Giữ chân bạn tàu

Để vươn khơi bám biển, các chủ tàu cá phải tính toán đủ bề, nhất là phải tìm cách giữ chân bạn tàu, cùng đồng hành sẻ chia trong những chuyến vươn khơi.

Vũng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) trong những ngày này tấp nập tàu thuyền. Những con tàu sau chuyến đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa, Trường Sa trở về đầy ắp cá. Các chủ tàu lẫn bạn tàu tranh thủ chuyển cá lên bờ, chuẩn bị cho phiên biển mới với không khí rộn ràng, khẩn trương.

Thiếu lao động đi biển

Ngư dân Lê Văn Lô, chủ tàu cá ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cười nói, phiên biển này tàu của tôi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa kéo dài 25 ngày. Trời yên, biển lặn nên cá đánh bắt được khá, cả chủ tàu lẫn bạn tàu đều vui.

Bạn tàu chuyển cá lên bờ để bán cho thương lái ở cảng cá Sa Kỳ (TP.Quảng Ngãi).

Bạn tàu chuyển cá lên bờ để bán cho thương lái ở cảng cá Sa Kỳ (TP.Quảng Ngãi).

"Để phát triển nghề cá bền vững, tỉnh khuyến khích các chủ tàu áp dụng khoa học công nghệ; đầu tư trang thiết bị hiện đại để đánh bắt hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của lao động làm nghề biển. Các chủ tàu cần năng động trong việc tìm kiếm ngư trường, chấp hành quy định của pháp luật; phát huy vai trò của nghiệp đoàn nghề cá, tổ ngư dân đoàn kết trên biển để chia sẻ ngư trường đánh bắt đạt hiệu quả cao".

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh
NGUYỄN VĂN MƯỜI

Ngư dân Trần Văn Lành, một chủ tàu cá khác ở xã Nghĩa An góp chuyện, ngày xưa, tôi sắm được con tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ chẳng cần phải tìm kiếm bạn tàu, nhiều ngư dân tự tìm đến hỏi để được đi bạn trên tàu. Bởi lẽ, tàu đánh bắt xa bờ hiệu quả hơn đánh bắt trong lộng (đánh bắt gần bờ). Họ cùng tôi ra khơi đánh bắt. Anh em bạn tàu vui lắm, vui nhất là khi từ biển trở về, anh em chuyển cá lên bờ để bán. Sau khi trừ chi phí, anh em háo hức chia tiền để về lo trang trải cuộc sống. Nhưng nay thì khác rồi, các chủ tàu gặp khó vì thiếu bạn tàu.

Nghề cá trong tỉnh ngày càng phát triển. Tàu nâng cấp, đóng mới ngày càng nhiều. Mỗi con tàu đánh bắt xa bờ cần khoảng 10 lao động, trong khi lao động ở các làng biển khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu nên một số chủ tàu phải thông qua người quen mời gọi ngư dân ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa ra Quảng Ngãi đi bạn.

Ứng xử có nghĩa, có tình

Chủ tàu Lê Minh Anh, ở xã Nghĩa An cho biết, trước mỗi chuyến biển xa bờ, tôi ứng trước cho mỗi lao động đi biển chừng 10 triệu đồng. Nếu đánh bắt hải sản có hiệu quả, thì mình chia thêm thu nhập cho từng bạn tàu. Còn đánh bắt hiệu quả thấp thì chủ tàu khấu trừ tiền ứng ấy vào chuyến đi biển kế tiếp.

Tàu đánh bắt hiệu quả, không chỉ tăng thu nhập cho chủ tàu và bạn tàu, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Trong ảnh: Vận chuyển cá tại cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).

Tàu đánh bắt hiệu quả, không chỉ tăng thu nhập cho chủ tàu và bạn tàu, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Trong ảnh: Vận chuyển cá tại cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).

Với chủ tàu Nguyễn Thanh Bình, ở thôn Đông An Vĩnh (Lý Sơn), mỗi chuyến ra khơi đều ứng trước cho bạn tàu một số tiền nhất định. “Việc ứng trước tiền cũng là cách để giữ chân bạn tàu. Cuộc sống của anh em bạn tàu còn khó khăn, nên trước khi tàu ra khơi, chủ tàu phải cho ứng trước tiền công để anh em có điều kiện lo cho gia đình. Nhiều chủ tàu cũng gặp khó khăn, nhưng đành bấm bụng vay mượn để cho bạn tàu ứng trước tiền", ông Bình nói.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.300 tàu cá đã đăng ký, với tổng công suất gần 1,8 triệu CV. Đến tháng 6/2024, sản lượng thủy sản khai thác đạt trên 150 nghìn tấn, đạt 56,6% kế hoạch, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2023. Việc đánh bắt hải sản đạt hiệu quả giúp các chủ tàu có điều kiện tái đầu tư, trả công để "giữ chân" bạn tàu, tiếp tục bám biển khai thác hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Vừa kết thúc chuyến biển đánh bắt cá chuồn trở về bến, chủ tàu Nguyễn Tấn Công, ở xã Nghĩa An chia sẻ, có những chuyến biển xa bờ đánh bắt hiệu quả thấp, chủ tàu túng thiếu nhưng cũng cố gắng vay mượn để trả công cho bạn tàu. Bởi, nếu không làm vậy thì làm sao có đủ bạn tàu cùng ra khơi trong chuyến biển mới. Chủ tàu phải có nghĩa, có tình thì bạn đi biển mới gắn bó lâu dài với tàu của mình, chứ không họ sẽ chuyển sang đi bạn cho tàu khác.

Nỗ lực vươn khơi

Chủ tàu Lê Tấn Tin, cũng ở xã Nghĩa An cho hay, mỗi chuyến biển xa, chi phí cho dầu, đá cây, nước ngọt, gạo, mắm... tốn từ 80 - 100 triệu đồng. Nếu đánh bắt không hiệu quả, thì không đủ lo phí tổn, trả tiền công cho bạn tàu. Do vậy, mỗi chuyến ra khơi, anh em phải nỗ lực để đánh bắt hiệu quả, như vậy mới có thu nhập để trang trải. Muốn đánh bắt hiệu quả trong mỗi chuyến ra khơi thì phải cân nhắc ngư trường.

Đầu mùa biển, những con tàu xa bờ ở Quảng Ngãi tập trung đánh bắt ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, sau đó đánh bắt ở Trường Sa để vừa né gió bão, vừa đánh bắt hiệu quả hơn. Nếu đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, tàu trở về cảng Sa Kỳ, hay cảng Đà Nẵng để bán cá, tiếp nhiên liệu. Còn đánh cá ở Trường Sa thì chọn cảng Quy Nhơn, hoặc Hòn Rớ (Khánh Hòa) để vào bán cá, tiếp nhiên liệu, rút ngắn thời gian di chuyển, tiết kiệm chi phí.

Tàu thuyền về bến neo đậu trước Trạm Kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).

Tàu thuyền về bến neo đậu trước Trạm Kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).

Ngoài ra, các chủ tàu trang bị máy tầm ngư, máy định vị, sắm sửa các dàn lưới để đánh bắt hiệu quả. Từ nhiều năm qua, các nghiệp đoàn nghề cá và tổ ngư dân đoàn kết trên biển duy trì hoạt động chia sẻ ngư trường đánh bắt, giúp đỡ nhau khi tàu bị sự cố trên biển. Những tổ ngư dân đoàn kết trên biển khi phát hiện vùng ngư trường cá quần tụ thì thông báo qua bộ đàm cho các tàu đến cùng đánh bắt. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho tàu đánh bắt vùng biển xa (mỗi năm 4 phiên biển) giúp các chủ tàu đỡ phần chi phí, có điều kiện vươn khơi và “giữ chân” bạn tàu.

Bài, ảnh: ÁNH NGUYỆT

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/phong-su-ky-su/202408/giu-chan-ban-tau-21a0ea3/