Giữ gìn và phát huy truyền thống 'tôn sư trọng đạo'

Biết bao tấm gương thầy, cô luôn tận tâm truyền lửa đam mê giúp học sinh mang lại vinh quang cho quê hương, đất nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Tất cả điều đó là niềm tự hào của mỗi người dân xứ Thanh, tự hào về một miền đất 'địa linh nhân kiệt' đã được hun đúc bởi truyền thống 'tôn sư trọng đạo'.

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11):

Cô, trò Trường Mầm non Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy). Ảnh: Lê Phong

Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành, xây dựng và giữ gìn được nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Truyền thống đạo đức quý báu này đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho dân tộc Việt Nam.

Từ xưa đến nay, dù ít tuổi hay cao tuổi, dù khoa bảng hay chỉ là thầy đồ, người thầy giáo luôn được nhân dân kính trọng, tôn quý, vị nể và được ví như “cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu, thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. Người xưa thường nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dù chỉ học một chữ hay nửa chữ cũng mang ơn người dạy. Nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, vì sản phẩm đào tạo ra chính là con người. Nhân dân ta trọng đạo chính là trọng cái nghề “trồng người” cao quý ấy. Ca dao có câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều; muốn con hay chữ phải yêu kính thầy” và tục ngữ cũng đã dạy: “Không thầy đố mày làm nên”... đủ thấy được lòng trân trọng, kính yêu của nhân dân ta dành cho người thầy - những “kỹ sư tâm hồn” của mọi thời đại như thế nào.

Trong xã hội phong kiến, với nền giáo dục “cửa Khổng sân Trình”, người thầy có một vị trí rất quan trọng, chỉ ở dưới vua, thậm chí được đặt lên trên cả cha mẹ: Quân - Sư - Phụ (Vua - Thầy - Cha). Học trò ngày xưa phải thấm nhuần và tuân theo luân lý ấy. Quyền uy của người thầy là rất lớn, có khi còn lớn hơn cả cha mẹ. Điều đó cũng nói lên quan niệm về chữ “hiếu” và chữ “đạo” của cha ông ta ngày xưa rất rõ. Mối quan hệ thầy - trò tượng trưng cho nét đẹp văn hóa ứng xử của người dân Việt Nam. Học trò luôn luôn tôn trọng người thầy và người thầy luôn là một tấm gương sáng cho học trò noi theo. Tìm trong lịch sử dân tộc ta có biết bao bậc thầy vĩ đại, cả đời tận trung vì dân, vì nước. Cuộc sống của họ thanh bần mà được người dân ca tụng, lưu danh muôn thuở. Ví như thầy giáo Chu Văn An (thời Trần), là người thầy tài cao, đức trọng, ngay thẳng, cương trực, ông có công dạy dỗ nhiều người thành đạt nhưng không màng danh lợi.

“Tôn sư trọng đạo” không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Khi nào cuộc sống còn cần kiến thức, con người còn văn minh thì người thầy còn được tôn trọng. Người thầy được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng. Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục và đào tạo lại được Đảng và Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu và ngày 20-11 hàng năm trở thành ngày hội lớn của toàn dân để tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý. Trong xã hội học tập và mọi người được học tập suốt đời như hiện nay thì vai trò của người thầy lại càng quan trọng. Ngành giáo dục xứ Thanh đã có biết bao thầy, cô giáo vì sự nghiệp “trồng người”, vì thế hệ tương lai của đất nước đã vượt qua khó khăn, gian khổ “cõng” chữ lên non. Biết bao tấm gương thầy, cô luôn tận tâm truyền lửa đam mê giúp học sinh mang lại vinh quang cho quê hương, đất nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Tất cả điều đó là niềm tự hào của mỗi người dân xứ Thanh, tự hào về một miền đất “địa linh nhân kiệt” đã được hun đúc bởi truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Tuy nhiên, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường và những tiêu cực của đời sống xã hội, một bộ phận nhà giáo thiếu tâm huyết với nghề, đánh mất lòng tự trọng nghề nghiệp, xu hướng thương mại hóa giáo dục đã tạo ra vòng xoáy cuốn một bộ phận giáo viên rời xa truyền thống và tôn chỉ của nghề sư phạm. Có những thầy, cô giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật trong ứng xử học đường. Còn học sinh, bên cạnh những em chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy, cô giáo, đã có không ít bạn quên đi đạo nghĩa thầy - trò. Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy, cô giáo. Đã có những câu chuyện đau lòng mà chúng ta không muốn nhắc đến như hiện tượng học trò xúc phạm thầy, cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại.

Làm thế nào để giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”? Lịch sử như một hành trình, để giữ gìn một giá trị quý báu, điều đó không phụ thuộc vào thời điểm lịch sử mà ở chính mỗi cá nhân. Hiện nay chúng ta đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà theo nghị quyết của Đảng. Đội ngũ nhà giáo xứ Thanh cần xác định sứ mệnh và trách nhiệm của mình trước xã hội như lời Bác Hồ - người thầy vĩ đại của dân tộc đã dạy: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Mỗi cán bộ, giáo viên không chỉ là một chiến sĩ cách mạng trên mặt trận truyền thụ tri thức, kỹ năng mà phải là những tấm gương về đạo đức, lối sống, tự học, tự rèn luyện, tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và hết lòng yêu thương học sinh; mỗi học sinh phải luôn thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện vì ngày mai lập thân, lập nghiệp. Cùng với đó là sự chung tay của toàn xã hội trong giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Làm được như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc và truyền thống “tôn sư trọng đạo” mãi mãi giữ nguyên giá trị, mãi mãi là động lực góp phần đưa sự nghiệp “trồng người” của tỉnh nói riêng, nước nhà nói chung không ngừng phát triển.

Lê Phong

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/giu-gin-va-phat-huy-truyen-thong-ton-su-trong-dao/110591.htm