Hiện nay, gốm đen Biên Hòa phần lớn được dùng trang trí trong sân vườn, khách sạn, nhà hàng, nhà vườn... và có giá trị thẩm mỹ, được đánh giá cao
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, trước những khó khăn về thị trường, công nghệ sản xuất, thiếu lao động lành nghề đã khiến nhiều cơ sở gốm đen gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Biên Hòa dần bị mai một, rất cần được nghiên cứu và lưu giữ.
Gốm đen vốn nổi tiếng ở làng gốm Tân Vạn (nay thuộc khu vực các phường: Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An, TP.Biên Hòa) từ hàng trăm năm trước. Hiện nay, dòng gốm đen của Biên Hòa phần lớn được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu
Theo ông Trần Thanh Tâm, chủ Cơ sở gốm đen Tâm Phát (P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) - người đã gắn bó với nghề làm gốm đen truyền thống hàng chục năm nay, loại đất dùng để sản xuất gốm đen là loại đất sét đặc trưng ở địa phương và một số vùng lân cận. Loại đất này vừa phải đạt độ dẻo, độ bền chắc, vừa phải cho ra được màu đặc trưng của sản phẩm gốm đen ở đây.
Việc tạo hình cho gốm đen là khâu rất quan trọng, quyết định thành bại của sản phẩm khi ra lò. Với nhiều người thợ lành nghề, việc tạo hình này còn có thể làm thủ công mà sản phẩm vẫn đều, chắc, đảm bảo các chi tiết cơ bản…
Theo ông Châu Văn Nhất, người gần 40 năm chuyên tạo hình gốm, trong khâu này, việc tạo hình cho các sản phẩm đòi hỏi sự sáng tạo, nắn chỉnh các chi tiết một cách tỉ mỉ
Đặc trưng của dòng gốm này là các công đoạn làm thủ công và nung bằng lò nung củi trong nhiệt độ khoảng 1 ngàn oC trong thời gian khoảng 3-4 ngày đêm
Chính trong môi trường như vậy, dưới tác động của nhiệt độ cao, khói bụi của luồng lửa táp vào sản phẩm tạo ra men gốm đen, bóng, bền chắc với thời gian
Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ vì kỹ thuật làm gốm đất đen phải nung bằng củi với hệ thống lò kiểu cũ nên sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Điều này đòi hỏi công tác bảo tồn sản phẩm gốm đen truyền thống cần phải đi đôi với việc tìm ra hướng xử lý khí thải, hạn chế ô nhiễm môi trường khi sản xuất loại gốm này sao cho hài hòa, phù hợp
Gốm đen Biên Hòa đã khẳng định được vị thế và tính đặc trưng của làng nghề gốm truyền thống có tiếng tại Đông Nam bộ. Nhiều chủ cơ sở mong muốn có những cơ chế, chính sách phù hợp để góp phần lưu giữ, bảo tồn sản phẩm này hiệu quả, từ đó góp phần phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của gốm đen nói riêng và gốm Biên Hòa nói chung
Hải Quân