Giữ gìn và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia

Luật Di sản văn hóa quy định: “Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”. Bởi vậy, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị bảo vật quốc gia có vai trò, ý nghĩa quan trọng. Hưng Yên là vùng quê văn hiến, nơi lưu giữ được nhiều hiện vật, cổ vật có giá trị đặc sắc, trong đó có 6 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là những hiện vật gốc, độc bản mang dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ của từng thời kỳ lịch sử.

Có dịp đến thăm chùa Mễ Sở ở xã Mễ Sở (Văn Giang), du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn hay còn gọi là Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2018. Pho tượng có niên đại đầu thế kỷ XIX, kích thước cao 2,8m, được chế tác bằng gỗ mít phủ sơn, ngồi trên tòa sen trong tư thế thiền định. Bức tượng có 1.014 tay, mắt khác nhau được tạo tác rất tinh xảo, trong đó có 42 tay lớn xếp thành từng đôi một đăng đối nhau. Tất cả đều được chạm nổi trau chuốt, mềm mại, tỉ mỉ và hòa quyện vào nhau tạo lên một thể thống nhất, hoàn mỹ cho toàn bộ tác phẩm. Đây là pho tượng Phật Quan Âm đẹp nhất trong lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XIX mà đến nay chưa có pho tượng nào thuộc thời kỳ này có thể so sánh được. Những nét điêu khắc vô cùng tinh xảo và độc đáo trên bức tượng phản ánh rất rõ về tinh thần sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân xưa.

Bảo vật quốc gia Tháp đất nung hiện lưu giữ tại đền An Xá, xã An Viên (Tiên Lữ)

Năm 2021, tỉnh Hưng Yên vinh dự có thêm một bảo vật quốc gia là Tháp đất nung hiện lưu giữ tại đền An Xá, xã An Viên (Tiên Lữ). Tháp được xây dựng bằng phương pháp thủ công truyền thống với kỹ thuật nung, chạm khắc tinh xảo, trau chuốt và vô cùng độc đáo. Đặc biệt, toàn thân tháp trang trí dày đặc những họa tiết hoa văn hình rồng, phượng, sư tử, tiên nữ, hình lực sĩ, ngựa có cánh... Ngoài ra, trên thân tháp còn xuất hiện nhiều đề tài mang đậm chất dân gian như cảnh người đấu vật, bắt rắn, chim, hươu, hổ... Tất cả đều được bố cục thành những mảng khối với dáng khỏe, sống động mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XVII. Tháp đất nung được các nhà nghiên cứu đánh giá là hiện vật gốc độc bản, được bảo quản tốt, bảo đảm tính toàn vẹn.

Hiện nay, ngoài hai bảo vật Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay và Tháp đất nung, trên địa bàn tỉnh còn 4 bảo vật quốc gia khác là: Tượng sư tử đá và hệ thống thành bậc đá đều được lưu giữ ở chùa Hương Lãng, xã Minh Hải (Văn Lâm); Bia “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh” hiện lưu giữ ở chùa Cảnh Lâm, xã Tân Việt (Yên Mỹ); Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ được phát hiện tại thôn Cộng Vũ, xã Vũ Xá (Kim Động) vào năm 1965 trong quá trình cải tạo sông Cửu An, hiện lưu giữ tại Kho bạc Nhà nước Hưng Yên. Những bảo vật quốc gia này đều là những di sản độc bản, hàm chứa giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu, là tài sản vô giá, niềm tự hào lớn của địa phương.

Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản này về cơ bản đến giờ không có nhiều khác biệt so với trước khi được công nhận. Nguyên nhân là do các bảo vật quốc gia nằm rải rác ở các địa phương, chế độ bảo quản phụ thuộc vào điều kiện của cơ sở, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mai một, xuống cấp. Mặt khác, áp lực trong công tác bảo vệ, quản lý, ít có cơ hội quảng bá tới người xem khiến giá trị văn hóa, lịch sử của các bảo vật quốc gia chưa được lan tỏa giá trị một cách trọn vẹn.

Đồng chí Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc điều hành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động lập phương án bảo vệ, bảo đảm tuyệt đối an toàn; có cơ chế phối hợp liên ngành giữa cơ quan quản lý văn hóa, lực lượng công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia. Đồng thời ưu tiên kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình, bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt.

Cùng với đó, để các bảo vật quốc gia phát huy được giá trị của mình, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 975/UBND-KGVX ngày 19.4.2022 về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia và lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 11 năm 2022, trong đó yêu cầu: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề giới thiệu về di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh, trong đó có các bảo vật quốc gia; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các bảo vật quốc gia trên các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh cũng như tăng cường tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch những kiến thức chuyên sâu về bảo vật quốc gia, nhằm phục vụ tốt khách tham quan, nghiên cứu về bảo vật; quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm và du lịch cộng đồng; liên kết tổ chức các tour, tuyến du lịch về các nơi đang lưu giữ, trưng bày bảo vật quốc gia; sản xuất các sản phẩm quà lưu niệm kích thước nhỏ mô phỏng bảo vật quốc gia để người dân và du khách khi đến thăm các di tích mua làm quà tặng…

Lê Hiếu

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202207/giu-gin-va-phat-huy-gia-tri-cac-bao-vat-quoc-gia-5194058/