Giữ điệu chèo trên quê lúa
Về Thái Bình lại nhớ câu ca dao: 'Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có xem chèo Khuốc với anh thì về'. Đã có thời kỳ nghệ thuật chèo Thái Bình đứng trước nhiều thách thức để bảo tồn. Giờ đây, nghe tiếng trống dồn và những giọng hát ngọt ngào, tha thiết từ các lớp dạy hát chèo trên miền quê lúa, lại tràn đầy hy vọng và niềm tin...
Về Thái Bình lại nhớ câu ca dao: “Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có xem chèo Khuốc với anh thì về”. Đã có thời kỳ nghệ thuật chèo Thái Bình đứng trước nhiều thách thức để bảo tồn. Giờ đây, nghe tiếng trống dồn và những giọng hát ngọt ngào, tha thiết từ các lớp dạy hát chèo trên miền quê lúa, lại tràn đầy hy vọng và niềm tin...
Nói tới Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình, không thể không nhắc Câu lạc bộ chèo. Cứ vào dịp hè, các lớp hát chèo lại sôi động hơn bao giờ hết. Nếu như nhiều năm trước, các nghệ sĩ phải tìm đến từng gia đình động viên cho các cháu đi học hát chèo thì một vài năm trở lại đây, nếu không linh hoạt thì trung tâm còn không đáp ứng kịp nhu cầu của phụ huynh và học sinh trên địa bàn tỉnh. Chứng kiến sự tận tụy trách nhiệm, kỳ công trong từng động tác mà các thầy, cô truyền dạy cùng nét hào hứng say mê của những học sinh mới sáu, bảy tuổi, sẽ nhận thấy nghệ thuật chèo truyền thống có sức cuốn hút đến mức nào. Những tiếng trống, mõ, nhị, đàn… lúc lên bổng xuống trầm, khi nỉ non dìu dặt đã khiến cả lớp học lặng im, chăm chú nghe thầy, cô giải thích về ý nghĩa từng tích chèo cổ, vẻ đẹp của quê hương, đất nước qua làn điệu truyền thống được cô đọng, lưu giữ qua bao đời. Những vở chèo cổ đặc sắc như Bài ca giữ nước, Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Đồng tiền Vạn Lịch, Từ Thức gặp tiên... được truyền dạy cho thế hệ trẻ một cách bài bản và không kém phần lôi cuốn, sinh động.
Nghệ sĩ Hằng Nga, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình, người đã có hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, chia sẻ: Rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh có học sinh học hát chèo. Nhiều năm qua các em đã tham gia, các kỳ liên hoan nghệ thuật, cuộc thi tài năng và giành giải cao. Tiêu biểu trong số đó có em Lê Quang Vinh, từng đoạt Giải nhất cuộc thi Tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình năm 2018. Cũng tại cuộc thi này, các thí sinh nhí như Hà My, Hải Ánh, Đình Tân đều đoạt Giải nhì với phần biểu diễn nghệ thuật chèo. Trong vai trò Ban giám khảo, NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam và nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long đã trầm trồ trước các tiết mục được dàn dựng công phu, thí sinh thể hiện tự tin, thăng hoa trên sân khấu. Vừa qua, tại Liên hoan “Giai điệu Sơn ca năm 2020 - Giai điệu Tuổi thần tiên” do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình đã đoạt một Huy chương vàng, một Huy chương bạc và Giải ba toàn đoàn nhờ các tiết mục mang đậm văn hóa truyền thống quê hương.
Vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp đứng lớp dạy học, nghệ sĩ Hằng Nga cho biết, điều khiến chị và các nghệ sĩ chèo của Thái Bình hạnh phúc nhất chính ở câu chuyện tiếp nối thế hệ để giữ cho làn điệu chèo mãi ngân nga trên quê lúa. Nhiều học sinh trưởng thành từ các lớp học như thế, nay vững vàng trong vai trò giảng viên của các trường văn hóa nghệ thuật, thành diễn viên chủ chốt trong các nhà hát chèo trên toàn quốc. Trong từng gia đình nghệ sĩ cũng có truyền thống “cha truyền con nối”. Gia đình NSƯT Đình Cương là một thí dụ. Anh là nghệ sĩ tiêu biểu của Nhà hát chèo tỉnh Thái Bình và Đình Tân, con trai anh, đã kế thừa đam mê với những nhịp phách, điệu đàn. Bây giờ, hai bố con Đình Cương - Đình Tân có thể cùng đứng chung trên sân khấu và chinh phục công chúng yêu chèo.
Ngoài đào tạo, biểu diễn, đưa học sinh đi thi... các lớp dạy chèo của tỉnh Thái Bình còn chú trọng phát hiện, ươm mầm tài năng và không ngừng cập nhật công nghệ để phục vụ công tác dạy và học. Tính đến nay, các lớp học đã ghi hình và phát sóng hơn 100 tác phẩm trên nền tảng làn điệu truyền thống và cả soạn lời mới. Thành quả ấy được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và tỉnh nhà. Quan sát các học trò của mình đang dần trưởng thành qua bộ môn nghệ thuật chèo, NSƯT Đình Cương chia sẻ, để chinh phục ước mơ còn cả chặng đường dài đòi hỏi sự khổ luyện, nhưng ở thời điểm hiện tại, anh tin rằng tình yêu với âm nhạc, với văn hóa dân gian sẽ giúp trẻ em sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa những tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, nhiều trường học của tỉnh đã triển khai dạy học sinh múa, hát trên nền giai điệu chèo vào đầu giờ học. Có những màn đồng diễn nổi tiếng cả nước như màn đồng diễn của hơn 500 học sinh Trường tiểu học An Vinh (huyện Quỳnh Phụ), hay tiết mục chèo của thầy, cô và học sinh Trường tiểu học Thụy Việt (huyện Thái Thụy). Em Nguyễn Hoàng Như Quỳnh, học sinh Trường tiểu học Thụy Việt chia sẻ: “Khi học hát chèo, cháu thấy rất khó, nhưng nhờ các thầy, cô hướng dẫn tận tình, kể nhiều câu chuyện thú vị nên cháu cảm thấy dễ gần và thích thú. Hằng ngày, chúng cháu thường nghe làn điệu hát chèo ở thôn, xã và cả ở trường. Điều đó trở nên quen thuộc như cơm ăn, nước uống. Múa và hát chèo giúp chúng cháu thêm gắn bó với truyền thống của quê hương, đoàn kết, sẻ chia trong học tập và dù đến trường hay ở nhà cũng đều là những ngày vui”.
Trong thời điểm toàn xã hội căng thẳng vì dịch Covid-19, xuất phát từ suy nghĩ về những làn điệu chèo gần gũi, dễ đi vào lòng người, có thể góp phần vào công tác tuyên truyền, lan tỏa những thông điệp đúng đắn, nghệ sĩ Hằng Nga đang tiếp tục cùng các học sinh tập luyện và ghi hình, thu âm chuỗi ca khúc chèo với nội dung chung tay chống dịch Covid-19. Để dự án đạt hiệu quả tốt nhất, chị quyết định chọn những học sinh tiêu biểu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, bởi đây là độ tuổi đã có nhận thức đầy đủ về những kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe và nhận thức sâu sắc về tác động của dịch Covid-19 đối với cuộc sống. Hàng loạt ca cảnh chèo, tiêu biểu là “Chống dịch như chống giặc” đều được tập luyện trong bối cảnh gấp rút và phần lớn thời gian các lớp học áp dụng trao đổi trực tuyến. Đáng mừng là dù không được thầy, cô trực tiếp dạy nhưng học sinh đều hào hứng, nhiệt huyết, tự sáng tạo cho mình cách thể hiện riêng để có thể truyền tải tốt nhất tình cảm và thông điệp tới khán giả. Trong các đoạn phim ngắn thể hiện bài hát chèo, học sinh tỉnh Thái Bình vừa là ca sĩ, vừa giữ vai trò đạo diễn, quay phim, kỹ thuật viên để mang tới cho khán giả những ấn tượng đẹp nhất trong khả năng của mình. Bối cảnh quay được sáng tạo trong chính ngôi nhà, góc sân, khu vườn hoặc cánh đồng lúa thân thuộc với các em. Nét mộc mạc, chân chất ấy đã mang đến niềm xúc động cho khán giả. Em Đậu Văn Hiếu, lớp 12A3, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Thái Bình) cho hay, khi hát những bài hát này, em cảm thấy chính bản thân mình như một tuyên truyền viên góp thành quả nhỏ bé vào công cuộc phòng, chống dịch. Là học sinh năm cuối cấp, cũng chịu áp lực vì việc học tập bị gián đoạn bởi dịch bệnh nhưng âm nhạc đã giúp Đậu Văn Hiếu cân bằng cảm xúc, được tiếp thêm động lực để ôn luyện, thi cử, chinh phục ước mơ.
Trên quê hương Thái Bình, tình yêu với những làn điệu chèo luôn hiện hữu mọi lúc, mọi nơi. Việc mở lớp dạy hát chèo thường xuyên ngày càng được các địa phương chú trọng. Nỗ lực ấy góp phần đánh thức niềm đam mê và không ngừng bồi đắp tâm hồn, năng khiếu cho thế hệ trẻ. Đây cũng chính là cơ sở để Thái Bình tự tin cung cấp những tài năng chèo cho cả nước. Có hơn 30 nghệ sĩ chèo từ các nhà hát, đoàn chèo chuyên nghiệp được phong danh hiệu NSND, NSƯT là người Thái Bình. Mảnh đất đặc trưng cho văn hóa Bắc Bộ với những làn điệu chèo tha thiết đang được bảo tồn và phát huy giá trị qua những phương cách mới, hoài bão mới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/vanhoa/giu-dieu-cheo-tren-que-lua-617294/