Giữ gìn nét đẹp văn hóa trong trang phục áo bà ba
Chiều tối 29.9, tỉnh Hậu Giang tổ chức chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023 với chủ đề 'Nụ cười Hậu Giang'.
Tham dự chương trình có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Phó chủ tịch nước...
Phát biểu khai mạc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh cho biết Festival Áo bà ba - Hậu Giang năm 2023 tại thành phố Vị Thanh là một trong các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang.
Festival Áo bà ba - Hậu Giang năm nay sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa như: Khu ẩm thực của các nghệ nhân chế biến các món ăn từ khóm Cầu Đúc và cá thác lác Hậu Giang với tên gọi Hương Vị Thanh; cuộc thi vẽ tranh bằng công nghệ AI dành cho học sinh bậc tiểu học và THCS với chủ đề: Hậu Giang của em; giao lưu văn hóa “Áo bà ba xưa và nay - Những cung bậc cảm xúc”; giao lưu trổ tài biểu diễn chế biến cá thác lác và lươn của đầu bếp nổi tiếng người Nhật Bản; triển lãm tranh với chủ đề: Chiếc áo bà ba xưa và nay; trình diễn áo bà ba trên sông...
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, các hoạt động tại Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023 góp phần bảo tồn những nét đẹp truyền thống và phát huy giá trị của chiếc áo bà ba trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Du khách gần xa sẽ có cơ hội hiểu thêm về đất và người Hậu Giang thông qua những chiếc áo bà ba - biểu tượng giá trị truyền thống quý báu và văn hóa đặc sắc của vùng sông nước miền Tây.
Trước đó vào sáng 29.9, tỉnh Hậu Giang cũng đã khai mạc triển lãm hơn 100 bức ảnh về áo bà ba xưa và nay tại công viên bờ kè Xà No, TP.Vị Thanh. Chương trình do UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Công ty TNHH VietMODE TP.HCM tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023.
Những mẫu áo bà ba qua nhiều thời kỳ lịch sử giúp người xem hiểu và thêm yêu quý nét đẹp truyền thống này. Chiếc áo bà ba mộc mạc vẫn luôn được gìn giữ để gắn kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, cần được gìn giữ, phát huy như một di sản văn hóa. Vẻ đẹp đó được xem là hồn cốt, bản sắc của một nền văn hóa Nam Bộ để tạo ra sức mạnh cho sự phát triển văn hóa - xã hội và kinh tế.