Giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam

Thực hiện tốt Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.

Lòng hiếu thảo của con cháu đối với các thế hệ trước là phẩm chất đứng đầu trong hệ thống giá trị đạo đức của con người Việt Nam. Ảnh minh họa

Lòng hiếu thảo của con cháu đối với các thế hệ trước là phẩm chất đứng đầu trong hệ thống giá trị đạo đức của con người Việt Nam. Ảnh minh họa

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy việc xây dựng một gia đình tốt sẽ có các thành viên tốt với một giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, của con người Việt Nam, có ý nghĩa rất to lớn trong việc xây dựng một đất nước, dân tộc phồn vinh, hạnh phúc.

Vậy, những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam là gì?

Trước hết, chúng ta cần hiểu xuất xứ của những giá trị đó. Giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam được hình thành trên cơ sở mô hình gia đình đa thế hệ, được xuất hiện và tồn tại trên nền tảng xã hội nông nghiệp, các gia đình nhiều thế hệ sống quần tụ "tam đại, tứ đại đồng đường", từ đó mối quan hệ, sự quản lý, giáo dục giữa các thế hệ rất chặt chẽ, giữ gìn khuôn phép "tôn ti trật tự"... Việc “tề gia” là điều kiện, bước đệm để người quân tử có khả năng “trị quốc”, “bình thiên hạ”. Không quản lý gia đình tốt thì đừng nói đến năng lực quản lý xã hội.

Thứ hai, những giá trị truyền thống đó bao gồm những chuẩn mực đạo đức, tâm lý tình cảm, hành vi ứng xử được các gia đình gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, được các thành viên của gia đình tiếp thu, vận dụng và xem như phương hướng cho hoạt động của mỗi cá nhân. Những giá trị nổi bật thể hiện trong các mối quan hệ, ứng xử trong gia đình, giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, giữa anh chị với em, giữa vợ và chồng.

Lòng hiếu thảo của con cháu đối với các thế hệ trước là phẩm chất đứng đầu trong hệ thống giá trị đạo đức của con người Việt Nam, cũng quy định toàn bộ hệ giá trị truyền thống của gia đình người Việt. Phẩm chất này thể hiện ở lòng biết ơn, sự kính trọng, lễ phép và sự chăm sóc tận tình cha mẹ, ông bà khi họ còn sống và thờ phụng khi họ đã chết. Chính vì vậy, thờ cúng tổ tiên là một biểu hiện của lòng hiếu thảo - giá trị cao nhất trong hệ giá trị đạo đức của con người Việt Nam. Không chỉ có vậy, thờ cúng tổ tiên còn góp phần bảo lưu nhiều giá trị khác của gia đình Việt Nam truyền thống.

Hiện nay, những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đang có sự thay đổi do tác động của nhiều yếu tố. Sự thay đổi có thể thấy rõ, như: bên cạnh các loại gia đình “truyền thống” một vợ, một chồng, một cha (hoặc mẹ), tái hôn, vợ chồng không có con, cha mẹ nuôi, gia đình đa thế hệ... thì nay đã xuất hiện những gia đình không hôn thú, những người mẹ đơn thân, cha mẹ thuê người đẻ con... Mô hình gia đình nhiều thế hệ, nay dần chuyển sang mô hình gia đình ít thế hệ, ít nhân khẩu hơn. Sự thay đổi về quy mô gia đình, về điều kiện sống cũng kéo theo nhiều thay đổi trong mối quan hệ, ứng xử giữa các thế hệ trong gia đình với nhau. Sự thay đổi ấy mang yếu tố khách quan, để phù hợp với điều kiện, môi trường sống và phong cách sống; nhiều yếu tố thay đổi theo hướng tích cực, nhưng cũng có những yếu tố mang tính tiêu cực, cần phải củng cố, duy trì, giữ gìn.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Các nội dung trong bộ tiêu chí này là sự kết hợp giữa những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam và các chế định pháp luật được quy định trong các văn bản pháp luật. Đây là cơ sở để giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể cần mở rộng, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; các đoàn thể chủ động tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên của mình. Nhà trường và từng gia đình, nhất là các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, cần cụ thể hóa các hình thức tuyên truyền và đẩy mạnh tuyên truyền. Thiết nghĩ, mỗi gia đình nên in nội dung bộ tiêu chí này như một bức tranh treo nơi phòng khách để nhắc nhở mọi người hằng ngày. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể nên cụ thể hóa, đưa các tiêu chí này thành các tiêu chuẩn thi đua, nhất là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa.

LƯƠNG ANH TẾ (Hội Người cao tuổi tỉnh)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/giu-gin-va-phat-huy-nhung-gia-tri-truyen-thong-cua-gia-dinh-viet-nam-238305