Giữ bản sắc văn hóa hội xuân

Mùa xuân cũng là mùa lễ hội. Được chính quyền, ngành chức năng quan tâm khôi phục, bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc, tiêu biểu nên các lễ hội tại Bắc Giang đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Nhiều giải pháp đang được tập trung triển khai để các lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, lan tỏa những nét đẹp trong đời sống nhân dân.

Nét đẹp ngày xuân

Dịp đầu xuân, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 780 lễ hội truyền thống được tổ chức ở khắp các huyện, TP gắn với các di tích lịch sử - văn hóa như đình, đền, chùa. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, hướng về cội nguồn, lễ hội giúp mọi người gắn bó với nhau hơn thông qua các hoạt động cộng đồng.

 Các đoàn rước tại Lễ hội kỷ niệm 597 năm Chiến thắng Xương Giang (mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Ảnh: VIỆT HƯNG.

Các đoàn rước tại Lễ hội kỷ niệm 597 năm Chiến thắng Xương Giang (mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Ảnh: VIỆT HƯNG.

Lễ hội Xương Giang được UBND TP Bắc Giang tổ chức vào mùng 5, 6 và 7 tháng Giêng hằng năm để kỷ niệm chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 của quân dân Đại Việt đập tan gần 10 vạn quân Minh xâm lược. Dịp này, đông đảo người dân TP và du khách thập phương phấn khởi khi được hòa mình vào không gian lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Lễ rước, lễ tế, dâng hương, phóng ngư, phóng điểu cầu một năm mới bình an, mưa thuận gió hòa. Đồng thời thưởng thức các hoạt động trình diễn di sản văn hóa phi vật thể như hát chèo, ca trù, quan họ, thư pháp; tham quan các di vật khảo cổ về lịch sử Chiến thắng Xương Giang, không gian văn hóa chợ quê và liên hoan hương sắc ẩm thực TP...

Dịp đầu xuân, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 780 lễ hội truyền thống được tổ chức. UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các huyện, TP đã chỉ đạo việc tổ chức lễ hội xuân bảo đảm an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương.

Tại lễ hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian như chọi chim, đi cầu kiều, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao hấp dẫn, sôi động thu hút đông người dân và du khách. Với ý nghĩa lịch sử to lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã quyết định đưa Lễ hội Xương Giang vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là niềm tự hào của người dân TP.

Việc khôi phục, duy trì hoạt động văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian tạo nên bản sắc độc đáo cho các lễ hội. Nét đặc sắc của Lễ hội Yên Thế là màn tái hiện Lễ tế cờ của thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, bảo tồn bản sắc văn hóa, dân ca các dân tộc thiểu số trên địa bàn, khôi phục các nghi lễ cổ như phóng ngư, thả điểu thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân. Lễ hội chùa Bổ Đà (thị xã Việt Yên) kết hợp với tổ chức liên hoan hát quan họ; lễ hội Đình Vồng (Tân Yên) có lễ tế ngựa - một nghi lễ biểu dương tinh thần thượng võ của nghĩa quân Yên Thế năm xưa. Hằng năm, Tân Yên là địa phương có nhiều lễ hội được tổ chức nhất trong toàn tỉnh.

 Múa rối nước - một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc tại Lễ hội Yên Thế.

Múa rối nước - một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc tại Lễ hội Yên Thế.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Quốc Hưng cho biết, huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn bảo tồn, khôi phục các nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống trong lễ hội; tập trung khai thác, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, làm phong phú thêm đời sống tinh thần nhân dân. Ví dụ, từ năm 2019 đến nay, xã Việt Lập tổ chức lễ hội Bảo Lộc Sơn với quy mô cấp vùng có nhiều hoạt động đặc sắc. Sau lễ khai hội, người dân, du khách thập phương được thưởng ngoạn và tham gia các trò chơi dân gian, truyền thống như: Cầu móc, đập niêu, bóng đá, kéo co, cờ tướng, võ cổ truyền. Đặc biệt, trò chơi cầu móc với ý nghĩa cầu may mắn, mưa thuận gió hòa, thu hút đông đảo nam, nữ thanh niên trong vùng cùng tham gia.

Chọn lọc, phát huy bản sắc văn hóa

Đánh giá của Sở VHTTDL, những năm gần đây, cơ bản lễ hội mùa xuân được các địa phương tổ chức trang trọng, ý nghĩa. Dù vậy, bên cạnh những giá trị tốt đẹp của lễ hội mùa xuân, thời gian qua vẫn còn xuất hiện không ít hình ảnh phản cảm của du khách khi tham gia lễ hội. Hiện tượng hành nghề mê tín dị đoan, nâng giá dịch vụ, bày bán ấn phẩm chưa được phép lưu hành hoặc đồ chơi có tính chất kích động bạo lực vẫn diễn ra. Công tác vệ sinh môi trường ở một số lễ hội chưa được chú trọng; ở nhiều hội làng, đồ ăn nhanh không rõ nguồn gốc, hàng quà vặt không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn bày bán tràn lan. Hoạt động ở nhiều lễ hội còn nghèo nàn hoặc giống nhau, chưa khai thác, phát huy được những nét đặc sắc riêng có.

 Tục tế ông Lang ở hội làng Tân Phượng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang).

Tục tế ông Lang ở hội làng Tân Phượng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang).

Năm 2024, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách du lịch, tăng khoảng 500 nghìn lượt so với năm trước. Tổ chức tốt lễ hội xuân sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, thu hút du khách, tăng nguồn lực đầu tư phát triển KT - XH của tỉnh. Mùa lễ hội năm nay đã bắt đầu gắn với việc tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh, trong đó trọng tâm là các lễ hội lớn như: Lễ hội Xương Giang, lễ hội Tây Yên Tử, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, lễ hội đền Thần Nông, lễ hội Mở cửa rừng tại đền Chúa Then và chuẩn bị lễ hội kỷ niệm 140 năm khởi nghĩa Yên Thế.

Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường giải pháp để mùa lễ hội năm nay diễn ra vui tươi, an toàn, lành mạnh và giàu bản sắc văn hóa. Chính quyền, ban quản lý các khu du lịch, khu di tích rà soát, kết hợp việc tổ chức lễ hội với đón nhận bằng xếp hạng di tích, lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích để tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá giá trị di sản văn hóa, giữ gìn nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của mỗi lễ hội và loại bỏ những nghi thức, tập tục lạc hậu.

Quy hoạch và bố trí hợp lý các công trình phụ trợ như sân bãi đỗ, gửi xe, gian hàng văn hóa phẩm, đồ lưu niệm, dịch vụ. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội; hạn chế tối đa việc dùng ngân sách để tổ chức lễ hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những biểu hiện tiêu cực, biến tướng trong lễ hội.

Được biết, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm tỉnh đã xây dựng kế hoạch quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng ngừa mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm tập trung cao điểm vào 3 tháng đầu năm do có nhiều lễ hội xuân.

Vi Lệ Thanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/giu-ban-sac-van-hoa-hoi-xuan.bbg