Giữ gìn hạnh phúc gia đình

Cuộc sống hiện đại đang giúp cho nhiều gia đình tiếp cận những tiện ích mới. Tuy vậy, những áp lực hằng ngày cũng dễ khiến gia đình tan vỡ hạnh phúc. Gìn giữ và vun đắp cho tổ ấm, nhất là đối với gia đình trẻ đặt ra nhiều suy ngẫm cho mỗi chúng ta.

Gia đình chị Thái Thị Thu Hiền trong một dịp đi chơi công viên.

Gia đình chị Thái Thị Thu Hiền trong một dịp đi chơi công viên.

Cuộc sống hiện đại đang giúp cho nhiều gia đình tiếp cận những tiện ích mới. Tuy vậy, những áp lực hằng ngày cũng dễ khiến gia đình tan vỡ hạnh phúc. Gìn giữ và vun đắp cho tổ ấm, nhất là đối với gia đình trẻ đặt ra nhiều suy ngẫm cho mỗi chúng ta.

Tất cả 11 thành viên thuộc ba thế hệ sống cùng nhau trong một mái nhà hàng chục năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Châu, ngụ phường 4, quận Tân Bình giữ được niềm hạnh phúc trọn vẹn. Theo ông Châu, để giữ được truyền thống này, gia đình phải cân bằng được nhiều yếu tố như: sự mẫu mực của cha mẹ trong cuộc sống, tạo điều kiện tối đa cho con cháu được học tập, vui chơi, xây dựng nếp nhà có những nguyên tắc riêng nhưng cởi mở, thấu hiểu,… Nhìn hình ảnh ông bà, con cháu quây quần bên bữa cơm tối của gia đình ông Châu, nhiều gia đình khác không khỏi mong ước.

Vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp 15 năm nay, anh Hà Minh Tuấn, ngụ quận 2 lấy vợ cách đây 10 năm. Bên mái ấm cùng vợ và hai con, anh Tuấn dù tất bật với chuyện cơm áo gạo tiền nhưng vẫn đặt hạnh phúc của gia đình là chuyện quan trọng nhất trong cuộc sống. Anh Tuấn cho biết: Cuộc sống hiện đại ngày nay không thể không duy trì các mối quan hệ bên ngoài, nhưng với gia đình, phải luôn dành một vị trí, thời gian nhất định thì mọi chuyện sẽ được sắp xếp ổn thỏa. Nếu ngoài xã hội mình có mối quan hệ tốt nhưng trong gia đình lục đục, không êm ấm thì đó là một thất bại. Chị Thái Thị Thu Hiền, ngụ quận 9 cũng luôn nỗ lực vun vén cho hạnh phúc của gia đình mình trong hoàn cảnh một mình chăm sóc cho ông bà và hai con nhỏ khi chồng thường xuyên xa nhà do đặc thù công việc. Chị Hiền tâm sự: "Nhiều khi cũng thấy chạnh lòng vì nhà vắng bóng người chồng nhưng để ngọn lửa hạnh phúc luôn thắp sáng, bản thân phải luôn cố gắng. Ðiều đó sẽ giúp chồng yên tâm công tác cũng như các con được học tập, vui chơi mỗi ngày".

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: Những yếu tố tác động đến hành vi vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên ở TP Hồ Chí Minh có yếu tố tác động từ yếu tố gia đình bất ổn. Khảo sát nêu rõ, có 15,1% số trẻ có bố mẹ ly hôn/ly thân; 19,8% mất bố hoặc mất mẹ; 5,7% mất cả bố lẫn mẹ; tệ nạn xã hội tiến công vào nhiều gia đình, trong đó không ít gia đình có ít nhất một người thân từng vi phạm pháp luật. Một thống kê khác cũng cho thấy, gia đình tại TP Hồ Chí Minh hiện nay chủ yếu sống hai thế hệ, cha mẹ và con cái, gia đình ba thế hệ chiếm tỷ lệ ít hơn. Tốc độ tăng dân số chậm đi, mỗi gia đình có xu hướng chỉ sinh dưới hai con cho nên quy mô hộ gia đình cũng ngày càng nhỏ. Ðiều này khiến TP Hồ Chí Minh là một trong 17 tỉnh, thành phố trong cả nước có mức sinh con rất thấp. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, tại Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, cứ ba cặp vợ chồng kết hôn thì có một cặp gặp trục trặc về gia đình, nghiêm trọng nhất là ly hôn. Bên cạnh đó là vấn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em, tội phạm vị thành niên, thanh, thiếu niên vướng vào tội phạm và tệ nạn xã hội; một bộ phận người trẻ biểu hiện lối sống ích kỷ;… Thực tế này cho thấy, vai trò của gia đình rất lớn.

Thấy được vai trò quan trọng của gia đình, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Ðây là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Tại TP Hồ Chí Minh, một đô thị lớn của cả nước, hạnh phúc gia đình là vấn đề rất được thành phố, các sở, ngành, đơn vị quan tâm. Hằng năm, trong dịp Ngày Gia đình Việt Nam, các đơn vị đều tổ chức các hoạt động nhằm vun đắp cho hạnh phúc của mỗi gia đình. Ðến nay, các đơn vị đã sẵn sàng kế hoạch cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam; các hoạt động kêu gọi tăng thêm thời gian quan tâm, chăm chút cho gia đình, người thân, lắng nghe nhau, hỏi thăm công việc, sức khỏe của nhau sau mỗi cuối ngày làm việc, học tập. Trong một bài phát biểu về chủ đề xây dựng thành phố thông minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến yếu tố hạnh phúc gia đình trong quá trình xây dựng thành phố hướng đến một đô thị thông minh trong tương lai. Ðồng chí cho rằng: Cần phải lấy con người là trung tâm. Phải xây dựng đô thị vì con người, vì sự phát triển của đất nước. Muốn có đô thị thông minh, phải xây dựng được những gia đình hạnh phúc. Ðể thành phố, đất nước phát triển bền vững thì tỷ lệ sinh bình quân là hai con/phụ nữ (tỷ suất sinh thay thế). Vì xây dựng đô thị thông minh không chỉ vì con người mà còn vì gia đình. Do đó, mỗi gia đình phải có đủ hai con và bảo đảm được hạnh phúc thì thành phố thông minh mới phát triển lâu dài được.

Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố nên triển khai mạnh mẽ hơn nữa vai trò của hệ thống chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội nhằm tạo điều kiện cho các gia đình được tiếp cận tốt hơn với kiến thức pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi xã hội. Ủy viên Hội đồng tư vấn các vấn đề về xã hội của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Châu cho rằng, thành phố cần thí điểm xây dựng gia đình hạnh phúc ngay từ cơ sở thông qua sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Theo đó, tổ công tác Mặt trận ở cơ sở là một trong những đầu mối luôn gắn bó các hộ gia đình ở khu dân cư có thể trực tiếp xuống cơ sở tiếp dân, lắng nghe ý kiến, cũng như hiến kế của từng hộ gia đình.

Bài và ảnh: QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44988702-giu-gin-hanh-phuc-gia-dinh.html