'Giữ chân' người lao động
Trong bối cảnh dịch Covid-19, cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn và xáo trộn, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ để có thể 'giữ chân' người lao động (NLĐ) ở lại với mình, nhất là những NLĐ có kinh nghiệm và trình độ cao.
Để có thể duy trì được hoạt động sản xuất, Công ty TNHH Datalogic Việt Nam (Datalogic VN) tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (Khu CNC) đã áp dụng phương án “Ba tại chỗ” và “Một cung đường, hai điểm đến” từ đầu tháng 7/2021. Công ty đã trưng dụng nhiều cơ sở như hội trường, phòng họp, phòng giải trí, sân tập thể thao… để xây dựng thành buồng ngủ, phòng lưu trú cho NLĐ. Cùng với đó, thuê thêm khách sạn cho hàng chục NLĐ khác (có lúc lên gần 200 người) lưu trú.
Tại khu lưu trú trong khuôn viên công ty, tiện nghi sinh hoạt được đầu tư khá đầy đủ như: Giường tầng, nhà vệ sinh di động, buồng tắm, máy giặt, máy sấy (có thêm dịch vụ giặt đồ bên ngoài), nhà ăn, hệ thống thông gió và điều hòa không khí… Nhờ vậy, hơn 500 NLĐ của Công ty Datalogic VN khá yên tâm để làm việc gần hai tháng qua. Anh Bùi Duy Quang, công nhân bộ phận sản xuất, tâm sự: “Ngoài kia nhiều người đang khó khăn nhưng tôi cảm thấy mình thật may mắn vì vẫn có công việc và thu nhập ổn định, được làm việc trong một môi trường an toàn…”.
Tổng Giám đốc Datalogic VN Trần Tiến Phát chia sẻ, số NLĐ còn làm việc của công ty đã giảm 40%, còn doanh số tháng 7 giảm 60% so với tháng 6/2021. Datalogic VN đã tiêu tốn khoảng 10 tỷ đồng để thực hiện “Ba tại chỗ” và “Một cung đường, hai điểm đến” trong gần hai tháng; trong đó có hơn 2 tỷ đồng là chi phí xét nghiệm Covid-19 cho NLĐ, 2 tỷ đồng trang bị cơ sở vật chất và ăn uống…
Để “giữ chân” được NLĐ, Datalogic VN đã phải tăng phụ cấp giờ làm thêm lên gấp hai lần (riêng ngày chủ nhật được tính gấp 2,1 lần tiền công ngày thường). Vì vậy, nếu tính cả làm thêm, thu nhập của NLĐ trong một tháng có thể đạt gần gấp hai lần so với tháng bình thường. Datalogic VN còn làm việc với một bệnh viện công để thực hiện khám, chữa bệnh cho NLĐ; có chính sách phù hợp đối với từng trường hợp NLĐ cụ thể phải ở nhà lo cho gia đình mà không tham gia “Ba tại chỗ”; lắng nghe mọi nguyện vọng, giải quyết thấu đáo mọi thắc mắc của NLĐ thông qua các cuộc họp trực tuyến hằng tuần…
Được biết, một số DN khác ở Khu CNC còn tiêu tốn chi phí nhiều hơn Datalogic VN (khoảng 500 nghìn đồng/người/ngày) để có thể “giữ chân” được NLĐ, nhất là những nhân sự có năng lực cao và nhiều kinh nghiệm. Có DN phải bỏ ra chi phí lên đến 3 triệu đồng/người/ngày cho cả nghìn NLĐ.
Chẳng hạn, với việc áp dụng phương án “Một cung đường, hai điểm đến” với gần 1.870 lao động trực tiếp và khoảng 1.500 lao động gián tiếp (lưu trú tập trung tại rất nhiều khách sạn), từ ngày 15/7 đến 15/8, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam đã tiêu tốn hơn 140 tỷ đồng; nếu tính tới 15/9 thì chi phí sẽ vượt xa con số này. Hiện nay, dù không cho biết con số cụ thể, nhưng để có thể bảo đảm việc cung ứng hàng hóa thiết yếu trong điều kiện số lượng giấy phép đi đường được cấp rất ít, các hệ thống bán lẻ đã phải tốn những khoản chi phí lớn để “giữ chân” nhân viên chấp nhận “Ba tại chỗ” để làm việc cả ngày lẫn đêm…
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (Huba), tại hơn 50 DN đang thực hiện “Ba tại chỗ”, chi phí tăng thêm với NLĐ khoảng 9,3 triệu đồng/người/tháng, tương đương tăng thêm một tháng thu nhập. Tính chung, chi phí mà DN bỏ ra tăng gấp hai lần so với bình thường. Do vậy, để duy trì “Ba tại chỗ” thì DN đã phải chịu lỗ, có DN lỗ nặng.
Chủ tịch Huba Chu Tiến Dũng cho biết, trong giai đoạn này, chúng ta không những chăm lo NLĐ đang làm việc mà còn phải quan tâm hỗ trợ an sinh xã hội cho những NLĐ nghỉ việc đang gặp khó khăn. Do vậy, các DN cần chủ động tăng cường phối hợp với chính quyền, các ban, ngành và MTTQ ở các địa phương để thực hiện tốt công tác này, không bỏ sót NLĐ nào đang gặp khó khăn, đó chính là chăm lo và duy trì nguồn lực sản xuất bền vững.
Trong thời gian gần đây, Huba đã và đang triển khai chương trình tặng quà an sinh xã hội đối với NLĐ đã mất việc đang gặp khó khăn, đề nghị các DN tiếp tục lập danh sách NLĐ thuộc diện này cần được hỗ trợ ngay với địa chỉ, số điện thoại liên lạc cụ thể để Huba chuyển ngay quà tặng an sinh xã hội đến Ủy ban MTTQ các quận, huyện để kịp thời giao tới tay NLĐ…
Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất theo phương án “Ba tại chỗ” , “Một cung đường, hai điểm đến”. Trong đó, hỗ trợ DN giảm chi phí như giảm giá điện sản xuất, giảm hoặc miễn điện sinh hoạt cho công nhân như đối với các khu cách ly; xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho công nhân; hỗ trợ chi phí phun thuốc khử khuẩn… Riêng các DN bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nặng nề như du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải… cần nâng mức giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 50% thay vì chỉ 30% như hiện nay…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/giu-chan-nguoi-lao-dong-662447/