Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa trong gia đình

PTĐT - Gia đình là nền tảng, có chức năng bảo đảm tính ổn định của xã hội. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vai trò của gia đình càng trở nên quan trọng...

Từ việc được giáo dục truyền thống văn hóa, các thành viên gia đình ông Dương Văn Trang- phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì luôn chia sẻ, đùm bọc, cùng nhau xây dựng đại gia đình hạnh phúc.

Từ việc được giáo dục truyền thống văn hóa, các thành viên gia đình ông Dương Văn Trang- phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì luôn chia sẻ, đùm bọc, cùng nhau xây dựng đại gia đình hạnh phúc.

PTĐT - Gia đình là nền tảng, có chức năng bảo đảm tính ổn định của xã hội. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vai trò của gia đình càng trở nên quan trọng, trở thành thước đo sự ổn định và phát triển của xã hội, đồng thời là nơi lưu giữ và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp tạo nên bản sắc văn hóa của một quốc gia.

Gia đình Việt Nam truyền thống được gắn kết bền chặt là do tình nghĩa và trách nhiệm giữa các thành viên. Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt, trao truyền qua nhiều thế hệ đã trở thành các chuẩn mực đạo đức của dân tộc, được trân trọng giữ gìn như hướng về cội nguồn, biết ơn tổ tiên, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng chung thủy, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Những giá trị chuẩn mực truyền thống đó được thể hiện trong nhận thức, suy nghĩ, việc làm của mỗi người, từ ăn nói, đi đứng cho đến cung cách ứng xử

kính trên, nhường dưới, lễ phép, hiếu nghĩa trong mối quan hệ giữa các thành viên gia đình và là bản sắc văn hóa sâu đậm của dân tộc. Đặc trưng của gia đình truyền thống Việt Nam là “tam, tứ, ngũ đại đồng đường”, có nhiều thế hệ cùng sinh sống, mọi thành viên của mỗi gia đình đều luôn có cách ứng xử phù hợp, tôn trọng, quan tâm, gắn bó khăng khít.
Trong thời đại ngày nay, cùng với những cơ hội để mỗi gia đình vươn lên phát triển kinh tế, đã xuất hiện nhiều hệ lụy tác động trực tiếp đến các giá trị văn hóa truyền thống, mối quan hệ giữa các thành viên dần trở nên lỏng lẻo, mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống, vấn đề chăm sóc người cao tuổi; tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn; tình trạng bạo lực trong gia đình; nhiều tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập vào một số gia đình...đặt ra những thách thức mới. Năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 138 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 36 vụ bạo lực tinh thần, 93 vụ bạo lực thân thể, 9 vụ bạo lực tình dục. 100 người phải áp dụng các biện pháp xử lý góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, áp dụng biện pháp giáo dục 2 người, xử phạt vi phạm hành chính 27 người, có 4 người bị xử lý hình sự. 131 nạn nhân bị bạo lực gia đình trong đó có 10 người là nam giới, nữ giới là 121 người. Để gia đình trở thành tế bào lành mạnh của xã hội, trước hết, mỗi thành viên cần nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc xây dựng mái ấm gia đình; biết cách điều hòa mọi công việc, mối quan hệ để giữ gìn mái ấm của mình. Những “viên gạch” để xây nên ngôi nhà hạnh phúc chính là thái độ, hành động sống có trách nhiệm và tôn trọng lẫn nhau, vì sự bền vững của gia đình chính là nền tảng phát triển xã hội.Là một trong những gia đình tam đại đồng đường, dù có 3 thế hệ cùng chung sống nhưng các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Ngọc San- 84 tuổi, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì luôn vui vẻ, hạnh phúc. Ông San chia sẻ: “Tôi luôn nhắc nhở con cháu làm sao phải dung hòa mọi công việc, làm gì thì làm cũng không được phép sao nhãng việc gia đình, bố mẹ phải là trụ cột quan tâm, dạy bảo các con. Trong gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, các thành viên sẽ có những quan điểm sống và suy nghĩ khác nhau. Do vậy, để chung sống hòa thuận dưới một mái nhà, vợ chồng tôi luôn khuyên con, cháu trong cuộc sống đạo đức lúc nào cũng phải đặt lên hàng đầu. Trong gia đình thì “dưới nhìn lên, trên nhìn xuống”, con cháu phải biết hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, yêu thương anh chị em như chân với tay. Con cái sinh ra phải răn dạy từ nhỏ, cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con cái noi theo. Anh em bảo ban nhau làm ăn, không được ghen ghét, đố kỵ, có như thế gia đình đoàn kết, hạnh phúc”.

Bữa cơm gia đình mang lại sự gắn kết giữa các thành viên, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bữa cơm gia đình mang lại sự gắn kết giữa các thành viên, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Còn gia đình anh Nguyễn Đức Khanh và chị Nguyễn Khánh Trang- khu Châu Phong, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì là hình mẫu đại diện cho thế hệ gia đình trẻ, hiện đại song vợ chồng anh chị vẫn giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp của gia đình. Công việc bận rộn, nhưng vợ chồng anh chị vẫn dành cho nhau sự quan tâm để vun đắp, gìn giữ hạnh phúc gia đình, cùng nhau chăm sóc, dạy dỗ con cái, chia sẻ công việc nhà, tôn trọng nhau. Chị Trang chia sẻ: “Xác định là người “giữ lửa” trong gia đình, tôi luôn biết cách để vợ chồng hòa thuận, yêu thương nhau. Chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ hai bên, giúp đỡ anh em họ hàng. Trong việc dạy bảo con cái, vợ chồng tôi luôn xác định làm bạn với con, lắng nghe, tâm tư, nguyện vọng của con chứ không áp đặt. Nhờ vậy mà không khí của gia đình tôi luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc”.Chốn bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời của mỗi người, gia đình cũng chính là trường học đầu tiên để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách của con người. Chỉ có ở gia đình, con người mới có thể cảm nhận được tình yêu thương và sự bao dung vô bờ bến. Chính vì vậy, ngày 04/5/2001 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam và chọn tháng 6 là tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Đây không chỉ là hành lang pháp lý mà còn là cơ hội để mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đoàn thể đề cao trách nhiệm trong việc chăm lo xây dựng gia đình, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sự phát triển của gia đình để tạo điều kiện mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Hưởng ứng chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2020 “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày gia đình Việt Nam 28/6. Các cấp, các ngành, các địa phương đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng; kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc.Ông Nguyễn Thanh Xuân- Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình, Sở VH,TT&DL cho biết: Sở đã lồng ghép việc triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình giáo dục đời sống gia đình, Đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam trong triển khai thực hiện công tác gia đình tại địa phương; chỉ đạo Thư viện tỉnh xây dựng mô hình tủ sách gia đình; Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tỉnh tuyên truyền trước các buổi chiếu phim tại các xã vùng sâu, vùng xa để lồng ghép việc tuyên truyền về đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; gương người tốt việc tốt. Chỉ đạo và hướng dẫn phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành, thị tập trung tuyên truyền lồng ghép trong triển khai thực hiện các nội dung tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020; thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Để phòng, chống bạo lực gia đình, trên địa bàn tỉnh đã thành lập gần 1.000 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 835 số đường dây nóng, 1.789 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng... góp phần quan trọng làm giảm thiểu số vụ bạo lực gia đình. Những kết quả trên là nền tảng quan trọng tạo tiền đề để nhân rộng các mô hình, phong trào tiêu biểu về công tác gia đình, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202006/giu-gin-va-phat-huy-truyen-thong-van-hoa-trong-gia-dinh-171523