Giữ chân giáo viên mầm non
Dự thảo bảng lương mới theo vị trí việc làm, Bộ GD&ĐT đề xuất mức phụ cấp với giáo viên mầm non (GVMN) là 36%, cao hơn GV các cấp học khác. Như vậy, GVMN mới ra trường sẽ có mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Giáo dục mầm non là cấp học nền, tính chất lao động nghề nghiệp trong lĩnh vực này hết sức phức tạp. Theo quy định, chế độ làm việc của GVMN là 6 tiếng/ngày nhưng do đặc thù công việc, các cô phải đi sớm để đón trẻ, về muộn chờ phụ huynh đến đón con; buổi trưa thường xuyên không được nghỉ ngơi. Tất bật từ 10 - 12 giờ làm việc mỗi ngày, nhưng thu nhập của GVMN lại rất thấp, chỉ vài ba triệu đồng với GV mới ra trường.
Thêm vào đó, công việc nhiều áp lực, không ít GVMN đã nói lời chia tay với nghề sau một thời gian đi làm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu GVMN trên toàn quốc trong suốt thời gian qua vẫn chưa được khắc phục. Năm học 2019 - 2020, cả nước thiếu khoảng 45.242 GVMN, nhiều nhất là ở những tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Tỷ lệ giáo viên/lớp quá thấp càng tăng thêm áp lực cho đội ngũ, tiềm ẩn sự mất an toàn, chất lượng GD cũng không như mong muốn.
Để khắc phục tình trạng thiếu GVMN, nâng cao chất lượng giáo dục của cấp học nền tảng, cái gốc cần vẫn là cải thiện chính sách về lương, thu nhập cho GV. Thời gian qua nhiều địa phương ngoài quy định chung, để giữ chân, thu hút GVMN đã có những chính sách riêng có tính động viên, hỗ trợ. Như TPHCM có Nghị quyết 01 hỗ trợ lương từ 50 - 100% cho GV mới ra trường; Tuyên Quang có chính sách hỗ trợ một phần lương cho giáo viên ngoài công lập theo 3 vùng khác nhau; Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ tiền làm thêm giờ; Khánh Hòa hỗ trợ tiền đò, xăng xe cho giáo viên công tác ở miền núi, hải đảo…
Những nỗ lực của các địa phương trong việc hỗ trợ thu nhập cho GVMN rất đáng quý nhưng không phải nơi nào cũng làm được. Thực tế vẫn còn nhiều địa phương khó khăn, nguồn tài chính không dồi dào, ngoài đồng lương theo quy định Nhà nước, GVMN gần như không được địa phương hỗ trợ gì thêm. Vất vả nhất là đội ngũ GVMN cắm bản.
Cải thiện chính sách tiền lương cho GVMN ở tầm quốc gia, vì thế là việc làm hết sức cần thiết để thu hút, giữ chân GVMN, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần nâng cao chất lượng chăm dạy. Đề xuất về thang bảng lương mới, đặc biệt là mức phụ cấp với GVMN cao hơn GV các cấp học khác của Bộ GD&ĐT đã thể hiện sự lắng nghe, quan tâm của ngành với đối tượng lao động đặc thù. Đông đảo GVMN và những ai quan tâm đến cấp học này đều cho rằng đó là đề xuất hợp lý, nếu có thể được, nên cao hơn, xem xét thêm tính vùng miền.
Mức phụ cấp 36% dù ưu tiên hơn nhưng so với yêu cầu công việc đặc thù của ngành cũng không phải cao, tuy vậy, khoản tăng thêm này là hết sức quý giá với GVMN, nhất là với những địa phương kinh tế khó khăn. Đề xuất của Bộ GD&ĐT nếu sớm được Chính phủ phê duyệt sẽ có ý nghĩa động viên rất lớn, nhất là khi toàn ngành mầm non đang nỗ lực vượt qua những khó khăn về nhân sự, chuẩn bị tiến thêm một bước mới với Đề án PCGDMN cho trẻ em 4 tuổi.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/giu-chan-giao-vien-mam-non-fImq5K2Mg.html