Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng

Văn nghệ dân gian của đồng bào Mường là tài sản văn hóa quý giá, trong đó cồng chiêng là nhạc khí dân tộc được coi là biểu tượng của văn hóa Mường...

Chiêng luôn được sử dụng trong các buổi giao lưu, sinh hoạt văn nghệ của đồng bào Mường ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn.

Chiêng luôn được sử dụng trong các buổi giao lưu, sinh hoạt văn nghệ của đồng bào Mường ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn.

(baophutho.vn)

- Văn nghệ dân gian của đồng bào Mường là tài sản văn hóa quý giá, trong đó cồng chiêng là nhạc khí dân tộc được coi là biểu tượng của văn hóa Mường, góp phần quan trọng trong nền văn hóa đa sắc tộc Việt Nam. Mặc dù thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã tích cực khôi phục, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, tuy nhiên kết quả vẫn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng để phát triển du lịch, đòi hỏi tiếp tục có những giải pháp hiệu quả hơn.
Dàn chiêng Xéc bùa có 12 chiếc, chiêng Xéc bùa vừa là loại nhạc cụ độc đáo, có giá trị về vật chất và tinh thần, cả về mặt nghiên cứu lịch sử âm nhạc sân khấu dân tộc. Khác với các dân tộc ở Tây Nguyên, người Mường ở Phú Thọ không cầm tay vào chiêng để hãm âm lượng mà dùng bằng tay bóp chặt dây chiêng lại, làm như vậy để chiêng không bị tức tiếng và tuổi thọ của chiêng kéo dài hơn. Một bộ dàn cồng chiêng đầy đủ nhất phải có 12 chiếc to, nhỏ khác nhau. Người Mường cho rằng số lượng 12 chiếc chiêng là biểu hiện của 12 tháng trong năm. Số người biểu diễn bao giờ cũng là một nửa nam, một nửa nữ điều này thể hiện tín ngưỡng phồn thực cân bằng âm dương.Ở bản Mường người ta tổ chức các đội cồng chiêng có sự tham gia của các cụ cao tuổi và cả nam nữ thanh niên. Vào ngày Tết, các phường Xéc bùa đi chúc Tết các gia đình với dàn cồng trên tay. Trong các lễ cưới nhà trai và nhà gái đều đánh cồng chiêng vào đêm hôm trước ngày cưới để tạo không khí vui vẻ cả hai họ. Lúc đưa dâu về nhà chồng có hòa tấu cồng chiêng bài “Đi đường”, sau đó còn tấu cồng chiêng ở nhà trai và hò hát đến nửa đêm. Lúc bản Mường mở hội, đội cồng chiêng tấu bài “Bông trắng, bông vàng” hay còn gọi là bài “Rủ nhau vào hội” tạo không khí náo nức, tưng bừng. Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng đã gắn chặt với đời sống tâm linh, tình cảm của bà con dân tộc Mường từ ngàn đời nay.

Câu lạc bộ Cồng Chiêng xã Kim Thượng thường xuyên duy trì sinh hoạt văn hóa, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc.

Câu lạc bộ Cồng Chiêng xã Kim Thượng thường xuyên duy trì sinh hoạt văn hóa, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, do mặt trái cơ chế thị trường tác động đến từng gia đình, từng thôn bản, lớp thanh niên ngày nay không còn nhiều tâm huyết với cồng chiêng, trong các thôn, bản thưa vắng dần âm thanh cồng chiêng thì vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này đặt ra hết sức cấp thiết. Trước hết là cần bảo tồn và làm sống động không gian văn hóa cồng chiêng; thứ hai là việc truyền dạy của nghệ nhân cao tuổi đối với lớp trẻ; thứ ba cần có những chính sách, giải pháp tích cực, hiệu quả cho việc phục hồi văn hóa cồng chiêng trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, trong các sinh hoạt văn hóa vùng. Thực hiện chương trình bảo tồn, phục hồi và giữ gìn di sản văn hóa cồng chiêng Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch đã tổ chức liên hoan cồng chiêng toàn tỉnh hai lần với mục đích kiểm kê di sản cồng chiêng cổ hiện còn lưu giữ trong dân, số nghệ nhân biết tấu cồng chiêng một cách bài bản, sau đó là củng cố và xây dựng thêm các đội văn nghệ quần chúng kiêm đội cồng chiêng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều đội văn nghệ quần chúng kiêm cồng chiêng chủ yếu ở các huyện miền núi, trong đó có 4 đội cồng chiêng, mỗi đội có từ 12 - 16 thành viên, thường xuyên duy trì hoạt động ở các xã Tất Thắng, Tân Lập (Thanh Sơn), Yến Mao, Phượng Mao (nay là xã Tu Vũ huyện Thanh Thủy).Nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam” vừa phát triển văn hóa, vừa phát triển du lịch để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Như vậy, việc bảo tồn, giữ gìn, khôi phục và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng không chỉ dừng lại ở các sinh hoạt, mà còn chú trọng đến không gian văn hóa cồng chiêng để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo của người dân và cao hơn là phục vụ khách du lịch. Điều này đã đưa đến nhiều nguồn lợi cho đồng bào từ những dịch vụ văn hóa do chính người dân tổ chức.Với chủ trương của tỉnh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài các loại hình du lịch phổ biến hiện có ở các địa phương rất cần đến phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có đồng bào Mường. Từ vấn đề này đặt ra ở mỗi một địa phương khi tham gia chương trình du lịch cộng đồng rất cần khôi phục, phát triển những loại hình nghệ thuật đặc thù nói chung, văn hóa cồng chiêng nói riêng để thu hút du khách xa gần. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ các địa phương, với các già làng, trưởng bản khảo sát, kiểm kê nắm lại số lượng cồng chiêng hiện có và số nghệ nhân cồng chiêng; đồng thời có chính sách cụ thể để giúp đỡ các gia đình nghệ nhân, các nghệ nhân có tài chế tác nhạc cụ và truyền dạy cho lớp con cháu và động viên già làng, trưởng bản tham gia quản lý cồng chiêng ở làng bản mình.Cùng với đó, làm tốt việc sưu tầm, ghi chép những bài chiêng, những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn bó với cồng chiêng, ghi âm, ghi hình các tài liệu, tư liệu về cồng chiêng để lưu giữ, bảo quản lâu dài. Khôi phục các bài gốc cồng chiêng; phục hồi và giữ gìn các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội trong cộng đồng Mường để tạo môi trường, không gian dành cho diễn xướng cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Trần Văn Quang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/202107/giu-gin-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-cong-chieng-178446