Giữ bình yên trên sông

Hà Nội những ngày cận Tết, tôi rời phố xá nhộn nhịp dạo miền sông nước. Dịp này, trời lạnh, mưa nhiều, mênh mông sông nước thưa thớt người qua lại, nhịp sống như chậm lại sự hối hả thường nhật. Nhưng nơi đây, có những đồng đội của tôi vẫn đêm ngày bám trụ trên những tuyến đường thủy nội địa để làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy, góp phần giữ bình yên cho những tuyến sông! Tôi qua thăm các anh một chiều cuối năm cũ…

Tăng cường tuần tra kiểm soát dọc tuyến sông

Tăng cường tuần tra kiểm soát dọc tuyến sông

1. Chuyện đời miền sông nước. Đón tôi là Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy số 2, Phòng Cảnh sát Giao thông, CATP Hà Nội. Vừa đun nước, rót chén trà nóng nghi ngút khói vừa phân trần câu chuyện muôn năm cũ với người bạn cũ là tôi mà rằng, nhiệm vụ trên đất liền đã vất vả thì trên sông còn khó khăn gấp bội. Quả thật, anh chẳng kể thì tôi cũng biết, lực lượng Công an Thủ đô trên mặt trận nào chẳng gian khổ, hy sinh, kể ra thì nghìn ngày có lẻ cũng chẳng hết chuyện. Biết vậy nên tôi cứ lặng thinh mà nghe! “Tuần có 7 ngày thì cán bộ, chiến sĩ 5 ngày đi trực. Địa bàn trải dài với gần 100km đường sông chảy qua các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Long Biên, Đông Anh, Thường Tín và Phú Xuyên nên chúng tôi, đồng chí, đồng đội như người thân trong nhà, nhiệm vụ thì san sẻ, khó khăn là chia bớt” - Trung tá Đỗ Trọng Tuân nói.

Tiếp lời vị Đội trưởng của mình, Đại úy Trần Khánh Thiện kể: “Dọc tuyến sông thuộc địa bàn quản lý, chúng tôi có tất cả 4 điểm tàu. Thường mỗi ca trực có khoảng từ 4 đến 5 đồng chí. Nghe thì thấy đông vui, nhưng mỗi khi màn đêm bao trùm, thời gian như ngưng lại, không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng ếch, nhái và côn trùng kêu, người không quen cảm giác ấy sẽ cảm thấy rờn rợn. Đó là chưa kể những ngày mưa phùn gió bấc, mưa dầm dề suốt cả tuần, tâm trạng bỗng dưng cũng thấy man mác buồn”. Tôi cũng chẳng thấy xa lạ với lời kể của Đại úy Thiện, cuộc sống thường nhật trên bờ với sự hối hả nơi phố thị “rơi” vào những ngày như vậy của đất trời cũng khiến cảm xúc con người chùng xuống bất thường nữa là. “Ở giữa dòng, đôi khi tĩnh lặng đến buồn tẻ. Ngoài thời gian tuần tra, kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi còn tăng gia trồng thêm rau và thả vài con gà trên bãi đất trống ven sông Đuống để bổ sung thêm thực phẩm cho đa dạng. Bữa sáng chủ yếu là mỳ tôm, hôm nào có thêm quả trứng và tí rau xanh “của nhà trồng được” là vui phải biết” - Đại úy Thiện tiếp câu chuyện.

Tăng cường kiểm tra hành chính các phương tiện thủy

Tăng cường kiểm tra hành chính các phương tiện thủy

“Tuần tra trên sông thì ăn uống cũng không có giờ giấc cố định, nhiều khi đi liền một mạch qua trưa đến chiều về mới ăn. May mắn đi tuần tra gặp người bán hàng trên sông thì mua được cái bánh mỳ, không thì đành nhịn đói. Chúng tôi vẫn thường đùa nhau, có tiền mà không có chỗ tiêu. Nói vậy thôi chứ gắn bó với mặt sông cũng nhiều niềm vui lắm! Bà con yêu quý thi thoảng cho con cá, mớ rau, chục trứng, nhận được cũng thấy hân hoan trong lòng” - Đại úy Mạc Văn Tài cười nói. Không khí vui hơn hẳn! Tôi đáp lời: Thì rõ, sứ mệnh vì nhân dân phục vụ, vì cuộc sống bình yên của nhân dân, ngược lại các anh được dân tin, dân yêu, dân chia sẻ thì còn gì quý bằng! “Từ một người không biết nấu ăn, sau một thời gian gắn bó với mặt sông, chúng tôi cái gì… cũng biết. Có thể nấu ăn không ngon, nhưng cũng đủ ấm bụng. Ca-nô hỏng thì trở thành thợ sửa máy vì giữa mênh mông nước, nào có thể nhờ ai. Trên vai sao vàng 5 cánh lấp lánh dưới ánh mặt trời, nhưng đôi lúc cũng chẳng khác những nông dân thực thụ” - Đại úy Tài ví von. Và tôi biết, khi vào trận chiến, các anh lại vô cùng kiên cường, quyết liệt, không ngại mọi hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

2. Chuyện đời sao thiếu được chuyện nghề. Những người lính đường thủy mà mặt trận trên sông. Còn nhớ vụ “Thẩm mỹ viện Cát Tường” năm xưa, khách hàng của cơ sở này là một người phụ nữ đã tử vong trong quá trình làm phẫu thuật thẩm mỹ. Xác nạn nhân đã bị ném xuống sông Hồng phi tang. Những ngày sau đó, Công an Hà Nội đã rất vất vả để tìm kiếm thi thể nạn nhân. Tham gia phối hợp tìm kiếm năm đó có những cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát đường thủy - CATP Hà Nội. Từng bờ lau, bãi sú, từng điểm được phán đoán thi thể dễ trôi dạt cũng được các cán bộ, chiến sĩ sục sạo, nhưng kết quả vẫn là con số “0” tròn trĩnh. “Suốt thời gian sau đó, dù không còn tham gia phối hợp tìm kiếm,nhưng trong mỗi phiên tuần tra trên sông, chúng tôi vẫn tự nhủ ngày nào nạn nhân chưa được tìm thấy thì ngày đó còn phải tìm…” - Trung tá Nguyễn Minh Tuấn, cán bộ Đội Cảnh sát đường thủy số 1, Phòng Cảnh sát Giao thông, CATP Hà Nội kể lại.

Vất vả trên mặt trận đấu tranh với “cát tặc”

Vất vả trên mặt trận đấu tranh với “cát tặc”

Những năm gần đây, tình trạng “cát tặc” trở nên nhức nhối. “Các đối tượng “cát tặc” rất tinh vi, manh động. Để đối phó với lực lượng chức năng, chúng thường phân chia cảnh giới thành tầng tầng, lớp lớp để kịp thời báo cho nhau. Thường các đối tượng sử dụng tàu có vòi hút công suất lớn để nhanh chóng hút được nhiều cát. “Nếu bị truy đuổi, với phương tiện lớn như vậy cũng rất khó để xuồng của chúng tôi tiếp cận. Khó nhất là các đối tượng thường hoạt động tại các địa bàn giáp ranh, khi bị phát hiện sẽ lập tức di chuyển sang tỉnh bạn. Thậm chí, khi được yêu cầu chấp hành, chúng còn sử dụng hung khí chống trả quyết liệt, cực kỳ nguy hiểm. Ban đêm, lại giữa mênh mông nước không một bóng người, chẳng may các đối tượng manh động thì cũng không nói trước được điều gì nên buộc cán bộ, chiến sĩ ngoài chuyên môn nghiệp vụ tốt phải có bản lĩnh, kinh nghiệm và khả năng thực chiến” - Trung tá Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.

Không chỉ lường trước khả năng tội phạm chống trả, lực lượng Cảnh sát đường thủy trong quá trình bắt “cát tặc” còn phải đối mặt với những hiểm nguy mang tính đặc thù. Mới đây, đêm 23-11-2023, Tổ công tác 4 người thuộc Công an huyện Trà Ôn, tỉnh Trà Vinh tuần tra trên sông Hậu, phát hiện ghe gỗ không số hiệu khai thác cát lậu, đã ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra, thậm chí bắn chỉ thiên nhưng hai người đàn ông trên ghe khai thác cát lậu không chấp hành. Trong lúc tăng ga bỏ chạy, ghe cát lậu tông vào ca-nô khiến 4 đồng chí Công an rơi xuống sông. Ba người đã bám và trèo được lên ghe cát lậu. Riêng Đại úy Trần Hoàng Ngôi, cán bộ Đội cảnh sát Kinh tế và Môi trường - Công an huyện Trà Ôn bị chân vịt của ghe chém đứt lìa hai chân. Đó cũng chính là hiểm nguy mà bất cứ cán bộ, chiến sĩ nào “bám” mặt sông đấu tranh với “cát tặc” đều có thể gặp phải.

Lực lượng Cảnh sát đường thủy kiểm tra nồng độ cồn của các lái tàu

Lực lượng Cảnh sát đường thủy kiểm tra nồng độ cồn của các lái tàu

“Những ngày trời thanh vắng còn đỡ, chứ khi thời tiết sương mù, có khi cách tàu hút cát trái phép chỉ vài mét cũng không nhận diện được. Nếu các đối tượng phát hiện mà nổ máy bỏ chạy, có khi ép, lật cả ca-nô của chúng tôi. Không may xảy ra tình huống xấu, cũng khó nói trước được điều gì. Đấy là khi phát hiện được, còn để phòng, chống loại tội phạm này, chúng tôi nhiều khi phải cắm chốt vài tháng trên sông. Bây giờ thì đỡ hơn vì có nước đóng bình, chứ trước đây mà đi liền vài tháng như vậy, cán bộ, chiến sĩ phải lấy cả nước sông lên đánh phèn làm nước ăn uống, tắm giặt. Vất vả là thế nhưng chẳng ai kêu than vì một khi đã chọn con đường phục vụ nhân dân thì việc vất vả, hy sinh là tất yếu” - Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy số 2 chia sẻ.

3. Bình yên trên những tuyến sông. Trong suốt quãng thời gian công tác, với mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát đường thủy, điều nuối tiếc và nhiều khi cảm thấy bất lực nhất, đó chính là việc chứng kiến những vụ đuối nước mà không thể làm gì được. “Tôi nghĩ, với mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng tôi, đó là những câu chuyện buồn cứ in hằn mãi thành một vệt dài trong tâm trí mà ước gì nó chưa từng xảy ra. Hồi đó là vào năm 2020, khi cơn bão số 1 đổ bộ, tôi cùng anh em trong đơn vị đi tuần dọc tuyến, cảnh báo tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Sáng hôm ấy, mưa đã bắt đầu nặng hạt, tôi phát hiện một tàu thủy mang biển kiểm soát tỉnh Hải Dương. Tôi yêu cầu lái tàu cập cảng Sơn Tây dừng đỗ nhưng không hiểu vì lý do gì, họ vẫn cố tình di chuyển. Đến chiều hôm đó, chúng tôi nhận được điện thoại của con gái người lái tàu nói không liên lạc được với bố mình. Linh cảm chuyện xấu đã xảy ra nhưng tôi vẫn mong có một phép màu nào đó, hy vọng họ chỉ là vì dính mưa bão, điện thoại hỏng nên mới không gọi được. Nhưng cuối cùng, phép màu không xuất hiện, con tàu bị bão nhấn chìm xuống lòng sông, cả 4 người trên tàu đều thiệt mạng. Sau đó, chúng tôi vớt được thi thể của 3 người, người còn lại mãi mãi ở lại với dòng sông…” - Đại úy Mạc Văn Tài nhớ lại.

Vào những ngày giáp Tết, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát đường thủy cũng tất bật chuẩn bị mâm cỗ tiễn năm cũ, đón năm mới sang. Đại úy Lê Doãn Dũng chia sẻ: “Thời điểm này, bà con về quê ăn Tết hết, nên ở lại với mặt sông chỉ có những người lính đường thủy. Chúng tôi phải tiếp tục tuần tra, kiểm soát, phòng chống “cát tặc” lợi dụng hoạt động. Ngày cuối năm, ai chẳng muốn được trở về quây quần bên mâm cơm gia đình, nhưng đã chọn mặc áo lính, đồng nghĩa với việc chọn hy sinh. Vợ con chúng tôi cũng quen rồi, giờ còn có điện thoại thông minh nên có thể gọi video để nhìn thấy người thân, gửi lời chúc mừng năm mới. Ở đơn vị, anh em, đồng chí, đồng đội chính là gia đình nên tất cả rồi… cũng quen”.

Cũng bánh chưng, cũng giò, cũng gà, cũng mứt, chỉ là giữa màn đêm đen đặc và giá rét trên sông, đêm Giao thừa bỗng trở nên trống trải. Nhưng với những người lính đường thủy, dù ngày hay đêm, dù rét buốt đến thấu xương hay những khi trưa hè nắng rát đổ lửa, tàu là nhà, cỏ cây, mây trời và mênh mông sóng nước là bạn, bên cạnh sự vất vả, hy sinh thầm lặng ấy còn chứa đựng niềm tự hào, bởi lẽ, họ góp phần lớn lao giữ bình yên cho những dòng sông.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giu-binh-yen-tren-song-post565834.antd