Giữ chữ tín để chinh phục thị trường
Tiếng lành đồn xa, nhưng tiếng xấu cũng lan xa không kém. Chỉ có cách sản xuất chân chính, chuyên nghiệp, trọng chất lượng, giữ chữ tín mới tồn tại lâu dài.
9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vượt 4 tỷ USD. Bên cạnh niềm vui vì tăng trưởng ngoạn mục của mặt hàng rau quả, ngành nông nghiệp và nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp chân chính đang cảm thấy lo ngại khi nguy cơ đánh mất thị trường hiện hữu. Bởi chỉ trong 9 tháng qua, có khoảng 370 lô hàng rau quả của Việt Nam bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật.
Dù đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng sẽ mất gì nếu tình trạng cảnh báo cứ tiếp diễn? Có rất nhiều đáp án cho câu hỏi này nhưng suy cho cùng, cái mất đáng sợ nhất là niềm tin của thị trường nhập khẩu và uy tín của quốc gia.
Nhiều năm nay, Việt Nam liên tục giữ vị trí tốp đầu thế giới trong xuất khẩu các loại nông sản như gạo, trái cây, thủy sản... Cần biết rằng, để vào được các thị trường khó tính, chúng ta đã phải trải qua nhiều năm cố gắng. Sầu riêng muốn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Việt Nam phải mất 4 năm đàm phán và cần 6 năm để lô nhãn tươi từ Việt Nam đến Nhật Bản.
Còn để lô hàng thanh long tươi của Việt Nam sang được thị trường Australia, thời gian còn dài hơn thế nữa-mất 9 năm. Thế nhưng, bao nhiêu công sức ấy có thể bị xóa sổ chỉ trong thời gian ngắn hơn rất nhiều; cùng với đó, hình ảnh nông sản Việt Nam trong mắt khách hàng, bạn bè quốc tế ngày càng xấu đi chỉ vì tư duy ăn xổi của một nhóm người.
Các quốc gia nhập khẩu ngày càng có những yêu cầu cao về mặt chất lượng, với những rào cản ngày càng khắt khe. Các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đặt ra không phải để làm khó nông dân, mà đây là yêu cầu thực tế từ đối tác nhập khẩu, vừa để bảo vệ người tiêu dùng, vừa thúc đẩy chất lượng nông sản ngày càng hoàn thiện hơn khi tiến ra thế giới. Để vượt qua rào cản, các quốc gia cạnh tranh với nhau cũng bắt đầu từ việc nâng chất lượng sản phẩm. Việt Nam cũng có thể làm được điều đó, thậm chí tốt hơn.
Ai cũng có niềm tự hào khi nông sản nước mình được đi muôn nơi, mang theo câu chuyện kể về những người nông dân hồn hậu với cách làm nông nghiệp tử tế. Để phía sau các con số xuất khẩu hàng tỷ USD là niềm tự hào về những thị trường thật sự bền vững, việc hướng tới một nền sản xuất sạch ngày càng trở nên cấp bách.
Muốn thế, các ngành chức năng cần tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát, xử lý mạnh tay những trường hợp cố tình bỏ qua các khâu, bước của quy trình khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nuôi trồng theo kiểu tắc trách có hại cho môi trường, làm “bẩn” nông phẩm. Và hơn ai hết, chính doanh nghiệp, người nông dân phải nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác, chế biến để nông sản, thực phẩm làm ra thực sự bảo đảm chất lượng và an toàn.
Trong thế giới phẳng, nhất là hợp tác sản xuất, tiêu thụ, kinh doanh, buôn bán thì không thông tin nào có thể che giấu được, đặc biệt là những thông tin làm ăn gian dối, tiêu cực. Tiếng lành đồn xa, nhưng tiếng xấu cũng lan xa không kém. Chỉ có cách sản xuất chân chính, chuyên nghiệp, trọng chất lượng, giữ chữ tín mới tồn tại lâu dài.
THÚY AN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giu-chu-tin-de-chinh-phuc-thi-truong-746839