Giữ 'chân quê' - cội nguồn để phát triển

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra vào cuối tháng 11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn sau hội nghị này, công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Để chấn hưng văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi ý một trong những điều cốt lõi chính là 'giữ lấy nếp nhà, giữ lấy chân quê'.

Chân quê = bản sắc

Năm 1936, trong bài thơ “Chân quê” nổi tiếng của mình, thi sĩ Nguyễn Bính đã tha thiết “Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa”. Quê mùa - trong cách nhìn nhận của nhà thơ, đó là cái yếm lụa sồi, cái dây lưng đũi, áo tứ thân, khăn mỏ quạ… những trang phục đặc trưng, góp phần làm nên vẻ đẹp nền nã của người phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ.

“Chân quê” một lần nữa được nhắc đến tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ phải “giữ lấy nếp nhà, giữ lấy chân quê”. Lời nhắn gửi này của Tổng Bí thư tiếp tục khơi gợi nhiều vấn đề cần nhìn nhận về “chân quê” trong đời sống đương đại. Hiện nay, khi nói đến nhà quê, thôn quê, chân quê… trong suy nghĩ của nhiều người, đặc biệt là những người trẻ sinh sống ở phố thị, đó là nói đến sự cũ kỹ, lạc hậu, là biểu hiện của sự trì trệ, chậm đổi mới. Trong một số diễn đàn, nhiều ý kiến cũng không ngần ngại bày tỏ thái độ coi thường, dè bỉu những người ở quê ra, chỉ vì họ nói tiếng địa phương, ăn mặc không hợp thời trang hoặc chưa quen sử dụng những thiết bị hiện đại, dè xẻn trong chi tiêu...

Theo ông Nguyễn Xuân Tiên, sẽ không bảo vệ được đất nước nếu lãng quên truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc. Trong ảnh: Ông Nguyễn Xuân Tiên đang hoàn thiện mô hình Tượng đài chiến thắng Tàu Ô - Xóm Ruộng, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản - Ảnh: Viết Bằng

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận một cách đúng đắn về chân quê. “Văn hóa là có sự phát triển từ đời này sang đời kia, nhưng trong văn hóa không phải cái gì mình cũng tiếp thu hết. Trong văn hóa có sự tiếp biến, nghĩa là giữ cái gì cần giữ và nhận cái gì cần nhận, chứ không phải cứ khăng khăng giữ những cái cổ xưa nhưng cũng không phủ nhận hết cái cũ xưa để chạy theo cái mới. Chân quê ở đây nghĩa là dù mình tài năng đến đâu, học thức đến đâu, sinh sống ở đâu mình cũng là chính mình, vẫn giữ lề, thói của mình. Chân quê không phải là những cái thụt lùi mà là bản sắc. Giữ chân quê chính là giữ lấy những gì tốt đẹp mà ông cha ta truyền lại” - Giáo sư Tiên nhìn nhận. Lời nhắn nhủ phải “giữ lấy nếp nhà, giữ lấy chân quê” của Tổng Bí thư chính là giữ nét văn hóa, hồn cốt của dân tộc.

Bắt đầu từ giáo dục

Là người công tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên không khỏi trăn trở trước sự xuống cấp của văn hóa hiện nay. Ông lý giải là do: “Giới trẻ hiện nay hầu hết đều sính ngoại, đâm ra tự ti, cho dân tộc của mình là nhỏ bé, lạc hậu, chậm phát triển, nên thấy cái gì ở một số nước châu Âu, Mỹ đều là tiên tiến, là phát triển nên cứ học theo, mà càng học, càng đi theo họ thì càng mất bản sắc văn hóa của mình. Đó là điều đáng sợ nhất hiện nay”.

Từ thực tế đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên đánh giá rất cao lời nhắn nhủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rất đúng. Bây giờ chúng ta phải làm sao xây dựng được nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng đã đề cập phải xây dựng con người có văn hóa để phát triển đất nước bền vững”. Giáo sư Tiên cho rằng chính mỗi cá nhân, mỗi gia đình và xã hội phải có trách nhiệm xây dựng nếp văn hóa này. Để làm được điều đó, quan trọng nhất là phải làm gương. Cha mẹ trong gia đình làm gương cho con cái; ông bà làm gương cho cháu, chắt; thầy cô làm gương cho học sinh; lãnh đạo cao hơn thì làm gương cho cấp dưới. Nếu những người lãnh đạo, ông bà, cha mẹ, thầy cô mà làm gương thì dứt khoát thế hệ sau sẽ đi theo, tạo ra sự ổn định bền vững.

Mỗi dân tộc văn minh thì có dân tộc này cao hơn dân tộc khác, nhưng văn hóa thì không ai cao hơn ai cả. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng, chúng ta phải giữ được nền văn hóa đó. Nếu không giữ được thì chúng ta sẽ mất nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên,
Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh

Đồng quan điểm chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ chấn hưng giáo dục, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Văn hóa - Du lịch, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam lưu ý phải chú trọng giáo dục về khả năng thẩm thấu nghệ thuật, thẩm thấu văn hóa. Ông tiếc nuối thừa nhận: “Gần như giáo dục chúng ta không dạy về thẩm thấu hay thẩm mỹ, thụ hưởng thẩm mỹ. Đây là điều đáng tiếc trong giáo dục khi bỏ quên hẳn mảng thẩm thấu nghệ thuật, dẫn đến giới trẻ hoàn toàn tự phát thụ hưởng, thẩm thấu thẩm mỹ. Nếu để tự phát thì giới trẻ sẽ chạy theo những hào nhoáng bên ngoài chứ không biết bản thân mình chính là vốn quý và sẽ khốn khổ vì điều đó”.

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền nhấn mạnh, chúng ta thừa hưởng những giá trị văn hóa của tổ tiên, nhưng nếu không đủ trình độ để thẩm thấu về thẩm mỹ, sẽ có nhìn nhận khác, thậm chí sai lệch, dẫn đến tâm lý “sính ngoại, bài nội”. Vậy phải giáo dục như thế nào? “Bắt đầu phải từ giáo dục gia đình. Chúng ta có tồn tại ngày nay được từ giáo dục gia đình và chính gia đình sẽ chọn cho con mình cách thức giáo dục phù hợp, nhà trường chỉ dạy về nguyên tắc” - Giáo sư Hiền khẳng định.

Chúng ta đã được thừa hưởng văn hóa ngày xưa trong giáo dục về thẩm mỹ nghệ thuật, thẩm mỹ về dân tộc, thẩm mỹ về văn hóa nhưng chúng ta lại không kế thừa đưa vào giảng dạy. Đó là một khúc gãy trong giáo dục về thẩm mỹ, đặc biệt là thẩm mỹ về giáo dục, thẩm mỹ lòng yêu nước, thẩm mỹ nghệ thuật để thưởng thức các giá trị “chân quê” mà chúng ta đã bỏ mất.

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền,
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Văn hóa - Du lịch, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” - đó là vai trò, trọng trách của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Giữ lấy “chân quê” trong giai đoạn hiện nay như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập là để giáo dục chúng ta, nhất là thế hệ trẻ, biết trân trọng hồn cốt của dân tộc, tự miễn nhiễm trước sự đồng hóa về văn hóa của ngoại bang, tạo chân đế bền vững bảo vệ đất nước muôn đời.

Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/130790/giu-chan-que-coi-nguon-de-phat-trien