Giữ gìn, bảo hộ thương hiệu 'vựa dược liệu' Nghĩa Trai

Nằm cạnh quốc lộ 5, thôn Nghĩa Trai thuộc xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên được biết đến như xứ sở dược liệu của cả nước.

Đặt chân vào ngôi làng này, ai nấy đều có cảm giác khoan khoái dễ chịu với mùi hương đặc trưng của các loại hoa và cây cỏ. Dược liệu Nghĩa Trai đang được chính quyền và người dân nỗ lực giữ gìn và bảo hộ thương hiệu. Làng nghề dược liệu Nghĩa Trai hình thành cách đây hàng trăm năm và là một trong những nơi trồng, chế biến dược liệu lớn nhất cả nước. Nơi đây, từ mảnh đất đầu làng, đất ruộng đến những khoảng đất nhỏ bé ven đường, đâu đâu cũng thấy cây dược liệu mọc lên xanh tốt.

Dược liệu Nghĩa Trai đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN

Dược liệu Nghĩa Trai đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN

Để gìn giữ và phát triển làng nghề, tỉnh Hưng Yên đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Âu Mỹ thực hiện dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Dược liệu Nghĩa Trai dùng cho các sản phẩm dược liệu của huyện Văn Lâm.

Đến nay, về cơ bản mục tiêu của dự án trên đã được thực hiện và Dược liệu Nghĩa Trai đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận số 444863. Theo đó, 1 hợp tác xã và 19 hộ sản xuất kinh doanh tại làng nghề này vừa được trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể đợt đầu tiên.

Ông Bùi Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang, huyện Văn Lâm cho biết, đây là vinh dự to lớn, là bước khởi đầu quan trọng của cây dược liệu Nghĩa Trai để khẳng định vị thế, hình ảnh, giá trị của mình trên thị trường trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Đồng thời, đáp ứng lòng mong đợi, sự kỳ vọng của các hộ dân trồng và chế biến dược liệu.

"Nhãn hiệu tập thể Dược liệu Nghĩa Trai cũng sẽ là cơ sở, công cụ pháp lý hữu hiệu để bà con trồng, chế biến dược liệu sử dụng, khai thác và bảo vệ giá trị sản phẩm của mình", Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang khẳng định.

Bà Nguyễn Thanh Thúy, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Quang cho biết, làng dược liệu Nghĩa Trai đang trở thành "vựa dược liệu" phong phú với những loại bình dân như tía tô, kinh giới đến nhiều loại thuốc quý như trà hoa cúc, kim tiền thảo. Toàn xã Tân Quang hiện trồng gần 20ha cây dược liệu chủ yếu tại thôn Nghĩa Trai với khoảng 80% số hộ trong thôn tham gia. Khoảng 70% diện tích dược liệu của thôn Nghĩa Trai dành để trồng cúc chi.

Ngoài cúc chi, làng dược liệu Nghĩa Trai còn trồng nhiều loại như hoắc hương, khổ sâm, mần trầu, tía tô, kinh giới... Mỗi loại đều là một dược liệu quý, được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc nam. Với ưu thế là "vựa dược liệu", người dân thôn Nghĩa Trai còn cung cấp phần lớn nguyên liệu cho ngành đông y ở Hà Nội cũng như khắp các tỉnh trong cả nước.

Ông Nguyễn Thế Viễn, chủ hộ sản xuất dược liệu tại thôn Nghĩa Trai chia sẻ: "Tôi rất phấn khởi khi là một trong những hộ đầu tiên được trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Dược liệu Nghĩa Trai. Chúng tôi sẽ mang tâm huyết của những người làm nghề đông dược, phát huy truyền thống quý báu của làng nghề để sản xuất, chế biến ra những sản phẩm từ dược liệu chất lượng cao, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng".

Hoa cúc được sử dụng trực tiếp như trà hoa cúc bởi có tính hàn, thanh mát và hương thơm dễ chịu. Hoa cúc cũng là loại thảo dược quý có thể chữa được nhiều bệnh như thanh nhiệt, hạ hỏa, giải độc, bổ não... Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Hoa cúc được sử dụng trực tiếp như trà hoa cúc bởi có tính hàn, thanh mát và hương thơm dễ chịu. Hoa cúc cũng là loại thảo dược quý có thể chữa được nhiều bệnh như thanh nhiệt, hạ hỏa, giải độc, bổ não... Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Thế Viễn cũng cho biết, người dân thôn Nghĩa Trai gắn bó với cây thuốc từ đời này sang đời khác, đó là nghề truyền thống của cha ông cần phải được gìn giữ, cây dược liệu thực sự trở thành tâm huyết của người nông dân. Đó cũng là niềm tự hào của người dân nơi đây, đã ăn sâu vào trong tiềm thức, ai cũng mong muốn bám lấy nghề cổ vừa phát triển kinh tế, vừa chữa bệnh cứu người.

Bà Đỗ Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Thiên Phú cũng khẳng định, với việc được cấp nhãn hiệu tập thể, người trồng và chế biến dược liệu hy vọng sản phẩm sẽ được người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ nhiều hơn. Từ đây, người trồng và chế biến dược liệu càng phải giữ gìn, bảo vệ thương hiệu bằng cách ngày một nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Theo người dân nơi đây, việc chế biến dược liệu đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ thuật, chất lượng dược liệu mới bảo đảm. Sau khi thu hoạch, dược liêu đều được sơ chế sạch sẽ, thái nhỏ rồi phơi khô dưới nắng tự nhiên hoặc sấy trên lò. Bên cạnh đó, do hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên cây dược liệu nơi đây phát triển và kháng sâu bệnh rất tốt và không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.

Cũng theo tính toán của nhiều người làng Nghĩa Trai, trồng dược liệu có giá trị cao hơn trồng lúa. Bởi dược liệu Nghĩa Trai luôn được giá, đặc biệt là cây cúc chi. Sản phẩm dược liệu Nghĩa Trai được xuất bán khắp cả nước. Chính vì thế, nhiều hộ dân ở đây đã ăn lên làm ra nhờ nghề trồng cây dược liệu. Mỗi năm người dân ở thôn Nghĩa Trai chế biến và buôn bán hàng nghìn tấn dược liệu. Trung bình 1 sào trồng dược liệu có thể cho thu lãi thấp nhất là 10 triệu đồng/năm, thậm chí lên đến 30 - 40 triệu đồng/năm.

Ông Bùi Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang cũng cho hay, với lợi thế thổ nhưỡng, người trồng và chế biến dược liệu có kinh nghiệm, kiến thức nên những năm gần đây mặc dù đất trồng ngày một bị thu hẹp nhưng người dân vẫn tận dụng tối đa diện tích để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, người dân thôn Nghĩa Trai còn đầu tư thuê đất tại xã Lương Tài (huyện Văn Lâm) để phát triển trồng cây dược liệu và thu mua về chế biến./.

Đỗ Huyền/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giu-gin-bao-ho-thuong-hieu-vua-duoc-lieu-nghia-trai/289646.html