớp học, câu lạc bộ ra đời, trong đó tiêu biểu là Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Ninh Lai. Câu lạc bộ không những làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ ở cơ sở, mà còn mang bản sắc người Sán Dìu Tuyên Quang đi giao lưu cả nước, nhất là các tỉnh có đồng bào người Sán Dìu như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh. Chúng tôi người Sán Dìu xã Ninh Lai đang tự hào vì điều đó…

Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/giu-ban-sac-nguoi-san-diu-ninh-lai-181550.html