Giữ bình yên biên giới Lai Châu

Những năm qua, Đồn Biên phòng Huổi Luông, BĐBP Lai Châu luôn chú trọng, thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn đơn vị phụ trách. Một trong những giải pháp mà đơn vị thực hiện thường xuyên nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn, đó là triển khai công tác tuyên truyền, vận động, ngăn chặn người dân không chế tạo, không tàng trữ, không sử dụng các loại súng tự chế, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái phép.

Đồn Biên phòng Huổi Luông tiếp nhận, thu hồi súng tự chế tại địa bàn đơn vị đóng quân. Ảnh: Đức Duẩn

Đồn Biên phòng Huổi Luông tiếp nhận, thu hồi súng tự chế tại địa bàn đơn vị đóng quân. Ảnh: Đức Duẩn

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã xảy ra một số vụ sử dụng súng kíp, súng cồn đi săn bắn và đã gây ra tai nạn đáng tiếc, thiệt hại về vật chất, tinh thần, tính mạng của người dân. Do đó, nhằm hạn chế và chấm dứt tình trạng sử dụng súng tự chế, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trên địa bàn xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp súng tự chế, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau.

Trong chuyến đi công tác vừa qua, chúng tôi được tham dự buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vận động, ngăn chặn người dân không chế tạo, không tàng trữ, sử dụng các loại súng tự chế, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái phép của Đồn Biên phòng Huổi Luông tại xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ. Ngay từ đầu giờ chiều, chúng tôi đã thấy cán bộ, nhân viên của Đội Vận động quần chúng tất bật chuẩn bị loa đài, ánh sáng tại Nhà văn hóa của xã. Thượng úy Nguyễn Đình Đức, Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết: "Hôm nay, đơn vị tổ chức tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng súng cồn, súng kíp, súng tự chế và vật liệu nổ. Để có được buổi tuyên truyền này, đội đã chuẩn bị rất công phu, từ tìm hiểu thông tin việc tàng trữ, sử dụng súng tự chế trong dân đến những bức ảnh đã được chụp khi xảy ra tai nạn đáng tiếc do dùng vũ khí tự chế".

Đại úy Phan Thành Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết: Xã Huổi Luông có 21 bản, trong đó, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Hà Nhì, Mông và Dao sinh sống. Các loại súng săn, súng kíp hay súng cồn thường được người dân nơi đây tự chế để sử dụng vào mục đích đi săn bắn và bảo vệ mùa màng, nên hầu như mỗi nhà đều có một khẩu. Tuy các loại súng này thô sơ, nhưng có tính sát thương cao và trong quá khứ đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến súng tự chế. Vì vậy, thực hiện kế hoạch tuyên truyền, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã phối hợp với Công an xã và các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong địa bàn rà soát, lập danh sách các hộ gia đình, nhóm đối tượng có liên quan đến sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, tranh thủ tiếng nói của già làng, trưởng bản, người có uy tín vào từng ngõ, nắm từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho đồng bào, để người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

Tại buổi tuyên truyền, anh Lý A Tro, Trưởng bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông chia sẻ: "Trước đây, có một số người dân trong bản thiếu hiểu biết, lấy súng đi săn bắn, rồi mâu thuẫn giữa người này với người kia, không giải quyết được thì lấy súng ra làm công cụ "thanh toán" nhau, rất nguy hiểm. Nay, chúng tôi được cán bộ tuyên truyền, đã hiểu ra sự nguy hiểm này, nên hôm nay gia đình tôi tự nguyện đến giao nộp". Còn ông Lầu A Dê, ở xã Huổi Luông chia sẻ: "Qua tuyên truyền, tôi đã nắm được kiến thức pháp luật nên đã phổ biến cho tất cả mọi người trong gia đình tự giác đến giao nộp hết cho cán bộ BĐBP và Công an. Bây giờ, tôi cũng tự nguyện đi tuyên truyền cho người dân hiểu việc tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ rất nguy hại cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Nhờ đó, đến nay, bà con tại xã Huổi Luông luôn ý thức và chấp hành tốt pháp luật".

Anh Lý A Ngà, bản Pô Tô, xã Huổi Luông cho biết, khẩu súng cồn tự chế đã gắn bó với anh nhiều năm nay. Từ khi sinh ra, anh đã thấy những người đàn ông lớn tuổi trong nhà tự chế súng hơi, súng kíp để lên rừng săn bắn cải thiện cuộc sống và anh hiện nay cũng vậy. Súng cồn được anh mua nguyên liệu về tự chế và cất giấu kỹ tại lán nương để thi thoảng bắn chim, giết chuột. Với sự tuyên truyền, vận động của cán bộ Biên phòng, Công an và chính quyền địa phương, anh Ngà đã tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế cho lực lượng Biên phòng. Còn đối với anh anh Giàng A Phơ, bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông, do được cán bộ địa phương, BĐBP thường xuyên lên tuyên truyền về súng tự chế, bản thân anh đã giao nộp cho chính quyền địa phương, BĐBP và còn tuyên truyền cho người dân, anh em trong nhà không sử dụng, không tự chế súng cồn nữa.

Phương châm “đi từng bản, đến từng nhà” của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông đã mang lại hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc chế tạo, sử dụng các loại súng tự chế, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Cùng với việc tuyên truyền tại hộ gia đình, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông còn phối hợp chặt chẽ với các bản tổ chức các buổi tuyên truyền đặc biệt vào buổi tối, tuyên truyền tại lán nương. Nội dung tuyên truyền được cán bộ, chiến sĩ lựa chọn, chắt lọc để truyền tải đến người dân một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất như tác hại của các loại súng tự chế, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, chế tài xử phạt hành chính đối với những trường hợp chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép.

Trên cơ sở tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để người dân hiểu, tự giác chấp hành, từ tháng 8/2023 đến nay, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã thu hồi được trên 100 khẩu súng tự chế các loại do người dân mang đến giao nộp.

Hoàng Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-binh-yen-bien-gioi-lai-chau-post470708.html