Giữ gìn bản sắc văn hóa Khmer trong trường học
Những năm gần đây, công tác chăm lo cho giáo dụcở các địa phương rất được quan tâm, đặc biệt là đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer. Ngoài việc trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang thì công tác gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa Khmer được duy trì và phát huy, nhất là với đối tượng học sinh vùng dân tộc.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn luôn quan tâm đến việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho các em học sinh
Là ngôi trường gắn liền với bao thế hệ học sinh DTTS Khmer, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn (Tri Tôn) luôn quan tâm việc giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống cho các em. Đặc biệt là những chuyến thực tế tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ở các chùa, làng nghề… của bà con Khmer ngay tại địa phương. Ngay từ đầu năm học, nhà trường luôn chú trọng và đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm kết hợp các hoạt động sinh hoạt tập thể, hát múa cộng đồng. Qua đó, vừa củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng sinh hoạt tập thể cho học sinh, vừa gìn giữ văn hóa truyền thống.
Thông qua những kiến thức thu nhặt được, nhà trường sẽ lồng ghép các bài học về văn hóa, giáo dục cho các em lòng yêu nước cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những năm học trước, nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham quan chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, Tri Tôn) - nơi có bảo tàng nông cụ, lưu giữ gần như toàn bộ các nông cụ sản xuất ngày xưa của bà con nông dân vùng Bảy Núi. Hay mời những nghệ nhân làng nghề gốm Phnôm Pi (xã Châu Lăng, Tri Tôn) về trường để biểu diễn các giai đoạn để hoàn thiện 1 sản phẩm cà ràng, nồi đất... cho các em học sinh quan sát và trực tiếp trải nghiệm... “Trong chuyến đi tham quan tại chùa, các em học sinh được nghe giải thích về nhạc cụ ngũ âm, tham quan các nông cụ sản xuất từ thời xa xưa… Qua đó, giúp các em học sinh của trường có được sự hứng thú từ những trải nghiệm thực tế, thêm yêu thích và giữ gìn những nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình” - thầy Chau Mo Ni Sóc Kha, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn thông tin.
Đã từ nhiều năm trước, thầy Chau Mo Ni Sóc Kha còn cho gắn hẳn 1 bảng chào theo tục lệ DTTS Khmer tại sân trường. Theo đó, trên bảng chào có hình ảnh minh họa một vài cách chào đối với bạn bè, người đồng trang lứa; cách chào với người lớn tuổi, có chức vụ; cách chào đối với các sư sãi... Theo thầy Chau Mo Ni Sóc Kha, chào hỏi thể hiện phép lịch sự, đầy tính nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc. Việc giao tiếp, thăm hỏi mang ý nghĩa sâu sắc về văn hóa tinh thần, vừa biểu thị tình cảm trân trọng, vừa tạo hiệu ứng tâm lý ngay lúc khởi đầu buổi trò chuyện, tiếp xúc, do đó cần biết cách chào hỏi khi tiếp xúc với cộng đồng cũng như các bậc sư sãi, các cụ cao niên... “Người Khmer thường có thói quen chắp tay trước mặt để chào quý khách. Nếu chúng ta cứ nghĩ chào là chắp 2 tay ra trước mặt, thì đó là cử chỉ quá đơn giản mà ai ai cũng có thể làm được. Thật ra, người Khmer có nhiều cách chào hỏi, mỗi cách chào đều ẩn chứa thái độ thành kính của người chào với người được chào”- thầy Chau Mo Ni Sóc Kha giải thích.
Thời gian qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn còn thực hiện quy định trang bị trang phục truyền thống của dân tộc cho các em học sinh nam và nữ vào ngày thứ 2, thứ 6 mỗi tuần. Bên cạnh đó, điệu múa truyền thống của dân tộc cũng được nhà trường đưa vào thay cho các buổi tập thể dục vào một số ngày trong tuần. Cuối năm 2019, trường còn mời hòa thượng Chau Sơn Hy, sãi cả chùa Sà Lôn đến giảng về công ơn cha mẹ cho các em học sinh.
“Thông qua các hoạt động đã thực hiện đã đem lại nhiều kết quả rất phấn khởi. Chẳng hạn, các em biết thời điểm lễ, biết tôn trọng người già, sư sãi và lễ phép thầy cô. Đặc biệt, khi mặc trên người trang phục của dân tộc mình, các em biết yêu quý và rất tự nhiên. Còn khi múa các điệu múa dân tộc thì rất đẹp, đúng điệu, mềm mại, chứ không múa như phô diễn sức mạnh” - thầy Chau Mo Ni Sóc Kha chia sẻ.