Giữ bình an bệnh viện

Đã nhiều lần đưa người nhà đi cấp cứu và nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện (BV), tôi từng chứng kiến cảnh anh em giang hồ đưa người thân đi cấp cứu. Họ chạy xe rầm rập, từ trên xe nhảy xuống ào ào, những cánh tay xăm trổ vằn vện, mặt mày ai cũng bậm trợn, nói lớn tiếng, thúc giục cứu người thân của họ.

Chỉ nhìn thôi, người ngoài đã thấy sợ. Nên khi xảy ra chuyện giang hồ rượt chém nhau tại BV hay vào tận BV để truy sát đối thủ, nhiều người chỉ biết lắc đầu, bày tỏ sự lo ngại cho an ninh, an toàn tại BV. Rồi đến cấp độ quá đáng hơn, nhiều người nhà bệnh nhân không kìm được giận dữ hoặc nổi máu côn đồ, đuổi đánh bác sĩ, điều dưỡng ngay tại BV. Tình trạng này diễn ra khá nhiều và vụ việc gần nhất là ngày 16-11 tại BV Nhi Đồng 1, TP HCM - một người nhà bệnh nhân đã đánh nữ điều dưỡng bị thương vùng mặt. Tối 10-11 tại BV Tim mạch An Giang, TP Long Xuyên (An Giang), nam nhân viên bảo vệ đang ngồi trực thì bị một kẻ xông vào đâm trọng thương, do trước đó nhân viên bảo vệ này có nhắc nhở người nhà của một nữ bệnh nhân được đưa vào đây cấp cứu, rằng đừng to tiếng, gây ồn ào nơi BV.

Theo khảo sát của Bộ Y tế về bạo hành nhân viên BV, đối tượng bị tấn công là bác sĩ chiếm 70%, điều dưỡng:15%; 90% xảy ra trong khuôn viên BV; 60% số vụ xảy ra khi thầy thuốc đang cấp cứu và 30% khi thầy thuốc đang giải thích… Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân viên y tế, nhiều BV tổ chức các khóa dạy kỹ năng đối phó với các tình huống tương tự; lắp đặt hệ thống báo động, phản ứng khẩn cấp theo nhiều cấp độ và cách xử lý phù hợp để kịp thời hỗ trợ, can thiệp, ngăn chặn hành vi nguy hiểm.

Về mặt luật pháp, hành vi la hét, gây rối tại BV cũng đã vi phạm các quy định về trật tự xã hội để xử phạt hành chính. Những trường hợp đánh người gây thương tích nặng nề, hành vi có tính chất côn đồ thì cần khởi tố vụ án, đủ yếu tố cấu thành tội thì đem ra xét xử với mức án có tính chất răn đe. Những việc này đem đến niềm tin cho đội ngũ nhân viên y tế về sự bình an trong môi trường làm việc, chuyên tâm vào phận sự cứu người.

Tuy nhiên, các BV cũng nên nhắc nhở, xem xét lại đội ngũ nhân sự của mình, nhất là về tác phong ứng xử, hành vi, lời nói khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân của nhiều điều dưỡng viên, nhân viên hành chính của BV. Không ít trường hợp tỏ vẻ cửa quyền, nói năng trịch thượng, đối xử thiếu tế nhị, bất kể người bệnh tuổi tác ra sao, bệnh tình thế nào, làm cho bệnh nhân và nhất là người nhà bức xúc, không hài lòng.

Thầy thuốc như mẹ hiền, luôn là người và nghề được yêu mến, quý trọng, nhiều người là những tấm gương sáng về đức hy sinh cứu người, tài năng lỗi lạc, được tôn kính, khâm phục. Vào BV rồi được xuất viện, không chỉ nói bằng lời mà ai cũng mang theo trong lòng sự hàm ơn vì đã được điều trị, trở lại với đời sống, công việc thường ngày. Đó là những giá trị cao đẹp của đời sống, của tình người. Nên vì lẽ đó những người làm ngành y hãy dặn nhau đừng vì những bực bội đâu đó đem đến mà trút lên người bệnh hay người nhà của họ, để họ buồn lòng hay nghĩ khác đi về một nghề cao quý.

HOÀNG HOA

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/giu-binh-an-benh-vien-20191120222251395.htm