Giữ bầu không khí trong lành nơi nội đô
Chương trình 'Trái đất xanh' với những tin tức nóng hổi về môi trường đang dần trở thành khung giờ được quan tâm của khán giả truyền hình khi hiện nay vấn đề môi trường được các quốc gia rất chú trọng trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).
Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí, chủ yếu do khói, bụi, hơi hoặc các khí lạ được đưa vào không khí, có sự tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu, gây bệnh cho con người và cũng có thể gây hại cho sinh vật khác như động vật và cây lương thực, và có thể làm hỏng môi trường. Hiện nay tình trạng ô nhiễm không khí ở nhiều nơi trên thế giới đang ở mức báo động, trong đó có Việt Nam.
Theo thống kê báo cáo về tình trạng ô nhiễm tại thành phố Hà Nội đầu năm 2018 cho biết, trung bình nồng độ bụi PM2.5 trong năm là 42,6mg/ m3, nếu so với quy chuẩn quốc gia là 25mg/ m3 thì nồng độ này cao gấp 2,7 lần.
Theo thang đo đánh giá chất lượng không khí thì chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội là 103, tức là người dân Hà Nội đang phải hít thở không khí có chất lượng thấp, chỉ số này không tốt cho người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, và người mắc các bệnh về hô hấp…
Đầu năm 2019, tổ chức giám sát chất lượng không khí AirVisual đã xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí đứng thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay các số liệu đánh giá này chưa được các cơ quan quản lý công nhận bởi vị trí đặt trạm quan trắc chưa khách quan, số liệu thu thập chưa được kiểm chứng và cách tính chỉ số AQI không theo tiêu chuẩn của Việt Nam.
Trong khi đó, người dân ở các thành phố lớn như Hà Nôi, thành phố Hồ Chí Minh chỉ biết tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng chiếc khẩu trang khi ra khỏi nhà. Hiện nay vẫn chưa có số liệu người dân mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, nhưng theo tổ chức y tế thế giới, hàng năm Việt Nam mất gần 800 triệu USD do ô nhiễm không khí. Sự ngột ngạt khó thở của không khí ở các thành phố lớn chủ yếu bắt nguồn từ các loại khói bụi, chất thải độc hại phát thải từ phương tiện giao thông, công trình xây dựng, hoạt động của các nhà máy sản xuất.
Trong đó nồng độ bụi PM2.5 được lấy làm tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng không khí, đây là những hạt bụi rất nhỏ, lơ lửng trong không khí, kích thước của nó nhỏ hơn 30 lần kích thước sợi tóc, mắt người không thể nhìn thấy. Bụi PM2.5 là loại nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người và có thể gây ung thư phổi.
Tổ chức y tế thế giới WHO xác định bụi PM2.5 là chỉ số rủi ro môi trường có hại cho sức khỏe. Các bụi này đi vào trong cơ thể người đi qua cả hệ thống dịch nhầy rồi từ đó qua hệ thống huyết quản rồi đi qua các mô các nơi, sự lắng đọng các bụi này sẽ là tiền đề cho các bệnh về hô hấp.
Chiếm 50-70% lượng bụi PM2.5 của các thành phố lớn là đến từ các phương tiện giao thông: ô tô, xe máy… nhất là các phương tiện sử dụng lâu năm độc hại hơn các phương tiện mới. Các công trường, khu đô thị mới đang xây dựng, sửa chữa đường giao thông cũng là nơi phát thải 1 lượng lớn bụi PM2.5 vào không khí. Ngoài ra thì trung tâm các thành phố lớn còn chịu ảnh hưởng bởi nguồn gió từ bên ngoài vào (từ các khu công nghiệp cách xa đó cả trăm km) với nồng độ SO2 và NO2 vượt quá quy chuẩn cho phép nên khiến cho không khí càng trở nên tồi tệ.
Tình trạng ô nhiễm không khí đang kéo theo việc gia tăng ô nhiễm không khí trong nhà. Đây là một khái niệm tương đối mới mẻ với nhiều người dân Việt Nam. Thực tế trong cuộc sống, thì thời gian con người ở nhà nhiều hơn ở ngoài đường, trung bình một người dành đến 80% thời gian hoạt động trong nhà (bao gồm không gian nhà ở, trường học, công sở…).
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng ô nhiễm trong nhà còn có thể nghiêm trọng hơn ô nhiễm ngoài trời, vì vậy nếu không khí trong nhà bị ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của từng người. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay hệ thống pháp luật còn thiếu các quy luật đặc thù dành cho không khí, các quy chuẩn chưa được cập nhật và sát với thực tiễn sản xuất kinh doanh và sức khỏe của người dân. Vì vậy cần phải xây dựng một chính sách riêng về không khí.
Năm 2019, Chính phủ và Quốc hội giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành sửa đổi bổ sung một số điều của luật bảo vệ môi trường. Trong khi chờ những quyết sách mới về kiểm soát ô nhiễm không khí, mỗi người dân ở các đô thị lớn đang tự tìm nhiều cách bảo vệ sức khỏe của chính mình. Lẽ ra khi mức sống của xã hội càng cao thì chất lượng không khí cũng phải được nâng lên bởi không khí trong lành là tiêu chí cơ bản nhất thể hiện chất lượng cuộc sống tốt đẹp ngày nay. Không khí là của chung, của tất cả mọi người. Hãy chung tay gìn giữ bầu không khí sống của chúng ta.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/giu-bau-khong-khi-trong-lanh-noi-noi-do/827230.antd