Giữ địa danh văn hóa, đặc thù đô thị

Các địa phương trong cả nước hiện đang tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện chủ trương, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về không tổ chức cấp huyện, xây dựng phương án thành lập các đơn vị hành chính cơ sở trên cơ sở sáp nhập các phường, xã, thị trấn hiện có. Vấn đề thách thức nảy sinh là các đô thị cấp thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố được xem là những đô thị lõi, trung tâm, 'đầu tàu' có địa danh, lịch sử lâu đời bị chia tách, sáp nhập, thậm chí bị xóa tên.

TP Đà Lạt về đêm. Ảnh: TTXVN

TP Đà Lạt về đêm. Ảnh: TTXVN

Như TP Đà Lạt (Lâm Đồng), theo phương án sau khi sắp xếp, sáp nhập sẽ chỉ còn một phường mang tên Đà Lạt, các phường còn lại sẽ phải mang tên khác. Điều này không chỉ tác động tới tâm tư, tình cảm của một bộ phận nhân dân mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề khác như du lịch, thương hiệu rau, hoa; hợp tác quốc tế... Cũng như Đà Lạt, nhiều địa danh đô thị khác trong cả nước đã định hình trên bản đồ thế giới về du lịch, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử cách mạng, trở thành những chỉ dẫn, sức hút, niềm tin như: Sa Pa, Nha Trang, Hội An, Phú Quốc...

Để tránh tình trạng “máy móc”, gây nguy cơ “đứt gãy” về văn hóa, lịch sử, ảnh hưởng tới sự phát triển tổng thể, hài hòa, bền vững của các đô thị, các địa phương khi xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập, đặt tên đơn vị hành chính mới cần đánh giá kỹ lưỡng, lấy ý kiến nhân dân, các nhà khoa học. Bởi địa danh hành chính không chỉ là vùng đất, địa giới mà còn là nguồn lực, sức mạnh mềm, hàm chứa giá trị truyền thống, không gian phát triển và cả "thương hiệu"... Đặt tên phù hợp sẽ giúp kế thừa truyền thống, thành tựu, khẳng định tính hiệu quả, đúng đắn của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tạo động lực, nguồn lực để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giu-dia-danh-van-hoa-dac-thu-do-thi-822194