Giữ gìn thanh danh
1. Thoạt đầu chỉ là một chấm xanh bật ra từ rìa lá. Lá quỳnh phiến dài thượt, dày nặng mà diềm lại khía nét hoa văn sóng lượn. Còn hoa quỳnh vào buổi chiều chớm hè này đã cho tôi một giấc mộng dị thường. Quỳnh nở từng giây tích tắc, cho con người được mắt thấy sự sinh nở âm thầm kỳ lạ của tự nhiên. Bạn tôi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hậu bấm cú máy đầu tiên thì cánh hoa he hé. Ôi, vẻ trắng tinh thuần khiết của hoa! Tới khi quỳnh mãn khai vẽ một đường cong trắng mờ nhung lụa mượt mà với lòng hoa mở hết cỡ và không gian chật hẹp của căn buồng thoảng một thoáng hương thanh tao, thì tôi rơi vào trạng thái rưng rưng, sợ hãi. Tôi đã bắt gặp cái hoàn thiện, viên mãn tròn đầy! Tôi đã thấy cái tột đỉnh, tận cùng! Quỳnh đã nở hết độ, đã phô diễn cái đẹp ở cõi vĩnh hằng, đã siêu thoát khỏi đời thường trở thành phi thực.
Nhưng cuối cùng thì hoa quỳnh đã lìa cuống. Như một hình ảnh phù du của thực tế, giờ chẳng còn chút hồi quang, đóa hoa tàn quắt lại, nhợt nhạt, như một búp khoai môn, một vật thể đơn thuần hồn đã lìa thân, chỉ còn là cái xác phàm.
2. Đời một con người cũng giống một đời hoa. Có lúc thịnh, có lúc suy. Brigitte Bardot, nữ nghệ sĩ điện ảnh Pháp tài danh được người đời ca ngợi là con người có lòng can đảm chứng kiến sự tàn lụi của tuổi già của chính mình. B. B. ở tuổi ngoài sáu mươi, sống cô đơn với những con chó, con mèo bà nuôi. Người hâm mộ trong nước hẳn còn nhớ nghệ sĩ Thanh Tú khi chị đóng vai quận chúa Minfo trong vở kịch Âm mưu và tình yêu, khán giả yêu kịch phải đặt vé trước 4 tháng. Trong vai Tanhia ở vở kịch cùng tên, chị lừng lẫy với diễn xuất kỷ lục 1.200 đêm. Năm 1977, lần thứ 4 chị giành giải thưởng nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Nhưng khi chạm tuổi 60, nghệ sĩ đã đón nhận sự cô đơn và tuổi già như một sự thường tình. Một bài báo nói về chị có câu: Nghệ sĩ đã để lại một khoảng sáng rực rỡ trên bầu trời nghệ thuật.
Nhiều nghệ sĩ giống như chị Thanh Tú, sau khi đã lên tới tột đỉnh vinh quang của nghề nghiệp thì lui về ở ẩn để giữ gìn thanh danh của mình. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường sau khi đã có tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, đã gác bút. Ông không viết nữa để giữ gìn tiếng tăm của mình. Giữ gìn cái uy tín, cái thanh danh của mình! Nhìn rộng ra thì ai cũng thế thôi! Một chị bán rau quả rong, một tiệm phở, một quán trà, một hãng sản xuất ôtô, máy tính, chữ tín là quan trọng bậc nhất. Không giữ gìn thì tiêu ma sự nghiệp!
3. Giữ gìn thanh danh là điều bất cứ ai cũng phải quan tâm trong một xã hội có đạo đức. Từ một em đội viên thiếu niên tiền phong, một chiến sĩ quân đội nhân dân, đến một người thợ, một doanh nghiệp, huống hồ là các vị chức sắc quyền cao đức trọng. Đời người đạt được tột đỉnh chức danh quyền lực là khó lắm. Nhưng giữ được thanh danh là việc cũng không dễ dàng gì? Vì sao? Vì lửa thử vàng gian nan thử sức. Vì thời gian là một ông thầy nghiêm khắc. Vì cuộc sống biến động, các giá trị có thể thay đổi chuyển dịch không ngừng. Vì bên cạnh vinh quang là cạm bẫy cám dỗ. Vì bả vinh hoa dễ làm mờ mắt gã công khanh…
Lịch sử không ít triều đại mở đầu rực rỡ huy hoàng mà kết thúc thì suy tàn thảm hại. Cũng không thiếu những con người sau khi đạt được đỉnh cao về quyền lực và uy tín đã dần dần suy đốn như thế nào.
Gần đây nhất, có thể kể hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tự làm hoen ố tài danh mình, tự đánh mất mình. Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng… đó là những chức vị cao quý, thể hiện tài năng và đạo đức. Là kết quả của một quá trình phấn đấu gian nan của mỗi cán bộ, đảng viên. Về mặt nào đó có thể đó là sự thành đạt mỹ mãn, tròn đầy, đẹp đẽ tuyệt đỉnh! Nhưng sau cùng thì chỉ trong chốc lát, không đấu tranh được bản thân trước cám dỗ, các cán bộ, đảng viên đó lại tự hủy hoại công lao và tín nhiệm của mình, bao công lao khó nhọc ra sông, ra biển cả. “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” - đó là câu nói quen thuộc của dân gian. Vì sao thế? Vì nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, môi trường sống và làm việc của các quan chức cấp cao là nơi không ít cạm bẫy, nơi quy tụ sự nịnh bợ, nơi kích thích thói tự kiêu tự đại, thói đặc quyền đặc lợi, cá nhân chủ nghĩa, xa hoa, lãng phí, quan liêu, tham nhũng. Nơi con người dễ vong thân, vì như ta vẫn nói: Quyền lực vốn gần với tha hóa; quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối. Tuy nhiên, xét đến cùng thì vẫn có thể nói: Nguyên nhân cơ bản chính là lơ là sự tu dưỡng. Suy nghĩ và hành động xa rời các chuẩn mực đạo đức, không chế ngự được lòng tham, không nghiêm khắc với bản thân là con đường dẫn đến thảm cảnh hư hỏng sa ngã.
Vậy bằng cách nào để giữ được thanh danh khi vinh dự được giữ các trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước? Hiển nhiên là càng giữ chức vị cao càng phải chăm lo việc tu dưỡng bản thân, coi việc tự kiểm điểm hằng ngày là thường xuyên như cơm ăn nước uống, trong tinh thần cảnh giác cao độ trước mọi cám dỗ luôn rập rình quanh mình. Dĩ công vi thượng, đó chính là lời Hồ Chủ tịch tự răn mình và cũng là lời Người thường khuyên cán bộ phải đinh ninh tâm niệm ngày ngày. Rõ ràng là nếu ngày ngày nghiêm túc tự kiểm điểm mình thì một vị bộ trưởng không thể u mê đến mức nhận hối lộ một lúc 3 triệu USD cho hành vi khuất tất của mình. Nhất cử nhất động của mình đều không qua khỏi tai mắt nhân dân, đó là điều các chức vị lớn cần nhớ rõ. Thêm nữa, một khi câu chuyện “nhốt quyền lực” vào cơ chế và luật pháp là nhu cầu gay gắt như hiện thời, thì vấn đề đặt ra với các nhà chức trách chính là: Hãy nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về cơ chế và luật pháp; đó chính là những điều kiện khách quan tốt nhất để giữ được phẩm giá, năng lực, tài danh mình.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/152235/giu-gin-thanh-danh