Giữ chất văn hóa, văn minh, nghĩa tình trong báo chí Thủ đô Hà Nội

Nền báo chí Cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí Thủ đô nói riêng đã và đang xây dựng một 'hệ sinh thái' thông tin không chỉ giàu tính chiến đấu mà còn văn hóa, văn minh và đầy ắp nghĩa tình, góp phần gìn giữ được những giá trị tốt đẹp, cao quý, tiên tiến nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, phóng viên An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về điều này.

- Thưa ông, ông nhận thấy bức tranh về báo chí Thủ đô Hà Nội những năm gần đây xét ở góc độ văn hóa thì thế nào?

- Thủ đô Hà Nội là trung tâm báo chí và truyền thông có thể nói là hàng đầu cả nước. Hà Nội cũng có một hệ thống báo chí theo tôi là khá toàn diện, đủ các loại hình báo chí, trong đó có những cơ quan báo chí có truyền thống lâu năm như An ninh Thủ đô với gần nửa thế kỷ hoạt động. Có thể thấy một trong những nét mạnh, điểm sáng và cái đẹp của báo chí Thủ đô chính là chất văn hóa. Hà Nội là Thủ đô văn hóa, có rất nhiều giá trị đẹp và hấp dẫn về văn hóa và báo chí Hà Nội góp phần quan trọng trong việc góp phần vào xây dựng những điều này.

Tôi nghĩ vẻ đẹp của văn hóa Hà Nội không chỉ nằm ở những công trình văn hóa nguy nga mà trên hết, đẹp nhất là sự thanh lịch và văn minh của con người Hà Nội. Tôi nhìn thấy không có một cơ quan báo chí nào của Thủ đô lại không lấy việc xây dựng, tôn vinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của người Hà Nội làm nội dung trọng tâm khi thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền. Có thể nói đó là nét đặc trưng, nổi trội và đáng tự hào của báo chí Hà Nội.

- Nói tới báo chí là nói đến 2 yếu tố quan trọng: tính chiến đấu và tính nhân văn. Theo ông, hai yếu tố này góp phần thế nào trong việc tạo ra tính văn hóa cho báo chí Thủ đô nói riêng và nền báo chí Việt Nam nói chung?

- Quả thật là như vậy, hai yếu tố này đan hòa vào nhau, trong chiến đấu có nhân văn và ngược lại. Lan tỏa cái tốt, cái đẹp là nhân văn; chống lại cái xấu, cái ác cũng là nhân văn; làm sao để mọi người tin vào công lý và lẽ phải chính là nhân văn. Nhưng để lan tỏa được những điều tốt đẹp ấy, đôi khi báo chí cũng cần phải chiến đấu mới làm sáng tỏ được. Nếu như để người ta cảm thấy hoang mang, không biết tin vào cái gì, mất phương hướng, tức là báo chí không làm tốt cả nhiệm vụ chiến đấu lẫn nhiệm vụ bồi đắp nhân văn. Báo chí Hà Nội của chúng ta thấm đẫm tính nhân văn. Các cơ quan báo chí của Hà Nội luôn đề cao và thực hiện điều này một cách kiên tâm để khẳng định các giá trị văn hóa cao quý của Thủ đô. Tôi thấy trên các phương tiện truyền thông, báo chí Hà Nội thường xuyên có các chuyên mục xây dựng văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh, rồi gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, tôn vinh việc tốt từ ngõ xóm đến phố phường…

- Ngoài yếu tố nhân văn khi tác nghiệp thì các hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội vì cộng đồng có ý nghĩa như thế nào trong việc tạo nên tính nhân văn trong báo chí, thưa ông?

- Trên thực tế, các cơ quan báo chí Thủ đô đã và đang có rất nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa thể hiện nghĩa tình và sự nhân văn. Như An ninh Thủ đô là một ví dụ bởi đây là một trong những cơ quan báo chí rất “sáng” trong việc tổ chức các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, góp phần lan tỏa ngọn lửa nhân văn trong xã hội. Hình như các cơ quan báo chí của Hà Nội đều cảm thấy mình cần phải làm sao cho xứng với danh xưng, tên gọi gắn với Hà Nội, để tên gọi ấy thật sự đẹp về văn hóa, góp phần làm cho mảnh đất nghìn năm văn hiến trở thành nơi đáng sống. Khách quan mà nói, một thành phố dù có được xây dựng phồn vinh đến mấy mà thiếu vắng đi tình yêu thương con người thì đó vẫn chưa phải là nơi đáng sống. Tình yêu thương đó trước hết phải hướng đến những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, số phận éo le trong xã hội. Ngọn lửa nhân ái phải được lan tỏa đến những thân phận như vậy. Tôi nghĩ, báo chí Hà Nội đã làm tốt được điều đó.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội tham quan gian trưng bày của An ninh Thủ đô tại Hội báo Xuân năm 2023

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội tham quan gian trưng bày của An ninh Thủ đô tại Hội báo Xuân năm 2023

- Là một nhà báo gạo cội, từng có nhiều năm sao sát hoạt động của các cơ quan báo chí, ông có lời khuyên hay sự nhắn nhủ nào đến những cây viết trẻ hiện nay để giữ gìn được tính văn hóa, văn minh và nghĩa tình trong báo chí, thưa ông?

- Tôi nghĩ báo chí Thủ đô nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung đang phải chịu áp lực rất lớn trong thời đại truyền thông kỹ thuật số hiện nay. Trong đó áp lực nặng nề nhất chính là việc trả lời cho câu hỏi: “vai trò của báo chí sẽ ở đâu trong thời đại này?” khi mà người ta có thể truyền tin mà không cần đến báo chí, lan tỏa thông tin trên mạng xã hội còn nhanh hơn rất nhiều so với báo chí. Trong bối cảnh này, báo chí của chúng ta đang phải trải qua một cuộc chuyển mình mạnh mẽ và sâu sắc chưa từng có về phương thức, cách thức làm nghề nhưng lý tưởng, đạo đức, lương tâm của người làm báo thì không thể khác, vẫn phải theo phương châm: “Khách quan - Công tâm - Tôn trọng sự thật - Bảo vệ công lý và lẽ phải” bởi đây chính là sứ mệnh to lớn của báo chí, là cái hay và cái cao quý của báo chí. Văn hóa báo chí cô đọng, hun đúc lại trong sứ mệnh ấy.

Nói vậy để thấy báo chí không nhất thiết phải hối hả chạy đua để dứt khoát trở thành số 1 trong việc đưa tin vì xét về mặt tốc độ thì rõ ràng chúng ta khó có thể vượt trội mạng xã hội. Thay vào đó, báo chí nên khẳng định vai trò to lớn, không thể thay thế bằng trách nhiệm xã hội, sự tĩnh tâm trong nghề nghiệp và đạo đức trong sáng của người làm báo. Khi người làm báo thể hiện được điều đó thì sẽ có được những tác phẩm báo chí có độ tin cậy và sức thuyết phục cao. Đó chính là con đường sống của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng ở thời đại công nghệ số hiện nay, chất văn hóa và tính nhân văn của báo chí cũng ít nhiều bị tác động bởi một yếu tố rất quan trọng khác, đó là kinh tế báo chí. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Thực tế việc để cho các cơ quan báo chí phải quá hối thúc, vật lộn với vấn đề “cơm áo gạo tiền”, vấn đề thu - chi tài chính thì đôi khi đó cũng là nguyên do khiến cho báo chí khó có thể thực hiện được tốt sứ mệnh của mình, đảm bảo ngòi bút của người làm báo ngay thẳng và nhân văn. Dĩ nhiên đã hoạt động báo chí thì bản thân mỗi người đều phải có ý thức tu dưỡng, rèn luyện nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên bên cạnh đó, tôi cho rằng Nhà nước cũng cần có cơ chế quan tâm hơn nữa đến vấn đề kinh tế báo chí.

Nói vậy là bởi không thể xem một cơ quan báo chí như một doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận tính bằng giá trị vật chất được. Bởi lẽ lợi nhuận mà báo chí làm ra không phải là tiền bạc mà chính là giá trị thông tin đưa lại cho xã hội, góp phần giúp xã hội phát triển đúng đắn và đúng hướng, khích lệ cái tốt cái đẹp, đấu tranh chống lại cái xấu cái ác. Đó mới là giá trị lợi nhuận cao nhất của báo chí. Vì vậy, các cơ quan báo chí cũng cần được tạo điều kiện hơn nữa để hoạt động, cụ thể là các chính sách phù hợp về kinh tế báo chí. Việc này cần đề án tổng thể quy mô quốc gia về kinh tế báo chí, trong đó có vấn đề đặt hàng báo chí, cung cấp nguồn kinh phí cần thiết để báo chí thực hiện các nhiệm vụ chính trị và sứ mệnh của mình.

- Trân trọng cảm ơn nhà báo Hồ Quang Lợi.

Các cơ quan báo chí Thủ đô đã và đang có rất nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa thể hiện nghĩa tình và sự nhân văn. Như An ninh Thủ đô là một ví dụ bởi đây là một trong những cơ quan báo chí rất “sáng” trong việc tổ chức các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, góp phần lan tỏa ngọn lửa nhân văn trong xã hội. Hình như các cơ quan báo chí của Hà Nội đều cảm thấy mình cần phải làm sao cho xứng với danh xưng, tên gọi gắn với Hà Nội, để tên gọi ấy thật sự đẹp về văn hóa, góp phần làm cho mảnh đất nghìn năm văn hiến trở thành nơi đáng sống”.

Nhà báo Hồ Quang Lợi (Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giu-chat-van-hoa-van-minh-nghia-tinh-trong-bao-chi-thu-do-ha-noi-post543536.antd