Giữ gìn văn hóa ứng xử trong gia đình

Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nhân cách của mỗi người. Trải qua bao biến đổi của cuộc sống, giá trị này vẫn được giữ vững và phát huy.

Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái. Ảnh: THIÊN LÝ

Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái. Ảnh: THIÊN LÝ

Trong mỗi gia đình, mọi người cùng vun đắp, thắp sáng tình yêu thương, cùng nhau xây dựng mái ấm tiến bộ, hạnh phúc.

Lựa lời mà nói

Bà Hoàng Thị Sâm ở xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) kể, trước đây gia đình bà rất khó khăn, thường xuyên rơi vào cảnh thiếu hụt, nhưng vợ chồng bà vẫn động viên nhau cố gắng làm lụng nuôi dạy con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện nay, các con đều đã trưởng thành, có công việc ổn định. Những lúc con cái có khúc mắc, bà Sâm nhẹ nhàng phân giải thấu đáo để con giữ gìn hạnh phúc gia đình, có thêm động lực phấn đấu trong cuộc sống.

Bà Sâm chia sẻ: “Tôi nghĩ, ai cũng có những khiếm khuyết nhưng chính lòng nhân ái, độ lượng và kiên nhẫn của những người thân yêu trong gia đình sẽ giúp gọt giũa, hoàn thiện bản thân mình hơn. Chẳng hạn, một người chồng nóng tính thì cần người vợ nhu mì. Một người vợ chưa vén khéo thì rất cần một người chồng bao dung. Một đứa con đi lầm đường thì hơn ai hết, cha mẹ là người dẫn lối cho con. Vì thế, vợ chồng tôi luôn ý thức làm gương cho các con, các cháu noi theo trong từng cử chỉ, hành động, lời ăn tiếng nói...”.

Còn chị Lê Thị Thanh Lam ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) cho biết ngày trước chị làm nội trợ, còn ông xã đi làm thuê. Công việc của chồng chị không ổn định, còn hay nhậu nhẹt với bạn bè. Nghe lời vợ con khuyên nhủ, chồng chị dần thay đổi tính tình, biết phụ vợ việc nhà, chăm sóc các con. Khi chị bận, chồng sẵn sàng xắn tay vào bếp. Ngoài việc chăm lo cho gia đình, dạy dỗ con cái, chị thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt về kế hoạch hóa gia đình, gia đình văn hóa ở địa phương để có thêm kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc và đúc kết kinh nghiệm bổ ích cho bản thân.

“Từ đó, tôi áp dụng có hiệu quả vào cuộc sống gia đình, biết lựa lời mà nói nên vợ chồng hiểu nhau hơn...”, chị Lam bày tỏ.

Giữ lửa yêu thương

Có một thực tế là thời gian dành cho nhau giữa những người thân thiết trong gia đình ngày một ít đi. Nhiều người vì mải mê làm ăn, đầu tư về kinh tế nhưng không đầu tư thời gian dành cho con. Từ đó gia đình xuất hiện tình trạng các thành viên ít giao tiếp, gần gũi, thỉnh thoảng mới nói với nhau vài câu khi cần. Hình ảnh quen thuộc đến đau lòng ở nhiều gia đình là mỗi tối, mỗi người dán mắt vào điện thoại thông minh cho tới lúc đi ngủ. Thậm chí, tình trạng suy đồi về đạo đức như con cái bất hiếu với cha mẹ, con cháu ngỗ nghịch với ông bà ngày càng nhiều...

Theo các chuyên gia, mức độ gắn kết trong gia đình và sự thành công của trẻ thường đến từ một gia đình mà trẻ được sống với cả cha và mẹ. Trong đó, người lớn có vai trò quan trọng trong việc vun đắp không khí gia đình và tăng cường mối gắn kết tình cảm giữa các thành viên. Vì vậy, người lớn nên tạo môi trường sao cho trẻ cảm thấy thoải mái khi giao tiếp, đặc biệt nên thể hiện sự quan tâm đến thông tin và cố gắng không phán xét điều gì khi trẻ đang nói chuyện.

Theo ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL), để giá trị truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình vẫn được giữ vững và phát huy, trước hết cha mẹ phải là tấm gương soi, gương mẫu trong từng lời nói, hành động, lối sống. Trong cuộc sống, dù lo toan với chuyện cơm áo gạo tiền, cha mẹ vẫn nên dành thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái, phù hợp với từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý của con.

“Giá trị cốt lõi của gia đình là tình yêu thương. Chúng ta hãy nhìn lại và điều chỉnh những chuẩn mực ứng xử, giao tiếp để điều cuối cùng nhận được là một mái ấm tràn đầy yêu thương. San sẻ công việc cho nhau, quan tâm lẫn nhau, dành thời gian cho nhau nhiều hơn cũng chính là cách ta giữ lửa yêu thương và cân bằng cuộc sống cho chính mình, gia đình mình”, ThS Hoa Hữu Vân nhấn mạnh.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/312881/giu-gin-van-hoa-ung-xu-trong-gia-dinh.html