Giữ gìn bản sắc văn hóa Cơ Tu trước làn sóng đô thị hóa

Trong 28 thành phần dân tộc thiểu số tại Thành phố Đà Nẵng, đồng bào người Cơ Tu sinh sống trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện là tộc người còn giữ được bản sắc văn hóa riêng. Thế nhưng, một số giá trị văn hóa Cơ Tu đang dần 'tuột' khỏi tay của tộc người nơi đây, thách thức mạnh mẽ tới sự bảo tồn và phát huy văn hóa Cơ Tu của chính quyền, người dân Thành phố Đà Nẵng.

Văn hóa cồng chiêng trong lễ hội của người Cơ Tu. (Ảnh: Thanh Tân)

Văn hóa cồng chiêng trong lễ hội của người Cơ Tu. (Ảnh: Thanh Tân)

Thành phố Đà Nẵng hiện có 1.198 người dân tộc Cơ Tu sinh sống chủ yếu tại thôn Tà Lang-Giàn Bí (xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) thuộc huyện Hòa Vang. Nhờ hội nhập và phát triển, đời sống người Cơ Tu ngày càng ấm no và đủ đầy hơn. Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển đó, còn là nguy cơ phai mờ, biến dạng bản sắc dân tộc…

Sức ép của quá trình đô thị hóa

Theo đuổi văn hóa đồng bào Cơ Tu từ lâu, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho rằng, văn hóa người Cơ Tu hiện nay đang tiếp biến, tiếp nhận những yếu tố mới để làm giàu văn hóa của mình; loại bỏ dần những yếu tố không còn phù hợp. Theo ông, các tác nhân chủ yếu gây ra sự biến đổi văn hóa ở người Cơ Tu trên địa bàn huyện Hòa Vang là từ quá trình giao lưu hội nhập với văn hóa hiện đại qua các mặt như: chính sách định canh, định cư; chuyển đổi cơ cấu ngành nghề; phát triển giáo dục, thông tin đại chúng và cơ sở hạ tầng;...

Quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi đáng kể không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu trên địa bàn huyện Hòa Vang. Các nếp nhà sàn trước đây giờ đã là những nhà cấp 3, cấp 4 san sát trên các trục đường tỉnh. Biểu tượng văn hóa Nhà Gươl cũng bê-tông hóa một phần, tỉ lệ mái tranh và chiều cao sàn đã tạo nên một Gươl khác trước. Kiến trúc nhà mồ có thôn chẳng thấy. Sự thay đổi của làng cũng kéo theo sự thay đổi về tri thức và văn hóa bản địa nơi đây.

Vai trò già làng và hội đồng người lớn tuổi giảm dần. Họ không còn sống trong vòng tay mẹ rừng, cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng kế hoạch hóa tập trung, chủ yếu trồng cây keo, cây hương liệu theo nhu cầu thị trường. Do đó, hệ thống lễ hội và luật tục của người Cơ Tu cũng đã dần mất đi tính thiêng và ý nghĩa. Ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc, chia sẻ: “Trước đây mình đi rẫy, nhưng mà bây giờ không còn rẫy, mình đi làm keo mà nói lễ mừng lúa mới thì mừng cái chi. Ngày xưa mình sống quần cư đi phát rẫy, còn có tập tục biếu gạo mang tình cảm gắn kết giữa hai bên thông gia. Còn giờ mình định canh, định cư nơi mới, cho nên những cái đó giờ không còn, bản sắc vì thế mà cũng dần mai một”. Cũng theo ông, tại thôn Phú Túc hiện nay, nhiều cháu từ lớp 7 trở xuống gần như không nói được tiếng Cơ Tu.

 Đồng bào Cơ Tu biểu diễn vũ điệu Tung tung da dá trong ngày hội. (Ảnh: Thanh Tân)

Đồng bào Cơ Tu biểu diễn vũ điệu Tung tung da dá trong ngày hội. (Ảnh: Thanh Tân)

Cơ chế thị trường cũng đã tác động không nhỏ đến việc bảo tồn nghề truyền thống của người Cơ Tu. Dù đã nỗ lực khôi phục nghề dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc gỗ và nấu rượu cần, nhưng nhìn chung vẫn luôn đối diện với nguy cơ thất truyền. Tính đến nay, huyện Hòa Vang có hơn 20 chị em đồng bào Cơ Tu tham gia dệt thổ cẩm phải chịu giá đầu vào cao, trong khi đầu ra sản phẩm chưa có, mẫu mã và số lượng thổ cẩm dệt ra còn hạn chế. Ông Nghĩa chia sẻ: “12 hộ làm nghề dệt thổ cẩm tại thôn Phú Túc đến nay gần như không tồn tại được. Tôi làm nghề rượu cần cũng theo không kịp thị trường, giá cả nhiều lúc không dám tăng, trong khi sắn, nếp và gốm thì tăng giá”. Tại thôn Tà Lang, nghề đan lát và điêu khắc gỗ thì lại thiếu người nối truyền. Theo lời nghệ nhân ALăng Mỹ, 66 tuổi ngụ thôn Tà Lang, một số kiểu gùi giờ chỉ còn mỗi ông có thể đan. Lớp thanh niên chỉ còn biết đan những kiểu gùi mới, vì đi làm không có thời gian học dát mây. “Làng giờ thay đổi kiểu mới rồi, kiểu cũ sau này sẽ mất. Bọn tui ra đi hết là tuổi trẻ không biết cái chi”, ông Mỹ bày tỏ.

Ông Đỗ Thanh Tân chia sẻ: “Trước đây, đến với người đồng bào Cơ Tu, chúng tôi có cảm giác như đến với đại ngàn Tây Nguyên, thì nay cảm giác đó đã không còn, thay vào đó là cảm giác bị mất mát, bởi sự thay đổi đã diễn ra quá nhanh mà không có một điều gì khả dĩ kiềm giữ được, ít nhất là những cái tạo nên bản sắc của họ. Đành rằng hội nhập là để phát triển và văn hóa nào ưu việt hơn sẽ lấn át một cách tự nhiên trong sân chơi hội nhập”.

Huy động nguồn lực để bảo tồn văn hóa

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho biết, giai đoạn 2005-2015, công tác bảo tồn văn hóa đồng bào Cơ Tu thường gặp khó khăn về kinh phí, nhưng từ năm 2016 đến nay, vấn đề kinh phí đã được tháo gỡ.

Rượu cần là một nét văn hóa đặc trưng trong ẩm thực của đồng bào Cơ Tu còn được lưu giữ đến nay. (Ảnh: Thanh Tân)

Rượu cần là một nét văn hóa đặc trưng trong ẩm thực của đồng bào Cơ Tu còn được lưu giữ đến nay. (Ảnh: Thanh Tân)

Trong những năm qua, các chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển văn hóa Cơ Tu trên địa bàn huyện Hòa Vang rất được quan tâm bởi các cấp, ngành địa phương. Theo đó, Kế hoạch số 4271/KH-UBND ngày 8/6/2015 của UBND TP. Đà Nẵng về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Cơ Tu trên địa bàn đến năm 2020 đã cấp vốn 11,5 tỷ đồng để triển khai các hoạt động dạy nghề, giao lưu văn hóa với các nghệ nhân Cơ Tu huyện Đông Giang (Quảng Nam); hỗ trợ trang phục truyền thống cho học sinh Cơ Tu; mở rộng diện tích, nâng cấp, tôn tạo các nhà Gươl theo hướng đảm bảo kiến trúc truyền thống, thuận tiện trong việc sinh hoạt của đồng bào… Đồng thời, Thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành các đề án, dự án phát triển du lịch cộng đồng; phối hợp với Điều phối viên quốc gia Chương trình SGP-GEF xây dựng chương trình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Cơ Tu tại xã Hòa Bắc; góp phần tạo động lực cho các hộ dân người Cơ Tu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của mình.

Bên cạnh những mặt đạt được, thành phố cũng nhìn nhận nguy cơ thất truyền, mai một của các loại hình di sản văn hóa, phong tục, lễ hội trước áp lực của sự phát triển, hội nhập đang là thách thức lớn. Xác định già làng và những nghệ nhân là chủ thể trong công tác bảo tồn văn hóa Cơ Tu, ông Đỗ Thanh Tân cho rằng: “Trong những năm qua, việc bảo tồn văn hóa cộng đồng người Cơ Tu của huyện Hòa Vang nhờ vào những người này là chính. Đây là những người trực tiếp trao truyền văn hóa cho thế hệ sau trong chương trình bảo tồn văn hóa. Việc tư liệu hóa di sản văn hóa người Cơ Tu để lưu giữ cũng được huyện và các cơ quan nghiên cứu lấy thông tin từ già làng và những người nắm giữ nhiều di sản”.

Trong năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng tiếp tục ban hành đề án “Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030” với số vốn 33,329 tỷ đồng; đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và 15 giải pháp thực hiện; hướng tới mục tiêu 100% thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả, 100% nghệ nhân là đồng bào Cơ Tu được hỗ trợ trong việc trao truyền, đào tạo những người kế cận…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giu-gin-ban-sac-van-hoa-co-tu-truoc-lan-song-do-thi-hoa-post777187.html