Giữ gìn viên ngọc xanh Thanh Đa - Bình Quới

Theo truyền thuyết bấy lâu, viên ngọc xanh không những đem đến bình an - hộ mệnh mà còn xua tan những nguồn năng lượng xấu. Chắc hẳn, người xưa và người nay đều ước mong giữ được vẻ đẹp của những viên ngọc quý như Thanh Đa - Bình Quới.

"Thanh Đa - Bình Qưới là viên ngọc lục bảo trời cho”, Tiến sĩ quy hoạch Nguyễn Ngọc Hiếu - Đại học Việt Đức nhận xét đầy thi vị.

Mà đúng vậy. Nhìn từ máy bay hay nhìn từ xa trên tòa tháp chót vót Landmark 81, ta rất dễ đồng cảm với hình ảnh một “thảm xanh” bồng bềnh trên dòng nước. Nó mang hình dáng một mặt dây chuyền Emerald quý phái, hay có thể hình dung là một lộc bình duyên dáng. Bán đảo này là khoảng đất trời khoáng đạt giữa một không gian xung quanh đã tràn ngập nhà cửa lô xô, cao ốc chọc trời, đường sá xô bồ lộn xộn. Mỗi lần băng qua vòng xoay Hàng Xanh náo nhiệt và giao lộ ngã năm Đài liệt sĩ - cái tên đã xa vắng, để vào Thanh Đa - Bình Quới, tôi không khỏi hồi hộp như đi gặp người xưa. Chao ơi, đó là vùng quê yên ả, sông nước thơ mộng cách trung tâm quận 1 chẳng là bao. Và còn là vùng ký ức một thời thân thương cho những ai từng để một phần đời hoa niên nơi đó.

Một điểm câu cá, khung cảnh đồng quê (ảnh chụp 8.2024)

Một điểm câu cá, khung cảnh đồng quê (ảnh chụp 8.2024)

Vòng quanh bán đảo “ngày xửa ngày xưa”

Ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn 40 năm. Ngày ấy, cuối tuần có anh chàng sinh viên cùng bạn gái ở nội thành thích phiêu lưu, khám phá các xóm làng xa xa. Cả hai cùng đạp xe đi “Sở Bông”, vùng bên kia rạch Thị Nghè - phần nối tiếp của “Sở Thú”, chuyên ươm cây cho cả thành phố. Và rồi họ qua cầu Kinh, đến Thanh Đa, khu chung cư tại đây trông còn mới lắm và êm đềm. Qua khu chung cư một thoáng là gặp “Câu lạc bộ thể thao dưới nước”- tên Tây là Club Nautique de Saigon. Qua cổng câu lạc bộ là thấy sông nước mênh mông, ca nô lướt ván lạ lẫm và hấp dẫn. Nơi đó có cả sân tennis, quán ăn thượng lưu, không hợp túi tiền thư sinh cho nên cứ đạp xe thêm mươi phút, khoảng chừng từ tu viện Mai Thôn trở đi - cái tên mộc mạc, họ tìm được chốn quê gần gũi của mình.

Xe đi tà tà, nhiều đường đất tách ra hai bên dẫn vào hồ ao và vườn tược xanh um cùng những ngôi nhà ngói hay mái tôn nâu cũ. Cuối đường, họ bất ngờ trông thấy một nông trại vừa chuyển thành khu nghỉ mát. Nghe nói trước đây đó là nông trại của báo Tin Sáng, về sau chuyển sang công ty du lịch. Đây đó cây dừa xiêm, dừa lửa, bụi rậm đan xen cùng những ngòi nước nhỏ, những con kinh be bé mới đào. Buổi chiều còn vương nắng, họ ngồi bên bờ sông, ngắm những con thuyền lững lờ đi qua mà thấy dòng đời chậm lại.

Bên kia sông có khói đốt đồng điểm xuyết, nghe như có mùi rơm rạ bay ra từ những trang sách mơ mộng. Họ đạp xe trở về thành phố, từng vòng xe trôi đi trong màn đêm đang buông xuống, tĩnh mịch. Những ánh đèn vàng mới thắp lên, tiếng ếch nhái và ve sầu bắt đầu hòa điệu. Khung cảnh dịu buồn vẫn không ngăn được câu chuyện vui và nụ cười ngọt ngào giữa đôi lứa.

Dòng đời lẳng lặng qua, anh sinh viên một hai năm sau làm nhà báo, lại có cơ duyên đi thuyền vòng quanh bán đảo. Trong bài viết sau chuyến đi, anh gọi đây là “vòng cung xanh thẳm”. Chứng kiến dòng sông uốn khúc ngoạn mục đi qua các thôn xóm hiền hòa, anh hít vào tận sâu cái cảm giác “êm êm thú vị, thấm mát trong cảnh sắc vùng quê, ngay cửa thành phố”. Anh nhớ mãi cảnh hai bên bờ sông trải dài ruộng lúa và vườn mía thơm tho. Nhớ mãi vun vút những hàng dừa và hàng cau thẳng tắp, thi thoảng những ngôi nhà tranh và cánh cò ẩn hiện. Lâu lâu ven đường nước xuất hiện một vài nhà máy nho nhỏ, khỏe khoắn, không gây ồn ào.

Dọc bán đảo có những câu chuyện cổ tích về điểm giấu quân của nhà Tây Sơn, ruộng “tịch điền” và “đường thiên lý” thời nhà Nguyễn. Người hướng dẫn viên đưa anh đi không chỉ “hay chuyện” vùng đất mà còn biết thổi ắc-mô-ni-ca những giai điệu tươi vui. Anh ước chi Thanh Đa - Bình Quới luôn thanh bình như thế và luôn là nơi dạo chơi cuối tuần cho tuổi đôi mươi - lứa tuổi khát khao cuộc sống hòa mình với đất trời.

Khung cảnh làng quê, bao quanh xa xa là các nhà cao tầng (ảnh chụp 8.2024)

Khung cảnh làng quê, bao quanh xa xa là các nhà cao tầng (ảnh chụp 8.2024)

“Vườn hoang trinh nữ” chờ đợi

Thế kỷ XX khép lại, bước vào thế kỷ mới, nhiều vùng quê ngoại thành của Sài Gòn nay đã hóa phố phường náo nhiệt. Giờ đây, ngoài một ít đất đai ở các huyện vùng ven, hầu như mảng xanh còn lại lớn nhất của Sài Gòn chỉ là rừng sác Cần Giờ. Bán đảo Thủ Thiêm to rộng từ hơn 15 năm qua cũng đã “bốc hơi” hết thảy ruộng đồng, làng mạc để chuyển thành khu xây dựng nguy nga. Trong toàn cảnh biến đổi nhanh chóng đó, lạ kỳ thay Thanh Đa - Bình Quới vẫn là thảm xanh tươi tắn còn sót lại giữa một đại đô thị muôn màu. Tuy nhiên cảnh quan và đời sống tại đây đã thay đổi khá nhiều.

Công trình xây dựng mới nổi bật trên bán đảo là cầu Kinh - 2013 với độ tĩnh không cao, mặt đường lớn, khác hẳn thế kỷ trước. Cây cầu giúp con đường độc đạo từ các nơi khác đi vào bán đảo, kể cả đường thủy, lưu thông thuận tiện hơn nhiều. Hai bên cầu, nhà phố được làm mới, nhiều khách sạn và cửa hàng mọc lên. Buồn thay, qua cầu, ta gặp các tòa nhà chung cư Thanh Đa nay đã xộc xệch, xuống cấp như nhiều chung cư cũ kỹ ở nội thành. Trong khi ấy, khu nhà Petro Việt Nam - chiếm trọn một khúc bờ sông, nhiều năm qua trông rất phong lưu song hiện tại khoác áo bụi bặm, xô bồ. Chỉ riêng khu khách sạn của Công đoàn, từng là nhà nghỉ cho công nhân viên còn giữ vẻ phong quang. Gần đấy, bến tàu Saigon Waterbus mới hoạt động, được xây cất tươm tất.

Tiếp sau phần mở đầu bán đảo thuộc phường 27, quận Bình Thạnh mang hình “cổ chai” là phần phình to như một chiếc bình khổng lồ, thuộc phường 28. Chiếm lĩnh phần lớn bên tay phải đường vào, nơi cách bờ sông chỉ khoảng 50m, có một số tòa cao ốc khách sạn, nhà hàng, villa kiểu mới. Nối tiếp hai bên đường là các dãy nhà thấp tầng, đan xen nhà dân, cơ quan phường, hãng xưởng, hàng quán, chợ nhỏ và trại cai nghiện ma túy. Càng vào sâu càng thấy nhiều tấm bảng quảng cáo nhà nghỉ, quán cà phê sân vườn, hồ câu cá rộng rãi, nằm trong các con hẻm - khi xưa là các lối nhỏ vào thôn xóm.

Ngôi đình cổ Bình Quới Tây với cổng tam quan mới (ảnh chụp 8.2024)

Ngôi đình cổ Bình Quới Tây với cổng tam quan mới (ảnh chụp 8.2024)

Khách tìm đến ngôi đình cổ Bình Quới Tây sẽ vào một con hẻm lớn mang số 480 với nhiều ngóc ngách và những cây cầu bé xíu. Tại đây, ngôi đình cổ nằm lút trong sâu, trông ra bờ sông - vẫn còn vẻ hoang dại. Ngôi đình, ngay từ cổng tam quan được người dân và các vị “mạnh thường quân” tu bổ khang trang. Đường vào đình đi qua các ao sen khá lớn. Màu sen ửng hồng rạng rỡ trong nắng trưa. Phía xa xa, đường chân trời nhấp nhô nhiều nhà cao tầng và ngọn tháp Landmark 81. Phải chăng, một ngày không xa làn sóng nhà cửa bê tông hóa sẽ tràn vào đây? Nay mai những “vườn hoang trinh nữ” như Thanh Đa - Bình Quới, phải chăng chỉ còn trong thơ Huy Cận?

Bán đảo Thanh Đa nhìn từ phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức qua. Ảnh: Trà My

Bán đảo Thanh Đa nhìn từ phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức qua. Ảnh: Trà My

Viên ngọc xanh quý hiếm cho muôn đời

Sau nhiều thập kỷ “quy hoạch treo”, chắc hẳn người dân bán đảo và các nơi khác tương tự đều sốt ruột muốn biết tương lai vùng đất của mình sẽ đi về đâu. Những năm qua, các tập đoàn đầu tư địa ốc từng hứa hẹn phát triển khu vực này vẫn án binh bất động.

Không thể chậm trễ hơn nữa, mới đây chính quyền thành phố phát động cuộc thi thiết kế mới các ý tưởng quy hoạch Thanh Đa - Bình Quới. Đề bài cuộc thi yêu cầu xây dựng bán đảo là khu đô thị sinh thái, bền vững và hiện đại. Đặc biệt, đó là đô thị phát triển theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn. Hẳn nhiên đây là những tiêu chí đẳng cấp cao, bắt kịp trào lưu văn minh đô thị mới nhất của nhân loại. Chính vì vậy, để diễn dịch và thực thi được chúng, áp dụng vào thực tế cụ thể của Thanh Đa - Bình Quới, các nhà quy hoạch cần khảo sát đầy đủ và tìm hiểu cặn kẽ bối cảnh lịch sử cũng như các yếu tố tự nhiên, kinh tế và xã hội của vùng đất.

“Hồn cốt” sinh thái và nhân văn hàng đầu của Thanh Đa - Bình Quới chính là môi trường sông nước đa dạng, không khí trong lành, cảnh quan làng mạc và ruộng vườn thư thái. Mặt bờ sông cùng các con rạch nhỏ và ao hồ cũng như cây lá và hoa trái của bán đảo cần được ưu tiên nâng niu, cải thiện đồng bộ. Nhà cửa, sinh hoạt trên bán đảo sẽ trở nên độc đáo nếu được sắp đặt và thiết kế hài hòa với thiên nhiên, ngăn chặn các nguy cơ ô nhiễm. Có thể coi Thanh Đa - Bình Quới là “vùng cam kết phát thải Net Zero”; vùng nói không với các công trình hoành tráng, chiếm cứ đất đai và mặt nước quy mô lớn. Đây còn là vùng đi đầu trong sử dụng xe đạp và các phương tiện di chuyển sử dụng năng lượng sạch.

Ao sen gần đình Bình Quới Tây (ảnh chụp 8.2024).

Ao sen gần đình Bình Quới Tây (ảnh chụp 8.2024).

Thiết nghĩ toàn bộ bán đảo chỉ nên là “thị trấn nghỉ dưỡng” cuối tuần cho người dân thành phố, nhất là giới lao động trí óc và sáng tạo. Trong đó phần “phố thị” nằm ở khu vực cửa vào bán đảo, bao gồm phố chợ, trung tâm hành chính, y tế và giáo dục, hậu cần kỹ thuật, điện nước và internet. Đây là phần đã xây dựng lớn, chỉ cần sửa sang, nâng cấp và đầu tư làm mới, tăng cường tiện nghi hiện đại. Các chung cư và nhà công sở cũ sẽ được cải tạo hay nâng cấp, hoặc xây mới thích hợp, chấm dứt tình trạng nhếch nhác, lãng phí. Nối tiếp phần “phố thị” sẽ là phần “làng mạc” - những khu đất còn khá nhiều đường nét tự nhiên chạy đến cuối bán đảo.

Vùng đất rộng lớn ấy nên chia ra nhiều phân khu dân cư và du lịch. Tùy tình hình nhân khẩu và tính chất đất đai cụ thể mà chính quyền điều chỉnh toàn cục hay từng bộ phận để làm các “xóm hương thôn”, nơi chủ nhà và chủ đất vừa làm các nghề truyền thống, vừa tham gia dịch vụ nghỉ dưỡng. Còn các “xóm lữ khách” là các cơ sở lưu trú, thể thao, giải trí, câu cá hay cắm trại với nhiều hình thái khác nhau. Nhưng chúng đều liên kết với nhau, hỗ trợ nhiều mặt cho nhau.

Dọc bờ sông, tiếp giáp các “xóm”, không nhất thiết phải làm kè đá toàn bộ mà nên giữ cảnh sắc tự nhiên vốn có. Chúng ta hoàn toàn có thể cứu giữ hoặc trồng mới các hàng dừa, hàng cau, hàng trúc để tái tạo khung cảnh xóm làng Việt Nam cổ truyền. Một “thị trấn nghỉ dưỡng” như thế sẽ phải điều hành thống nhất, do vậy về mặt chính quyền rất nên sáp nhập hai phường 27 và 28 Bình Thạnh hiện giờ thành một đơn vị hành chính chung.

Chợ nhỏ ven con đường chính của bán đảo (ảnh chụp 8.2024).

Chợ nhỏ ven con đường chính của bán đảo (ảnh chụp 8.2024).

Các đình miếu, chùa chiền, nhà thờ, nhà cổ và bến nước hiện có trên bán đảo cần được giữ gìn và phát huy giá trị trong đời sống tâm linh và kinh tế di sản. Thời nhà Nguyễn, đường quan lộ từ cửa thành Gia Định ở đầu rạch Thị Nghè chạy xuyên “thảm xanh” đến bến đò Bình Quới. Từ đó sang ngang, binh lính đi tiếp ra kinh đô Huế để chuyển công văn, giấy tờ hỏa tốc. Hy vọng một ngày không xa sẽ có một bảng kỷ niệm ở phía cầu Kinh và tại bến đò nhằm ghi lại dấu tích lịch sử đường thiên lý. Không chỉ Thanh Đa - Bình Quới, cả thành phố đều cần rất nhiều bảng kỷ niệm kể lại chuyện đời của các vùng đất xưa và các kiến trúc “lão niên”.

Bản thân địa danh Thanh Đa trong nguyên gốc viết là Thạnh Đa (có nghĩa là thịnh vượng) và cái tên Bình Quới (yên bình và trân quý) đã phản ánh kỳ vọng của tiền nhân, ký thác nơi vùng bán đảo hiếm hoi thuở Sài Gòn tân lập. Theo truyền thuyết bấy lâu, viên ngọc xanh không những đem đến bình an - hộ mệnh mà còn xua tan những nguồn năng lượng xấu. Chắc hẳn, người xưa và người nay đều ước mong giữ được vẻ đẹp của những viên ngọc quý như Thanh Đa - Bình Quới.

Trong cuộc đô thị hóa vũ bão hiện tại, xin đừng làm phai mòn hay biến dạng những viên ngọc được tổ tiên trao truyền qua bao thế hệ!

Bài và ảnh: Phúc Tiến

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/giu-gin-vien-ngoc-xanh-thanh-da-binh-quoi-44949.html