Giữ gìn sức khỏe những ngày rét đậm, rét hại thời điểm dịch bệnh

Bắt đầu từ ngày 19/2, khu vực miền Bắc, trong đó có tỉnh Ninh Bình bắt đầu một đợt rét đậm, rét hại và dự báo sẽ kéo dài đến hết tuần này. Không khí lạnh tăng cường mạnh, nền nhiệt giảm sâu có thời điểm xuống 8-10 độ C, trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sinh hoạt hàng ngày của nhiều người dân.

Rét lạnh, nhiều người bệnh COVID-19 phải dùng thêm chăn sưởi ấm.

Rét lạnh, nhiều người bệnh COVID-19 phải dùng thêm chăn sưởi ấm.

Tại các chợ, cửa hàng kinh doanh, buôn bán, kể cả các mặt hàng thiết yếu, lượng người mua và bán đều giảm, thậm chí nhiều người bán hàng tạm đóng cửa vì thời tiết quá lạnh và lo ngại dịch bệnh.

Bà Trần Thị Mai, phố Vạn Phúc, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết, bà đã tạm đóng quán hàng ăn sáng mà bà đã mở hàng chục năm nay. Dịch bệnh lây lan rộng trên địa bàn thành phố những ngày gần đây khiến bà vốn đã lo ngại, thêm thời tiết rét đậm, buốt lạnh bắt đầu từ ngày 20/2 khiến bà quyết định tạm đóng cửa, chờ xem vài ngày nữa thế nào mới quyết định bán hàng trở lại.

Thời tiết lạnh giá, rét buốt, được nhiều người đánh giá là rét nhất từ nhiều năm trở lại đây. Theo ông bà Đinh Văn Hoán, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư), năm nay gần 80 tuổi, ông bà cho rằng, đây là đợt rét nhất từ mấy chục năm trở lại đây mà ông bà đã chứng kiến. Bởi cùng với nhiệt độ xuống thấp còn kèm theo mưa, nên kể cả khi ở trong nhà, cái rét cũng như buốt vào lòng. Ông bà Hoán đã phải sử dụng nhiều hình thức để sưởi ấm, từ mặc nhiều quần áo, quàng khăn, đội mũ, đi bao tay, đến sử dụng quạt sưởi, nhưng cái rét được ông bà ví von là rét từ trong dạ rét ra.

Trong cái rét tê tái, những người phải làm các công việc ngoài trời, thường xuyên tiếp xúc với nước, với không khí lạnh bên ngoài sẽ "thấm" hơn cả sự giá rét.

Anh Trần Văn Toản, phụ bán hàng cho một đại lý kinh doanh các mặt hàng thủy sản cho biết, mặc dù mặc nhiều quần áo, đeo 2 khẩu trang, đội mũ kín mít, đi đủ tất chân, tay, thêm bao tay bên ngoài, nhưng cái lạnh khiến người lúc nào cũng lập cập, cứng lạnh hết cả tay, đứng không vững...

Trước cái rét bất thường, cộng với dịch bệnh đã lây lan rộng trong nhiều học sinh, giáo viên, nhiều trường học trong tỉnh đã tạm thời chuyển sang học trực tuyến. Điển hình như thành phố Ninh Bình, tất cả các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn từ ngày 21/2 đã chuyển sang dạy và học trực tuyến, đảm bảo an toàn và giữ gìn sức khỏe cho cán bộ, giáo viên và học sinh, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của phụ huynh, học sinh.

Từ ngày 20/2, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn về việc ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại, thời tiết khắc nghiệt. Theo đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục tùy theo tình hình thực tế cho học sinh nghỉ học trực tiếp, triển khai dạy học trực tuyến. Tổ chức rà soát, kiểm tra các phòng học, củng cố cơ sở vật chất, đảm bảo phòng học ấm áp, tránh gió lùa, đủ ánh sáng cho học sinh học tập... Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc học sinh mặc đồng phục, để học sinh đến muộn phải chờ ở ngoài cổng trường, đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo nhận định của nhiều người, so với ngày cuối tuần mưa rét buốt, 2 ngày đầu tuần 21-22/2, tuy trời không còn mưa, nhưng cảm giác rét buốt vẫn còn, nhất là vào buổi sáng sớm và chiều tối. Nhiều gia đình phải tăng cường các biện pháp sưởi ấm, như bật điều hòa ấm, sử dụng chăn điện, quạt sưởi, đốt bếp làm ấm.

Những người bán hàng tại chợ hoặc vỉa hè ngoài trời cũng chọn hình thức sưởi ấm bằng đốt than, nhóm củi để xua bớt cái lạnh giá mùa đông. Điều khác trước đây, là vào mùa dịch, các bếp sưởi, lò sưởi thường được người dân cho thêm quả bồ kết, củ sả hoặc vỏ bưởi, nhằm tạo mùi thơm, xua bớt sự lạnh giá.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trong những ngày thời tiết rét đậm, rét hại rất dễ gây bệnh cho mọi người, nhất là người cao tuổi và trẻ em, do đó tất cả mọi người đều phải giữ ấm cơ thể.

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, rất dễ lây lan dịch bệnh khi cơ thể sức đề kháng yếu. Do đó, mỗi người cần nâng cao ý thức, khi có các dấu hiệu nghi ngờ như sốt, viêm đường hô hấp, đau họng..., cần tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm. Thường xuyên sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, họng, ăn đủ chất dinh dưỡng để cơ thể chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt.

Đối với người cao tuổi, luôn phải mặc ấm, hạn chế tối đa việc ra ngoài vào ban đêm hoặc dậy sớm tập thể dục khi ngoài trời lạnh sâu. Đồng thời tránh những nơi gió lùa, không để thay đổi cơ thể nóng-lạnh đột ngột. Cần ăn đủ chất dinh dưỡng, thực phẩm dễ tiêu hóa. Không tập trung đông người và thực hiện nghiêm quy định 5K. Đặc biệt, không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh khi chưa được khám và tư vấn của bác sĩ. Đối với những người mắc các bệnh mãn tính về tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp... cần tuyệt đối tuân thủ y lệnh của bác sĩ trong quá trình theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc điều trị bệnh tại nhà.

Với trẻ em, thời tiết rét lạnh cũng dễ gây các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản. Đặc biệt, thời tiết như hiện nay, trẻ em rất dễ mắc các bệnh lý về hô hấp, trong đó có COVID-19. Do vậy, vai trò của cha mẹ, thầy cô rất quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ các biện pháp phòng chống nhiễm bệnh.

Cùng với đó, cần thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin đã có cho trẻ, bổ sung dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Kiểm soát tốt các bệnh mãn tính, tránh nhiễm lạnh, bảo đảm thông khí tốt trong môi trường sống, học tập. Nhắc nhở các em thường xuyên vệ sinh tay, đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người khác...

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đợt rét đậm, rét hại từ ngày 19/2 là một trong 6 đợt có nhiệt độ thấp nhất trong 40 năm trở lại đây. Hình thái thời tiết này được dự báo sẽ còn thêm vài ngày nữa và ấm lên từ ngày 24/2.

Còn theo Bộ Y tế, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, không chỉ đợt rét lạnh này, mà mùa đông năm nay, người dân cần nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/giu-gin-suc-khoe-nhung-ngay-ret-dam-ret-hai-thoi-diem-dich/d20220222224331405.htm