Giữ gìn, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới

'Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ được nhân dân trao tặng là một danh hiệu cao quý, giàu ý nghĩa nhân văn. Danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là sự kế thừa, kết tinh những giá trị đạo đức, văn hóa tiêu biểu của con người Việt Nam; đồng thời là một giá trị văn hóa quân sự đặc sắc trong thời đại Hồ Chí Minh' - Đại tá Lê Ngọc Long - Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân khẳng định tại tọa đàm 'Giữ gìn, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc' diễn ra vào ngày 8/10, tại Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2, do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Sư đoàn 316 tổ chức.

Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).

 Trước khi diễn ra tọa đàm, lãnh đạo Báo Quân đội nhân dân đã trao quà lưu niệm tặng Sư đoàn 316 và Trung đoàn 98; nhận món quà lưu niệm của Sư đoàn 316. Ảnh: Trọng Hải

Trước khi diễn ra tọa đàm, lãnh đạo Báo Quân đội nhân dân đã trao quà lưu niệm tặng Sư đoàn 316 và Trung đoàn 98; nhận món quà lưu niệm của Sư đoàn 316. Ảnh: Trọng Hải

Phát biểu báo cáo đề dẫn, Đại tá Nguyễn Trung Đắc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 316 nhấn mạnh, Bộ đội Cụ Hồ là tên gọi thân thương, trìu mến mà nhân dân đã trao tặng cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ đội Cụ Hồ đã hội tụ những phẩm chất đạo đức, văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam thời đại mới. Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở khách quan để khẳng định danh xưng- danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một nét văn hóa quân sự đặc trưng, tiêu biểu đã góp phần làm giàu những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam trong 8 thập kỷ qua, xứng đáng được đề nghị là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), từ đầu tháng 7-2024 đến nay, Báo Quân đội nhân dân đã mở chuyên mục Diễn đàn “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ- Xứng đáng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Diễn đàn đã thu hút, đăng tải hàng chục bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, tướng lĩnh, văn nghệ sĩ uy tín về nguồn gốc ra đời, ý nghĩa, giá trị của danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, qua đó góp phần giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, phong phú hơn về những truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam và những đặc trưng tiêu biểu nổi bật của phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Các bài viết trong diễn đàn không chỉ có giá trị về lý luận, khoa học, mà còn là những nội dung giáo dục lịch sử truyền thống rất thiết thực, bổ ích.

 Đồng chí Đại tá Lê Ngọc Long và Đại tá Nguyễn Trung Đắc đồng chủ trì tọa đàm. Ảnh: Trọng Hải

Đồng chí Đại tá Lê Ngọc Long và Đại tá Nguyễn Trung Đắc đồng chủ trì tọa đàm. Ảnh: Trọng Hải

Để góp phần làm sâu sắc thêm danh xưng, danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ, trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 cùng làm rõ thêm những phẩm chất đặc trưng cơ bản làm nên giá trị Bộ đội Cụ Hồ; ý nghĩa của danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đối với việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất của người quân nhân cách mạng và đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Đồng thời, trên cơ sở những giá trị của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, làm rõ những tác động tích cực của giá trị này đối với việc giữ gìn, phát huy truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ở Sư đoàn 316 thông qua những câu chuyện, việc làm cụ thể ở đơn vị...

Đặc biệt, từ những giá trị tích cực của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, các cán bộ chiến sĩ đã thống nhất đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận danh hiệu cao quý này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

 Tọa đàm nhận được sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ trong Sư đoàn 316. Ảnh: TRỌNG HẢI

Tọa đàm nhận được sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ trong Sư đoàn 316. Ảnh: TRỌNG HẢI

Tại tọa đàm, Đại úy Đỗ Khắc Trình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 bày tỏ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta; luôn quan tâm, chăm lo xây dựng Quân đội trở thành lực lượng tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Chính sự gắn bó khăng khít, máu thịt ấy đã tạo tiền đề cho sự ra đời của danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Điều đó đã được chứng minh ngay từ trong tên gọi.

Đại úy Khắc Trình cũng chia sẻ thêm về thực tế tại Trung đoàn 98, mối quan hệ với nhân dân được thể hiện thường xuyên qua các hoạt động kết nghĩa với địa phương nơi đơn vị đóng quân. Tổ chức các hoạt động thiện nguyện thường niên, giúp đỡ các gia đình có công với cách mạng, tổ chức các chương trình ý nghĩa như “Chắp cánh ước mơ đưa em tới trường”, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Gần đây, có một hoạt động vô cùng tiêu biểu, đầy ý nghĩa, đó là Trung đoàn trực tiếp cử gần 300 cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa, bão ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Bất chấp điều kiện thời tiết bất lợi, đối mặt với muôn vàn nguy hiểm, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã khắc phục khó khăn, không ngại xả thân, sẵn sàng hy sinh, ngày đêm không ngừng nghỉ tổ chức thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, được nhân dân địa phương ghi nhận, yêu mến...

Tiếp nối câu chuyện này, Đại úy Nguyễn Văn Triệu, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 cũng vô cùng xúc động khi nhắc tới cuộc hành quân lên Làng Nủ (xã Bảo Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) để tìm kiếm cứu nạn vừa qua. Đại úy Triệu tâm sự: Qua những chuyến đi đó, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ khích lệ mỗi chiến sĩ trở thành tấm gương cho người dân, không chỉ trong các hoạt động chính trị, mà còn trong những việc làm thiết thực. Những chương trình giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa, hay các hoạt động hướng tới nhân dân, đều thể hiện rõ nét hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn vì dân, vì nước...

Trực tiếp làm nhiệm vụ tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, Binh nhất Trần Minh Thảo, Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, xúc động cho biết: Trải qua thời gian giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai vừa qua, càng củng cố thêm niềm tin yêu của nhân dân đối với quân đội, quân đội thực sự là một điểm tựa tinh thần cho nhân dân. Chia tay bà con Làng Nủ, cả chúng tôi và bà con nhân dân đều khóc, thấy được ánh mắt chứa đầy sự cảm ơn, sự tin tưởng và tình cảm của bà con nhân dân chúng tôi càng nhận thấy rõ điều đó. Người lính Bộ đội Cụ Hồ luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất để giúp đỡ nhân dân, đó chính trị giá trị đạo đức cao cả của người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Cũng tại tọa đàm, Thượng tá Bùi Cường Sơn, Chính ủy Trung đoàn 98, nhấn mạnh: Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 luôn theo dõi diễn đàn “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng được đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức. Cán bộ, chiến sĩ nhận thức được đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hướng tới 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Càng đặc biệt hơn khi Báo Quân đội nhân dân phối tổ chức tại đơn vị cơ sở, để cán bộ, chiến sĩ có điều kiện chia sẻ, bộc bạch, nói lên những suy nghĩ, cảm nhận của mình về phẩm chất, giá trị, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ - mà chính chúng tôi đang được thừa hưởng từ quá khứ anh hùng.

 Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân và các đại biểu xem ấn phẩm trưng bày tại Tọa đàm. Ảnh: Trọng Hải

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân và các đại biểu xem ấn phẩm trưng bày tại Tọa đàm. Ảnh: Trọng Hải

"Để gìn giữ và phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, nhất thiết phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu; kỷ luật tự giác nghiêm minh; mở rộng dân chủ trong lãnh đạo; gắn bó mật thiết với nhân dân… Cùng với các đồng chí đã tham gia phát biểu, cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 316, Trung đoàn 98 đồng thuận với những ý kiến, bài viết trên Báo Quân đội nhân dân để khẳng định rằng: Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng trở thành di sản phi vật thể quốc gia" - đồng chí Bùi Cường Sơn nhấn mạnh.

Chia sẻ, đồng tình với các ý kiến phát biểu tại tọa đàm, Đại tá Lê Ngọc Long cho rằng các ý kiến khẳng định: Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ nhân dân trao tặng là một danh hiệu cao quý, giàu ý nghĩa nhân văn. Danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là sự kế thừa, kết tinh những giá trị đạo đức, văn hóa tiêu biểu của con người Việt Nam; đồng thời là một giá trị văn hóa quân sự đặc sắc trong thời đại Hồ Chí Minh.

Cùng chung nhận định trên, Đại tá Nguyễn Trung Đắc nhấn mạnh: Giữ gìn, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ có ý nghĩa tác dụng to lớn trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Đây là cơ sở quan trọng để kiến nghị, đề xuất cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sau 3 giờ trao đổi, thảo luận dân chủ, sôi nổi, tọa đàm “Giữ gìn, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc” đã thành công tốt đẹp.

Sông Mây

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giu-gin-phat-huy-gia-tri-danh-hieu-bo-doi-cu-ho-thoi-ky-moi-post315863.html