'Giữ chân' người lao động sau kỳ nghỉ Tết
Những năm qua, tỷ lệ người lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tăng khá cao. Tuy nhiên, nỗi lo thiếu nhân công vẫn luôn thường trực, buộc các doanh nghiệp phải sẵn sàng phương án chuẩn bị, giữ chân lao động ngay từ trước Tết.
Nỗi lo này xuất phát từ quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Đa số lao động xa quê làm việc quanh năm. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thường kéo dài, dẫn đến tâm lý “xả hơi”, đủng đỉnh, nghỉ thêm. Cùng với đó, không ít doanh nghiệp trả lương, thưởng Tết thấp, chế độ đãi ngộ chưa xứng đáng, vì vậy người lao động muốn nhân dịp nghỉ Tết tìm công việc mới có thu nhập tốt hơn.
Dự báo, nhu cầu lao động sẽ tăng cao trong quý I-2025 khi sản xuất, kinh doanh tiếp đà phục hồi từ quý III và IV-2024. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, hơn 77% doanh nghiệp được khảo sát đã đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và tốt hơn, trong đó các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan nhất, với tỷ lệ đánh giá đạt hơn 79%.
Để kéo lao động trở lại ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, rất nhiều doanh nghiệp đã sớm có chế độ lương, thưởng Tết, tặng quà người lao động. Thậm chí, có doanh nghiệp bố trí phương tiện đưa đón công nhân về quê đón năm mới và trở lại làm việc. Thực tế, việc có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, đúng quy định, chăm lo, chia sẻ với người lao động là cách giữ chân lao động hiệu quả nhất.
Cùng với doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng cần tính toán nhu cầu lao động của thị trường, nhất là lao động có tay nghề, trình độ, để có phương án cung ứng thông qua các phiên giao dịch việc làm, các chương trình kết nối doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Ở đây, vai trò dự báo nhu cầu thị trường lao động và kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sử dụng lao động, góp phần bảo đảm cung - cầu, là quan trọng hơn cả. Mặt khác, cơ quan quản lý cùng với doanh nghiệp tham gia chăm lo cho người lao động, động viên người lao động trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết.
Về phía người lao động, cần bỏ tâm lý nghỉ xả hơi, thay vào đó là trang bị cho mình tác phong làm việc trong thời đại công nghiệp hóa - tuân thủ đúng quy định. Người lao động cần xác định rõ trách nhiệm với doanh nghiệp, với công việc. Trong quá trình làm việc, mỗi người lao động phải tự giác vừa học tập nâng cao tay nghề, vừa rèn luyện ý thức, tác phong công nghiệp, sẵn sàng chung tay xây dựng doanh nghiệp - nơi mang lại việc làm và thu nhập.
Việt Nam đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên con đường đó, lực lượng lao động phù hợp, chuyên nghiệp, tuân thủ kỷ luật, có tay nghề cao giữ vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giu-chan-nguoi-lao-dong-sau-ky-nghi-tet-690488.html