Giữ gìn nét đẹp của lễ hội

Hà Nội - điểm sáng du lịch Việt Nam

(HNM) - Qua đợt khảo sát chuyên đề vừa qua về công tác tổ chức, quản lý lễ hội Xuân Canh Tý năm 2020, HĐND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt công tác quản lý và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có). Từ đó, bảo đảm các lễ hội trên địa bàn thành phố diễn ra an toàn, văn minh, tiết kiệm, giữ gìn được những nét đẹp truyền thống.

Năm 2020, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương sẽ bố trí 4.000 đò để phục vụ du khách hành hương. Ảnh: Sơn Hà

Phát huy ưu điểm

Qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 1.200 lễ hội diễn ra chủ yếu vào đầu xuân. Trong đó, có các lễ hội quy mô lớn, kéo dài như: Gò Đống Đa, đền Cổ Loa, đền Hai Bà Trưng, chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, hầu hết lễ hội trên địa bàn thành phố diễn ra vui tươi, lành mạnh, bảo đảm đúng quy định. Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi đậm chất dân gian như hát quan họ, hát chèo, đấu vật, đánh đu, thổi cơm thi, múa sư tử, kéo co… Các nét đẹp truyền thống của cha ông truyền lại cũng được phát huy, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng.

Theo bà Bùi Thị Thu Hiền, để mùa lễ hội năm 2020 diễn ra an toàn, văn minh thì ngoài việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ở các lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã mở đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin, chấn chỉnh hiện tượng ép giá khách đi đò ở chùa Hương (huyện Mỹ Đức), tình trạng bán hàng quán lấn chiếm, ảnh hưởng đến giao thông ở chùa Đậu (huyện Thường Tín)…

Ông Đỗ Văn Hưng (phường Quang Trung, quận Đống Đa) chia sẻ, cứ vào mùng 5 tháng Giêng âm lịch hằng năm lại diễn ra lễ hội Gò Đống Đa - sự kiện gắn với chiến thắng của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ trước quân xâm lược nhà Thanh. Trước đây, những ngày diễn ra lễ hội, loa đài tại sự kiện mở quá to, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân quanh khu vực. Dịp lễ hội năm 2019, việc này đã giảm và mong rằng Xuân Canh Tý, Ban Tổ chức lễ hội tiếp tục duy trì, mở loa đài ở mức vừa đủ trong khuôn viên lễ hội.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mỹ Đức Hoàng Mạnh Tấn cho biết, công tác quản lý lễ hội chùa Hương năm 2019 đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng tranh giành, cướp lộc đã được siết chặt; hiện tượng bói toán, trộm cắp, cờ bạc giảm mạnh. Năm 2020, Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương tiếp tục thực hiện chủ đề “Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch”, đồng thời bố trí 4.000 đò để sẵn sàng phục vụ người dân hành hương, kiểm soát tình trạng chủ đò chèo kéo, “chặt chém” du khách.

Siết chặt quản lý

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Quang Thắng cho biết, qua khảo sát chuyên đề về công tác tổ chức, quản lý lễ hội Xuân Canh Tý năm 2020 có thể thấy, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là, ở một số lễ hội vẫn tồn tại các dịch vụ hàng quán bày bán đan xen trong khu di tích, gây mất mỹ quan và làm ùn tắc giao thông. Nhiều lễ hội chưa bố trí đủ thùng chứa rác, thiếu nhà vệ sinh công cộng; hiện tượng người đi xe máy mời chào, chèo kéo, chặn xe ô tô để đón khách du lịch, vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hiện tượng tự nâng giá trông giữ phương tiện giao thông cao hơn quy định vẫn xảy ra…

Đáng lưu ý, tại chùa Hương, còn tình trạng hàng quán lấn chiếm lối đi và dùng loa phóng thanh quá lớn. Tại đền Đức Thánh Cả (huyện Ứng Hòa), còn hiện tượng thắp hương trong nội tự di tích, gây ảnh hưởng đến đồ thờ tự và tự ý đặt 13 bia ghi công đức phía bờ sông trong khuôn viên di tích.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết, để khắc phục những tồn tại trên, trong lễ hội Xuân Canh Tý 2020, UBND huyện Mỹ Đức sẽ tăng cường quản lý, chấn chỉnh xử lý nghiêm vi phạm. Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo Ban Tổ chức lễ hội họp với các hộ kinh doanh, đề nghị niêm yết công khai giá bán các mặt hàng; tập huấn về an toàn thực phẩm; nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan, dịch vụ đổi tiền mệnh giá nhỏ để trục lợi…

Là huyện có gần 60 lễ hội, trong đó lễ hội đền Hai Bà Trưng có quy mô lớn, nên công tác quản lý của huyện Mê Linh cũng được chú trọng, chuẩn bị ngay từ đầu năm 2020. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, UBND huyện sẽ tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị địa điểm bố trí hàng quán, nơi trông giữ xe, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ngăn chặn các hoạt động mê tín, dị đoan...

Để các lễ hội Xuân năm 2020 diễn ra trang trọng, an toàn, văn minh, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy đầy đủ các nét đẹp truyền thống, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình đề nghị các địa phương cần chủ động tuyên truyền, thực hiện nghiêm quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Ngoài việc tăng cường kiểm tra công tác chỉ đạo tổ chức triển khai hoạt động lễ hội, mở đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về công tác lễ hội, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội. Tại các di tích, cần bố trí lực lượng hướng dẫn nhân dân và du khách tham quan thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự và lễ hội.

“Đối với các lễ hội lớn quy mô cấp vùng, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh những tồn tại như việc chèo kéo khách, đổi tiền lẻ, đốt vàng mã, khấn thuê, hàng quán lấn chiếm lối vào di tích, nâng giá trông giữ phương tiện…”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/956084/giu-gin-net-dep-cua-le-hoi