Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Tại Hội thảo khoa học 'Người giáo viên phổ thông với sứ mệnh làm tiếng Việt trong sáng hơn' do Trường Đại học Sư phạm TPHCM phối hợp với Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) và Hệ thống Trường EMASI tổ chức, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình tiếng Việt và Ngữ văn năm 2018 cho biết, môn Ngữ văn là môn học có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử giáo dục phổ thông Việt Nam. Trong đó, học sinh được học lễ nghĩa (tiên học lễ) và sau đó là chữ nghĩa (hậu học văn). Kế thừa và tiếp nối tư tưởng truyền thống, chương trình môn Ngữ văn năm 2018 hướng đến mục tiêu giáo dục phẩm chất và hoàn thiện nhân cách cho học sinh.
Do đó, theo PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, mục tiêu giáo dục phẩm chất, đạo đức, nhân cách cho học sinh ở môn Ngữ văn được thực hiện thông qua việc dạy đọc, nhất là đọc các tác phẩm văn học. Ông lý giải: “Tác phẩm văn học chứa đựng trong đó nhiều bài học về đạo lý, lối sống, tư tưởng, tình cảm. Nhà văn dù có viết về cái xấu, cái ác nhưng mục tiêu sau cùng vẫn là hướng con người đến cái đẹp, cái thiện”. Thông qua việc dạy cho học sinh cách đọc, phương pháp đọc, kỹ thuật đọc cũng như cách tiếp cận một văn bản, giáo viên giúp học sinh hiểu được ý nghĩa của tác phẩm, thấm thía bài học nhân sinh gửi gắm qua từng tác phẩm, từ đó liên hệ, so sánh để nhận ra ưu điểm, hạn chế của bản thân. Tuy nhiên, dạy đọc hiểu trong trường phổ thông hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại.
PGS-TS Nguyễn Thành Thi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TPHCM, nhận định, dạy và học môn tiếng Việt nói riêng, môn Ngữ văn nói chung trong trường phổ thông hiện nay tồn tại bất cập là còn dạy lý thuyết suông, kỳ vọng học sinh trở thành những nhà ngôn ngữ uyên bác. Vì vậy, mục tiêu chính của cải cách chương trình lần này là tạo điều kiện cho học sinh vận dụng kiến thức để phát triển khả năng giao tiếp. Để thực hiện mục tiêu đó, người giáo viên cần tạo môi trường giao tiếp trong và ngoài nhà trường, sử dụng ngôn ngữ sư phạm chuẩn mực, đáp ứng mục tiêu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Thông qua việc truyền thụ kiến thức và phương pháp tư duy trong các môn học, giáo viên cần tạo cơ hội cho học sinh sử dụng thành thạo tiếng Việt trong các hoạt động giao tiếp, bồi dưỡng tình yêu và năng lực tiếng Việt cho học sinh.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập, giảng viên Bùi Nguyễn Bích Thy, Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, sự giao thoa văn hóa xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng nhu cầu giao tiếp mới. Do đó, nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cần được tiến hành thường xuyên, bắt đầu từ những bài học đọc, những tiết đọc sách trong nhà trường, thông qua các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, ngày hội chia sẻ sách...
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giu-gin-su-trong-sang-cua-tieng-viet-697398.html